Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo mới
Ông Lê Văn Dương, Chánh Văn phòng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính). Ảnh: VGP/Lan Anh |
Bày tỏ phấn khởi với kết quả của Đại hội XIII, ông Lê Văn Dương, đánh giá, Đại hội đã rất công tâm, công khai, minh bạch và trách nhiệm khi chọn ra được 180 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành và 20 đồng chí Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ưởng Đảng khóa XIII. Các đồng chí được lựa chọn đều đã được sàng lọc kỹ, là những người có bản lĩnh, trí tuệ, uy tín, đã được thử thách, rèn luyện và đã được chứng minh là những đồng chí có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, đủ đức, đủ tài để gánh vác trách nhiệm lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và phục vụ đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Đặc biệt, Bộ Chính trị lần này có 18 đồng chí, trong đó có 8 đồng chí tái cử và 10 đồng chí tham gia lần đầu, bảo đảm tính kế thừa và tính bổ sung rất cao. Việc này sẽ bảo đảm sự lãnh đạo, xây dựng và tiếp tục phát triển kinh tế, trong đó xây dựng Đảng là then chốt và phát triển kinh tế xã hội là trọng tâm.
Ông Lê Văn Dương tin tưởng và kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo khóa mới sẽ tiếp tục giúp cho Đảng ta lãnh đạo toàn quân, toàn dân vững bước trên con đường phát triển, để đến năm 2045, Việt Nam sẽ là nước phát triển như mục tiêu đại hội Đảng đã xác định.
Tán thành 3 đột phá chiến lược
PGS.TS Đoàn Triệu Long, quyền Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III. Ảnh: VGP/Thúy An |
PGS.TS Đoàn Triệu Long, quyền Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, cho rằng, sau thành công của Đại hội, việc quan trọng hiện nay là khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là biến những quyết định quan trọng của Đại hội thành hiện thực sinh động, tạo những động lực tinhh thần và làm ra của cải vật chất, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân.
PGS.TS Đoàn Triệu Long đặc biệt tán thành 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định. Một là, hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Hai là, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên cho công tác lãnh đạo, quản lý; tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài.
Ba là, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
“Từ sự thành công của Đại hội Đảng hôm nay, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của Dân tộc. Hạnh phúc và Thịnh vượng không phải là một ước mơ xa vời, khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã xác định được một con đường đúng; khi đã lựa chọn được những cán bộ ưu tú để lãnh đạo đất nước; đặc biệt là khi đã tạo dựng được một tinh thần đoàn kết, khơi dậy được sự đổi mới, sáng tạo, phát triển của cả dân tộc”, PGS.TS Đoàn Triệu Long nói.
Ông Long bày tỏ tin tưởng, với khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc được thúc đẩy bằng động lực đổi mới sáng tạo, nhất định chúng ta sẽ “bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và mong ước cháy bỏng của toàn dân tộc.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực. Ảnh: VGP |
Từ góc độ phát triển kinh tế, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực bày tỏ tâm đắc về cách xây dựng văn kiện thời gian qua rất công phu, bài bản, khoa học và đúc rút trí tuệ, đóng góp của nhiều thành phần khác nhau. Cũng như PGS.TS Đoàn Triệu Long, TS. Cấn Văn Lực rất đồng tình với ba đột phá chiến lược trong giai đoạn 10 năm tới là: Hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, TS. Lực lưu ý 2 điểm: Một là, nội hàm của 3 đột phá này có khác, ở mức độ sâu hơn, chất lượng hơn so với 3 đột phá chiến lược trong giai đoạn 2011-2020. Theo đó, thể chế ở đây cần đồng bộ, hiện đại hơn, phù hợp với xu thế hội nhập và chuyển đổi số; kết cấu hạ tầng cần phát triển thời gian tới là hạ tầng hiện đại, hạ tầng số, có tính kết nối, lan tỏa và tạo điều kiện giảm chi phí vận tải, chi phí logistics...Nguồn nhân lực cần phát triển là nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng, trình độ và khả năng thích ứng cao, phù hợp yêu cầu môi trường thay đổi nhanh trong thời gian tới.
Hai là, trong 3 đột phá nêu trên, có 2 đột phá khác được lồng vào và cần được cụ thể hóa để triển khai. Đó là: Đẩy mạnh ứng dụng KH-CN, gắn liền với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng tốt thời cơ đến từ xu hướng kinh tế số, xã hội số và các hình thái kinh tế mới.
“Đột phá này là bổ sung so với giai đoạn 2011-2020 và hết sức quan trọng trong bối cảnh do tác động của dịch COVID-19, đóng góp của yếu tố lao động và vốn vào tăng trưởng GDP sẽ giảm mạnh trong ít nhất là 5-10 năm tới. Khi đó, vai trò đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp lại càng quan trọng”, TS. Lực phân tích. Để làm được những việc này, nhất thiết phải đổi mới mạnh mẽ giáo dục – đào tạo (gồm cả đào tạo nghề).
Tiếp đến là phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, như một động lực mềm gắn kết, bền vững. Để phát triển có tính đột phá trong giai đoạn tới đòi hỏi vai trò lớn hơn của việc phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội, nhằm khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo của người dân, doanh nghiệp và bộ máy chính quyền, tạo ra động lực to lớn cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.
“Nếu chúng ta tạo được các đột phá nêu trên, cùng với việc nâng cao hiệu quả và thực chất của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng KHCN, năng suất, chất lượng và hiệu quả; thì tôi tin rằng chúng ta sẽ thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội đã đề ra cho 5 năm và 10 năm tới”, TS. Cấn Văn Lực tin tưởng.
Sẽ tiếp tục chiến thắng đại dịch COVID-19 dưới sự lãnh đạo của Đảng
Chị Nguyễn Thị Vân, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm |
Chị Nguyễn Thị Vân, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đánh giá cao kết quả của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Chị Vân cho rằng, Đại hội đã diễn ra một cách dân chủ, công khai, nghiêm túc và chất lượng; và điều này đem lại niềm tin, củng cố tư tưởng cho các cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng như nhân dân vào tính thực tế của lý luận Đảng đã đưa ra.
Theo chị Vân, trong suốt một năm qua, Đảng và Chính phủ đã vào cuộc kịp thời, xử lý nhanh nhạy và đưa ra nhiều quyết sách, chủ trương đúng đắn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhờ đó nhân dân càng tin yêu vào sự dẫn lối, soi đường của Đảng và chính quyền. Nhất là hiện nay, khi dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, các cấp lãnh đạo mặc dù rất bận với công tác của Đại hội Đảng nhưng đã sẵn sàng vào cuộc, chỉ đạo kịp thời, nhanh chóng để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.
“Tôi tin rằng, dưới ánh sáng của Đảng cùng sự đồng lòng, quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị và tất cả nhân dân, chúng ta sẽ một lần nữa chiến thắng được đại dịch COVID-19, làm nên kỳ tích như bao cuộc chiến khác trong lịch sử mà cha ông ta đã làm được…”, chị Vân bày tỏ.
Bà Nguyễn Hiền Sa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Flamingo (Hà Nội). Ảnh: VGP |
Ở góc độ là một người làm khối doanh nghiệp, bà Nguyễn Hiền Sa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Flamingo (Hà Nội), thấy kết quả đạt được tại Đại hội củng cố thêm niềm tin của người dân vào tương lai của đất nước ngày càng rực rỡ hơn, đồng thời, bà mong muốn những quyết sách lớn mà Đại hội XIII đã đề ra nhanh chóng đi vào cuộc sống.
“Đại hội lần này không chỉ là sự kiện chính trị trọng đại mà còn mở ra chặng đường phát triển mới của đất nước. Điều này thể hiện qua việc Đại hội đã phát huy tinh thần dân chủ, tập trung trí tuệ cao, đề ra đường lối tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tôi hy vọng ngay sau Đại hội XIII của Đảng, các cơ quan chức năng sẽ có nhiều đổi mới, đột phá để giúp khối doanh nghiệp có thêm cơ hội kinh doanh, thương mại, mở rộng giao thương các thị trường quốc tế, từ đó mà chọn lựa hướng đi đúng để tham gia xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”, bà Nguyễn Hiền Sa chia sẻ.