Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Tập thơ "Nhật ký trong tù " của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ảnh: Chinhphu.vn |
Ông cho biết, đến Hội nghị này, ông muốn được biết nhiều hơn về những mong muốn của người viết trẻ VN, những điều họ khát khao để vươn tới cũng như những khó khăn của họ. Ông cũng muốn chọn được những tác phẩm thấm đẫm chất văn hóa Việt nhưng lại mang tính quốc tế, tính cộng đồng để giới thiệu với bạn đọc quốc tế bởi những tác phẩm như vậy sẽ giúp người nước ngoài dễ tiếp cận hơn, thấy gần gũi hơn rồi hiểu về văn hóa và con người VN.
Các dịch giả quốc tế đều chung nhận xét: Khó khăn lớn nhất trong việc dịch các tác phẩm văn học VN là ở chỗ họ chưa có nhiều trải nghiệm thực tế trong cuộc sống của VN cũng như hiểu biết về văn hóa, con người VN. Chính vì vậy, sự hợp tác chặt chẽ với các nhà văn VN cũng là điều nhiều dịch giả nước ngoài mong muốn trong hội nghị quốc tế lần này.
So với 13.700 tác phẩm văn học của thế giới được giới thiệu tại VN thì con số mới chỉ có 570 tác phẩm văn học VN được dịch ra tiếng nước ngoài là sự không tương xứng cần sớm được khắc phục. Vì vậy, các đại biểu quốc tế đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể để việc dịch các tác phẩm văn học VN ra nước ngoài được thuận lợi hơn.
Nhà văn, dịch giả Thụy Điển Henrik Nilson thừa nhận hiện nay số lượng các tác phẩm văn học VN có mặt tại Thụy Điển rất ít và vì vậy, độc giả Thụy Điển cũng không có điều kiện để quan tâm đến mảng văn học VN. Bên cạnh đó, những tác phẩm văn học VN đã dịch sang tiếng Thụy Điển phần lớn lại rất khó hiểu đối với người Thụy Điển vì thiếu những chú thích cần thiết về lịch sử, văn hóa, địa lý, phong tục tập quán... của người Việt, một điều kiện rất cần cho việc nắm bắt tác phẩm văn học nước ngoài. Chính vì vậy, theo ông Henrik Nilson, Hội Nhà văn VN cần lập một quỹ dịch thuật để hỗ trợ dịch giả nước ngoài muốn dịch các tác phẩm văn học VN.
Dịch giả Mông Cổ Dashtsevel - Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam, cho biết, hàng chục tác phẩm văn học VN đã được bạn đọc Mông Cổ biết đến như: Truyện Kiều (Nguyễn Du), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh) , Máu và Hoa (Tố Hữu), Quê hương (Giang Nam), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), Hòn đất (Anh Đức)… Nhưng mảng văn chương VN đương đại vẫn chưa được dịch. Ông mong muốn thực hiện được những văn tuyển để giới thiệu về văn học VN một cách có hệ thống, từ cổ điển đến những thành tựu đương đại.
|
Từ trái sang: dịch giả Nguyễn Bá Chung; Trưởng đoàn đại biểu Mỹ Kevin Bowen; ông Larry Heinemann - cựu binh Mỹ, nhà văn; bà Minh Hà NXB Phụ nữ. Ảnh: Chinhphu.vn |
Dịch giả Điền Tiểu Hoa hiện đang công tác tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, hiện nay, độc giả Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến mảng văn học trẻ của VN, vì đó là những tác phẩm rất thích hợp với tầng lớp thanh niên hiện nay. Ông đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam "tạo điều kiện giới thiệu những tác phẩm văn học Việt Nam ưu tú, tốt cho người nước ngoài".
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc đưa văn học VN đến gần hơn nữa, rộng rãi hơn nữa với bạn đọc trên thế giới, nhưng các dịch giả quốc tế dự Hội nghị đều cho rằng: Văn học VN rất giàu bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc VN và đó chính là cơ sở để họ tin rằng sau Hội nghị, sẽ có nhiều các tác phẩm văn học VN được dịch ra các thứ tiếng trên thế giới.
|
Nhóm dịch giả bên cuốn “Thơ thiền Lý - Trần” in độc bản trên giấy dó (khổ 80x110cm, dày 80 trang) bằng 3 thứ tiếng Hán - Việt - Anh trưng bày tại Thư viện Quốc gia VN.Ảnh: Chinhphu.vn |
Rõ ràng, việc giới thiệu văn học VN ra thế giới trong tương lai cần có một chiến lược lâu dài và bài bản, trong đó có cần tạo điều kiện cho các dịch giả quốc tế tìm hiểu về nền văn hóa VN và tiếp cận với các tác phẩm văn học có chất lượng tốt nhất.
Hồng Lan
Tin liên quan
>>Giới thiệu Văn học Việt Nam trên một tầm nhìn mới