Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính sách hỗ trợ mới mang lại cho những nhà giáo đang công tác tại vùng đặc biệt khó khăn nguồn động viên to lớn để họ yên tâm gắn bó với nghề |
Thêm nhiều ưu đãi
Nghị định quy định, nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có gia đình chuyển đi theo thì được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ (thay cho mức trợ cấp là 6,5 triệu đồng như quy định hiện hành).
Và mức trợ cấp lần đầu thay vì quy định cụ thể mức trợ cấp là 4 triệu đồng thì Nghị định mới quy định mức cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung.
Theo thầy Vũ Văn Sử, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, cách điều chỉnh mức hỗ trợ chuyển vùng, hỗ trợ lần đầu theo mức lương tối thiểu vùng thể hiện sự linh hoạt, bền vững của chính sách.
Điểm mới đặc biệt có ý nghĩa của chính sách này theo thầy Sử là quy định khi giáo viên hết thời hạn công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà chưa thực hiện được việc luân chuyển, giáo viên vẫn tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút.
“Ý nghĩa của chính sách không chỉ nằm ở mặt vật chất mà quan trọng hơn, nó thể hiện được sự quan tâm của Nhà nước với những giáo viên đang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tại vùng đặc biệt khó khăn. Bù đắp bằng sự quan tâm, bằng chế độ là sự bù đắp đúng đắn và bền vững nhất”, thầy Sử chia sẻ.
Thầy giáo Đinh Chương, đang giảng dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Sơn Động, tỉnh Bắc Giang bày tỏ niềm vui: “…Cuối cùng thì cán bộ giáo viên công tác trong trường chúng tôi cũng thỏa nỗi hằng mong. Sự quan tâm của Nhà nước đến đời sống của giáo viên vùng khó khăn sẽ là động lực để chúng tôi cố gắng và cống hiến”.
Thầy Chương cũng cho rằng, việc tiếp tục cho các giáo viên đã hết thời hạn luân chuyển nhưng vẫn đang công tác tại vùng đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp thu hút là hoàn toàn chính đáng và cần thiết để những giáo viên này bớt phần thiệt thòi.
“Không chỉ riêng trường chúng tôi, mà còn rất nhiều ngôi trường khác tại những vùng khó khăn của cả nước đang có những giáo viên đã hết thời hạn luân chuyển nhưng vẫn tiếp tục ở lại công tác”, thầy Chương cho biết.
Thêm động lực gắn bó lâu dài với giáo dục vùng khó
Đã hơn 15 năm công tác ở vùng đặc biệt khó khăn thuộc tỉnh Thanh Hóa, cách nhà hơn 200km, thầy giáo Lưu Tuấn Anh chia sẻ: “Cuộc sống nơi miền sơn cước với bao khó khăn vất vả. Gia đình ở quê, con không bố chăm sóc dạy bảo, bố mẹ về già không ai nương tựa. Với mức lương chỉ cao hơn so với giáo viên miền xuôi 35% mà chi phí đi lại vô cùng tốn kém nên để tiết kiệm, có những khi 2, 3 tháng tôi mới về thăm nhà một lần. Đó là khi con cái, bố mẹ khỏe mạnh bình thường, còn những lúc người thân ốm đau đột xuất, thì vấn đề đi lại, chi phí còn khó khăn hơn nhiều lần”.
Đón nhận thông tin về chính sách mới này, thầy Tuấn Anh hy vọng, khi được hưởng thêm phụ cấp thu hút thì sẽ có thêm khoản tiền để đỡ đần gia đình và yên tâm công tác hơn.
Thầy giáo Quách Văn Truyền (tỉnh Sơn La) thì kể, trước đây, do chỉ được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% lương trong 5 năm nên cán bộ giáo viên sau khi hết thu hút đã không mặn mà ở lại phục vụ công tác lâu dài tại vùng khó khăn.
“Nay có Nghị định này thì giáo viên không cần phải chạy ngược chạy xuôi để xin về nữa. Có thể nói đây là Nghị định mang lại sức sống mới cho vùng đặc biệt khó khăn”, vui vẻ nói về chính sách mới”, thầy Truyền phấn khởi chia sẻ.
Đã từng có thâm niên 9 năm công tác tại xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cô giáo Hồ Thị Huệ cho biết, chỉ những ai đã từng trực tiếp sống ở những vùng đất như thế mới thấy hết được những khó khăn, vất vả mà các thầy cô giáo phải trải qua để đưa được con chữ đến với các em học sinh.
Theo cô giáo Huệ, việc tăng hỗ trợ lần đầu sẽ là bước đầu tiên tạo thuận lợi, động viên các giáo viên yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với miền núi, vùng sâu, vùng xa…
Là một người đã nhiều năm gắn bó với nghề giáo, bà Nguyễn Hồng Liêu, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội của HĐND tỉnh Ninh Thuận, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cũng cho rằng đây là một chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với đội ngũ thầy cô giáo đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
“Trước đây giáo viên chỉ được hưởng phụ cấp thu hút 5 năm, nhưng có những giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn hàng chục năm, nếu những giáo viên này tiếp tục ở lại giảng dạy mà không được hưởng chế độ gì sẽ gây khó khăn và không động viên được tinh thần của họ. Do vậy, đây sẽ là một chính sách giúp các giáo viên yên tâm gắn bó lâu dài với công việc”, bà Liêu nói.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân
Tin liên quan:
>> Bổ sung chính sách đối với nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn