Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông |
Theo Báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cuối tháng 10/2008, tử vong giao thông đường bộ giảm hơn 1.400 ca, thương tích nghiêm trọng giảm hơn 2.200 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiến sỹ Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng: Nhờ việc áp dụng luật đội mũ bảo hiểm bắt buộc mà hôm nay nhiều người được sống để tận hưởng cuộc sống cùng gia đình và chờ đón Tết. WHO xin chúc mừng các nhà hoạch định chính sách, các chính trị gia và các cán bộ cảnh sát đã góp phần mình vào sự kiện quan trọng này, vì sự đóng góp tận tâm của họ nhằm nâng cao an toàn cho những người sử dụng môtô, xe máy tại Việt Nam.
Ngày 29/6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trong đó, quy định từ ngày 15/12/2007, người đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Kết quả phân tích ở bệnh viện về những người đi xe máy bị chấn thương cho thấy tỷ lệ thương tích ở đầu giảm 16% trong ba tháng đầu thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm so với ba tháng trước khi thực hiện. |
WHO cho rằng, để tiếp tục phát huy và giảm thiểu hơn nữa các ca thương tích và tử vong, việc tiếp tục xây dựng và điều chỉnh các quy định cùng với việc thi hành nghiêm khắc cũng tuyệt đối quan trọng. Cụ thể, tháng 11 vừa qua, Thông tư 23/2008/TT-BCA-C11 của Bộ Công an chính thức có hiệu lực, cho phép cảnh sát phạt tiền 200.000 đồng đối với những người lái và ngồi sau môtô, xe máy mà không cài quai mũ bảo hiểm đúng quy cách; Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có Quyết định 4/2008/QĐ-BKHCN yêu cầu tất cả mũ bảo hiểm sản xuất trong nước và nhập ngoại đều phải được chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia trước khi được bán ra thị trường. Tiến sỹ Jean-Marc Olivé cho rằng, thi hành luật nghiêm ngặt và áp dụng chế tài mạnh đối với những ai không tuân thủ luật lệ mới là những cách tốt nhất để bảo đảm người dân thay đổi hành vi và cài quai mũ bảo hiểm.
Bên cạnh đó, WHO cũng đưa ra khuyến cáo "cần tập trung sự chú ý sang vấn đề hiện nay là một số lượng lớn các trẻ em Việt Nam không đội mũ bảo hiểm khi được đèo bằng xe gắn máy".
Thực tế rằng, trẻ em dưới 16 tuổi không phải chịu phạt vi phạm hành chính bằng tiền và không có chế tài áp dụng đối với người lớn khi đèo trẻ em trên xe môtô, gắn máy mà không cho trẻ đội mũ bảo hiểm là một hạn chế đối với việc thi hành quy định đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em.
Tiến sỹ Jean-Marc Olivé cho rằng, "mặc cho những nghi kỵ hay đồn đại về tác hại của việc đội mũ bảo hiểm, nhiều thương tích và tử vong giao thông đường bộ ở trẻ em có thể được ngăn chặn thông qua việc sử dụng thường xuyên mũ bảo hiểm phù hợp, có chất lượng tốt và được cài quai đúng cách".
Hiện WHO đang hợp tác với Việt Nam trong việc xây dựng và sửa đổi những quy định liên quan, nhằm cho phép áp dụng chế tài đối với người lớn đèo trẻ em trên xe gắn máy mà không đội mũ bảo hiểm thích hợp cho trẻ.
Thư Anh
(Nguồn: Văn phòng WHO tại VN)