Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tính đến ngày 11/9, cả nước đã tiêm 258.694.921 mũi vaccine phòng COVID-19. Trong đó, nhóm từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 50.374.185 mũi thứ 3. So với tổng dân số trên cả nước, tỉ lệ trung bình tiêm mũi 3 vaccine COVID-19 đạt 56%. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 3 còn thấp, dưới mức trung bình cả nước, như Khánh Hòa (55,5%), Đồng Nai (52,9%).
Đối với mũi 4, cả nước đã tiêm 14.966.971 mũi. Theo thống kê của Bộ Y tế, các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 4 thấp, gồm: Bạc Liêu (61,8%), Phú Yên (60,7%), Đồng Nai (55,5%), Tây Ninh (55,5%), TPHCM (51,5%), Đà Nẵng (50,6%).
Với nhóm từ 12 đến 17 tuổi, một số địa phương có tỉ lệ tiêm thấp, gồm: TPHCM (31,8%), Đà Nẵng (31%), Đồng Nai (25,3%), Phú Yên (18,8%), Bà Rịa-Vũng Tàu (16%).
Nhóm từ 5 đến 11 tuổi, tất cả các địa phương trên cả nước đã đạt tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ trên 55%. Một số địa phương có tỉ lệ tiêm thấp so với cả nước, gồm: Hà Nội (73,4%), Quảng Nam (73%), Bà Rịa-Vũng Tàu (67,7%), Đà Nẵng (61,3%), TPHCM (57,8%).
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ liên tục có nhiều văn bản, công điện chỉ đạo việc tăng cường, đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 và hoàn thành sớm nhất việc tiêm vaccine cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tại phiên họp thứ 16 ngày 6/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tiêm vaccine phòng dịch bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành tiêm vaccine nhằm phòng, chống dịch; lãnh đạo chính quyền các cấp phải có trách nhiệm triển khai tiêm chủng để đạt các mục tiêu đã đề ra.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện tại, nhiều địa phương đã hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tính trung bình trên cả nước là 85,4%, đạt yêu cầu Thủ tướng Chính phủ đề ra. Nhiều địa phương có tỉ lệ tiêm cao, như Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương tiêm chậm.
Theo WHO và UNICEF, tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch COVID-19 thời điểm hiện tại. Tiêm vaccine phòng COVID-19 là cách an toàn và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ nhằm chống lại COVID-19, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.
Bộ Y tế cũng nhận định, hiện nay, số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại trên quy mô cả nước, cùng với sự xuất hiện của một số biến thể mới của chủng Omicron - có khả năng lây lan và khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn, trong khi miễn dịch sau tiêm vaccine COVID-19 sẽ giảm dần trong 3-5 tháng. Vì vậy, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân và các bậc phụ huynh hãy tiêm vaccine các mũi nhắc lại và đưa trẻ từ 5 tuổi trở lên đi tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, các địa phương đang rất nỗ lực triển khai các biện pháp để tăng cường tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên rất cần sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Đây chính là điều kiện tiên quyết để tăng nhanh tỉ lệ bao phủ vaccine, đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả.
Tính đến ngày 11/9, nước ta đang điều trị, giám sát 1.107.701 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 108 trường hợp nặng (thở oxy qua mặt nạ 97 ca, thở oxy dòng cao HFNC 2 ca, thở xâm lấn 9 ca). Riêng trong ngày 11/9 có 3 ca tử vong, ghi nhận tại Hải Phòng (1), Tây Ninh (2).
Trên thế giới, trong một tuần qua đã ghi nhận 3.320.784 ca mắc mới (giảm 22% so với tuần trước đó). Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần là 10.807 (giảm 24% so với 1 tuần trước). Cũng trong tuần qua, Nhật Bản là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất (753.974 ca), tiếp đó là Hàn Quốc (479.625 ca), Mỹ (358.567 ca). Mỹ là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới (2.273 ca, giảm 26% so với tuần trước nữa).
Hiền Minh