Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Đang cùng gia đình sinh sống yên ổn gần 10 năm nay, bỗng dưng ông Dương Văn Định ngụ tại 508 Hoàng Diệu (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, T.P Đà Nẵng) bị cáo buộc lấn chiếm đất của ông Trần Quốc Tề ngụ tại 510 Hoàng Diệu. Diện tích mà ông Tề cáo buộc ông Định lấn chiếm là con hẻm chung giữa 2 nhà. Và, con hẻm này đã đưa ra cả pháp đình, khiến chuyện bé xé ra to. Bi hài hơn, phần đất cáo buộc ông Định lấn chiếm thì ngay bản thân ông cũng không nhận đó là đất... của mình !
Tranh tụng tại phiên sơ thẩm TAND quận Hải Châu ngày 5/7/2011, ông Tề cho rằng, nhà số 510 Hoàng Diệu được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) vào ngày 30/10/2000 với diện tích 98,9 m2. Do khi xây dựng nhà vào năm 1998, chiều ngang phía sau được xây hết diện tích là 7,85m, còn mặt tiền giáp với nhà ông Định chỉ dùng 7,6m (lùi so với kích thước được cấp trong sổ là 0,57m), tạo thành một khoảng trống hình tam giác giữa 2 nhà, thuộc sở hữu của mình. Đến ngày 1/6/2010, do nhà ông Định bắt nước máy và ống thoát nước, ống cấp nước nằm trên phần đất trống giữa hai nhà (khoảng 0,2m chiều ngang, kéo dài 0,5m), ông Tề đã khiếu nại ra UNND phường Hòa Thuận Đông, yêu cầu tháo dỡ nhưng ông Định không chịu thực hiện vì vậy ông Tề làm đơn khiếu nại ra tòa án quận.
Theo ông Định, năm 1998, khi gia đình ông Tề tiến hành xây dựng lại nhà có thương lượng với gia đình ông để được cơi nới vào phần diện tích con hẻm 0,5m bề ngang, phần sau sát luôn tường nhà mình. Do không ảnh hưởng tới phần đất nhà mình và con hẻm không ai đi lại nên ông Định đồng ý. Đến năm 2003, gia đình ông Định xây dựng lại nhà, nhưng do phần bê tông chắn mưa cửa sổ nhà ông Tề đua ra hơn 0,2m, nên nhà ông phải lùi vào 0,2 m bề ngang so với tường nhà cũ nơi tiếp giáp với con hẻm. Đến năm 2010, khi thành phố mở rộng đường Hoàng Diệu, nhà ông Định đặt lại đồng hồ nước tại vị trí cũ, còn đường ống vẫn như cũ. Ông không chấp nhận việc bị coi là lấn chiếm phần đất mà trước đây là con hẻm chung giữa 2 nhà.
Qua tìm hiểu, cho thấy, ông Tề kiện ông Định lấn chiếm phần đất của ông Tề. Nhưng thực tế, phần đất này có nguồn gốc hình thành là con hẻm đi chung giữa hai nhà, là đất công, thuộc quản lý của chính quyền địa phương. Và ngay cả ông Định cũng thừa nhận, diện tích đất đó không thuộc sở hữu của ông, nên ông Tề kiện ông lấn chiếm là không có cơ sở pháp lý. Ngoài ra, do để thuận lợi sinh hoạt, diện tích nhà chật hẹp, nên ông phải bắc đường ống nước ở phần ngõ đi chung, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt nhà ông Tề. Trong trường hợp, cơ quan Nhà nước sử dụng con ngõ vào mục đích công, ông Định sẵn sàng dỡ đường ống nước. Nếu ông Tề cho đó là phần đất của mình, thì đối tượng ông Tề cần kiện là chính quyền chứ không phải là gia đình ông Định.
Theo TAND quận Hải Châu tại phiên xử sơ thẩm, vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Trần Quốc Tề số nhà 510 Hoàng Diệu và bị đơn là Dương Văn Định số nhà 508 Hoàng Diệu về khoảng đất hình tam giác giữa hai nhà, Hội đồng xét xử quyết định, công nhận phần diện tích đất trống giữa 2 nhà 508 và 510 Hoàng Diệu có kích thước cạnh phía Đông giáp vỉa hè 0,49m, cạnh Nam giáp tường của ông Tề dài 8,16m, cạnh Bắc giáp tường nhà số 508 của ông Định dài 8,17m thuộc quyền sử dụng của nhà ông Tề. Đồng thời, cáo buộc ông Định phải tháo dỡ các vật kiến trúc hiện đang lắp đặt trên diện tích phần đất tranh chấp.
Lật lại nguồn gốc đất cho thấy, trước năm 1980 con đường Hoàng Diệu nối dài là một cái chợ (chợ Hòa Thuận), giữa hai nhà số 508 và 510 trước đây có con hẻm ra phía đường Hoàng Diệu, chiều ngang 0,8m và sâu lại chỉ còn 0,3m để làm hành lang thoát hiểm. Đến năm 1982, bà Trần Thị Sương (mẹ ông Tề) mua lại ngôi nhà này của vợ chồng ông Tùng, bà Cẩm, đến năm 1998 ông Tềxây dựng lại và lấn vào con hẻmgần 0,5m, vì trước năm 2000 chưa hề có một giấy tờ nào chứng minh phần đất đó thuộc sở hữu của một trong 2 nhà. Vậy cái hẻm đó thuộc quản lý của UBND phường Hòa Thuận (cũ) nay là Phường Hòa Thuận Đông. Đồng thời, con hẻm này là đường luồng chung giữa 2 nhà, do không có ai đi lại có thể thỏa thuận để sử dụng lắp đặt hệ thống thoát nước, cống ngầm chứ không được phép xây dựng.
Tuy nhiên, quyết định của tòa sơ thẩm vẫn còn nhiều uẩn khúc, một là chưa làm rõ lịch sử chuyển giao quyền sử dựng đất nhà ông Tề, khi bà Sương mua của vợ chồng ông bà Tùng có diện tích là bao nhiêu, đến thời kỳ ông Tề xây dựng có những sự thay đổi nào(?). Đồng thời, trong Biên bản xác định hiện trạng ranh giới, mốc giới thửa đất vào ngày 5/4/2000 của nhà ông Tề có ghi rõ ở phần tứ cận hướng Bắc lấy tường nhà ông Định làm ranh giới, vậy khi ông Định làm lại nhà năm 2003 đã lùi lại hơn 0,2m so với trước đây, tại sao số đất đó thuộc về nhà ông Tề. Trong khi móng cũ nhà ông Định vẫn nẵm ở con hẻm giữa hai nhà mà TAND chưa xác minh rõ làm rõ ?!
Một con hẻm không đáng để đưa ra cả pháp đình, nhưng có lẽ, khi ra đến pháp đình, câu chuyện lại càng phức tạp hơn !?
Nhóm PVPL