Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 29 tại CHDCND Lào trong tháng 9/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Kể từ khi thành lập (ngày 8/8/1967) đến nay gần tròn 50 năm, ASEAN không chỉ phát triển về quy mô (trước năm 1984, Hiệp hội chỉ gồm 5 nước, đến nay đã phát triển lên 10 nước thành viên), mà ngày càng phát huy vai trò đẩy mạnh hợp tác và liên kết khu vực, tăng cường đoàn kết, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á. Trong quá trình đó, các thể chế hợp tác, phương thức làm việc của ASEAN từng bước được hoàn thiện, phát triển; một trong những thành tựu nổi bật nhất chính là xây dựng và cho ra đời Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015.
Một năm trôi qua, xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột (Chính trị - An ninh; Kinh tế; Văn hóa – Xã hội) được các nước ASEAN thúc đẩy mạnh mẽ.
Đây là năm mà theo đánh giá của nhiều người, Việt Nam tiếp tục thể hiện sự tham gia và đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm, trong hoạt động hợp tác ASEAN, góp phần quan trọng vào kết quả triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội nhằm thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN trong năm đầu tiên; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN; củng cố, tăng cường, đoàn kết và vai trò của ASEAN trong các vấn đề quan trọng của khu vực, trong đó có Biển Đông. Đóng góp tích cực của Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28- 29 tại CHDCND Lào trong tháng 9/2016 được các nước trong khối ghi nhận. Về Biển Đông sau khi nhắc lại mục tiêu của Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 là phải duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết tranh chấp là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước, khu vực và cộng đồng quốc tế. Thúc đẩy các bên tự kiềm chế, không tiến hành các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, nghiêm chỉnh thực hiện DOC và đàm phán thực chất COC. Phát biểu này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được các đại biểu dự Hội nghị ghi nhận và đánh giá cao.
Cũng trong năm 2016, các Bộ, ngành của Việt Nam đều xây dựng đề án, chương trình và kế hoạch triển khai thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025; đồng thời tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ CHDCND Lào trong năm 2016 làm Chủ tịch ASEAN 2016.
Tăng cường đoàn kết, thống nhất
Đầu tiên cần nói đến hợp tác Chính trị - An ninh trong khu vực ASEAN, năm 2016 được các nước ASEAN thúc đẩy mạnh mẽ và đã triển khai 141/290 dòng hành động (gần 50%) Kế hoạch tổng thể. Trong đó, Việt Nam đã chủ động tham gia xây dựng và phát huy giá trị các công cụ và cơ chế bảo đảm an ninh khu vực; tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực; xây dựng lòng tin và chuẩn mực ứng xử, xử lý những thách thức an ninh phi truyền thống, những vấn đề nảy sinh trong quan hệ với các đôi tác. Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác trong các cơ chế, diễn đàn khu vực như EAS, ARF, ADMM ; đồng thời tham gia xây dựng các kế hoạch công tác với nhiều nội dung phù hợp với lợi ích của nước ta. Việt Nam cũng chủ trì hoặc đồng chủ trì nhiều hoạt động thực tiễn tại các kênh hợp tác ngoại giao, quốc phòng, công an.
Cụ thể, Việt Nam đã đăng cai họp Quan chức cao cấp ASEAN – Trung Quốc và Nhóm công tác chung về DOC (tháng 6/2016), họp nhóm Chuyên gia ADMM lần thứ 4 về Hành động mìn nhân đạo (tháng 10/2016), cuộc họp Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR); đặc biệt (10/2016) và hội thảo AICHR về các biện pháp tuyên truyền hiệu quả chống mua bán người, khóa đào tạo ARF về ngoại giao phòng ngừa, Diễn đàn Cảnh sát giao thông ASEAN lần thứ nhất (10/2016); đề xuất Diễn đàn khu vực (ARF) thông qua Tuyên bố về Tăng cường hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển.
Thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại
Về Kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, năm nay, các nước ASEAN đã hoàn tất Lộ trình xây dựng Cộng đồng kinh tế AEC 2015. Theo đó đến tháng 8/2016 đã thực hiện 530/611 dòng hành động (35 biện pháp về vận tải, hải quan, tiêu chuẩn, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ được triển khai). Tính chung đến nay 96% dòng thuế trong ASEAN đã được loại bỏ và sẽ đạt 98,67% vào năm 2018 (đáng chú ý là Việt Nam đã loại bỏ 91% từ ngày 1/1/2015 và sẽ đạt hơn 98% vào năm 2018).
Nhìn lại năm 2016, trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam tham gia đầy đủ, tích cực vào các cuộc họp các cấp trong tất cả các lĩnh vực liên quan; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN rà soát, triển khai các cam kết về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư; tích cực, chủ động phối hợp với các nước ASEAN xây dựng và thông qua các kế hoạch hành động chiến lược trong các lĩnh vực chuyên ngành nhằm thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng. Với vai trò điều phối hợp tác kinh tế ASEAN - EU, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại hai bên, được EU và ASEAN đánh giá cao.
Việt Nam cũng đảm nhiệm tốt vai trò chủ trì đàm phán Hiệp định thương mại dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định đối tác toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và chủ tọa Nhóm Đầu tư (đại diện cho ASEAN) trong đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 29 tại CHDCND Lào trong tháng 9/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tích cực tham gia lĩnh vực văn hóa - xã hội của ASEAN
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, các nước trong ASEAN đã tích cực triển khai Kế hoạch tổng thể với 109 dòng hành động (đến nay 9/15 cơ quan chuyên ngành đã hoàn thành chương trình, kế hoạch công tác giai đoạn 2016 - 2020) cùng các ưu tiên năm Chủ tịch ASEAN 2016 của CHDCND Lào về phát triển nguồn nhân lực, tăng cường việc làm bền vững, thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư; an sinh xã hội và hỗ trợ nhóm xã hội yếu thế; quản lý thiên tai và ứng phó với biên đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học; bảo tồn, phát huy di sản văn hóa; giáo dục cho trẻ em không được đến trường…
Theo đó, Việt Nam đã tích cực đề xuất sáng kiến, đóng góp vào những tiến triển trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân như họp quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn lao động di cư ASEAN (AFML) lần thứ 9 (Hà Nội, 9/2016) tập trung vào tình hình hiện tại của an sinh xã hội và hướng tới tính di động của bảo hiểm xã hội cho người lao động di cư ASEAN; tổ chức Diễn đàn Trẻ em ASEAN lần thứ 4 (Hà Nội, 6/2016); tham dự và xếp thứ ba Kỳ thi tay nghề ASEAN tại Ma-lai-xi-a, 9/2016, đồng thời hỗ trợ huấn luyện đội tuyển Lào tham gia Kỳ thi, hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN (20/4/2016) gồm có đăng cai tổ chức các cuộc họp, hội nghị ở Việt Nam.
Về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, năm 2016, Việt Nam đã tổ chức tham vấn quốc gia và chủ động đưa ra các sáng kiến có giá trị trong soạn thảo Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn III.
Đồng thời về quan hệ đối ngoại, với vai trò điều phối ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2015-2018, Việt Nam đã phối hợp với các nước xây dựng và trình Hội nghị thông qua Danh mục các lĩnh vực ưu tiên triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2016-2018.
Việt Nam cũng đã tổ chức họp thành công Quan chức cao cấp ASEAN - Ấn Độ tại Hà Nội (3/2016), thúc đẩy hoàn tất Bản ghi nhớ thành lập Trung tâm ASEAN - Ấn Độ; dự thảo và thông qua Danh mục các hoạt động ưu tiên thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2016-2018, gồm triển khai dự án Trung tâm phát triển phần mềm ở TPHCM và Trung tâm tiếng Anh và Công nghệ thông tin ở Nha Trang...
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều đóng góp về tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Cấp cao Đông Á (EAS), đàm phán xây dựng và thông qua các Văn kiện họp Cấp cao ASEAN với các đối tác, Cấp cao kỷ niệm với Trung Quốc và Nga, Cấp cao đặc biệt với Hoa Kỳ, thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản, đóng góp xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch hành động ASEAN - Liên Hợp Quốc giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN cũng như sự quan tâm và ủng hộ của đối tác.
Hợp tác ASEAN năm 2017
Cộng hòa Philippines, Chủ tịch ASEAN năm 2017 đã đưa chủ đề “Chung tay tạo sự thay đổi, kết nối toàn cầu” (Partnering for change, Engaging the world) và tổ chức Cấp cao ASEAN tháng 4 và Cấp cao với các đối tác tháng 11/2017, gồm ưu tiên: Xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm thông qua tiếp tục thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, lao động di cư và tạo thuận lợi cho thanh niên; Ứng phó với các thách thức an ninh, bao gồm giải quyết hòa bình các tranh chấp về lãnh thổ thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý. Về các thách thức an ninh phi truyền thống, cần tận dụng các cơ chế hiện có nhằm đối phó với khủng bố và ma túy; Triển khai chương trình nghị sự hợp tác về an ninh biển, bao gồm bảo tồn đa dạng sinh học biển, khai thác hải sản bền vững, an toàn và an ninh hàng hải; Thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và dựa trên sáng tạo thông qua hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm chi phí kinh doanh; Nâng cao khả năng tự chống chịu của ASEAN với các cơ chế và sáng kiến về quản lý thảm họa, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Đề cao vai trò ASEAN là hình mẫu của tổ chức khu vực và đối tác toàn cầu.
Trong dòng chảy chung của ASEAN, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào thành công chung của ASEAN, tạo dấu ấn hình ảnh một thành viên có uy tín, chủ động, năng động và trách nhiệm trong ngôi nhà chung Cộng đồng ASEAN.
Để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm đó, phấn đấu cùng các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và thống nhất; tích cực triển khai và lồng ghép Tầm nhìn ASEAN vào các chương trình hành động cụ thể của các Bộ, ban ngành, địa phương cả nước về hội nhập quốc tế./.
Lê Việt