Một số kinh nghiệm về công tác tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội
Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước, là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước, là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội.
Một trong những hoạt động quan trọng của đại biểu Quốc hội là phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập và phản ánh đúng ý kiến của cử tri với Quốc hội và cơ quan Nhà nước hữu quan. Định kỳ báo cáo với cử tri về hoạt động đại biểu của mình và của Quốc hội.
Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri người đại biểu có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, nắm bắt việc thực thi các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở đồng thời lắng nghe ý kiến đề xuất, kiến nghị của cử tri, tổng hợp những kiến nghị chính đáng của cử tri phản ánh với các cơ quan liên quan và yêu cầu giải quyết đồng thời giám sát việc giải quyết các kiến nghị đó, làm tròn chức năng “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử tôi xin nêu một số suy nghĩ sau đây:
1. Đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri:
Trong những năm trước đây, việc tổ chức cho các đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri thường được tổ chức tại huyện với thành phần được mời là; lãnh đạo huyện, đại diện các phòng, ban và các tổ chức đoàn thể cấp huyện, cán bộ chủ trì của xã (Đại cử tri). Do đó trong các cuộc tiếp xúc cử tri, những ý kiến về thực trạng công tác quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước, việc tổ chức thực hiện các chính sách xã hội ở cơ sở như thế nào ít được đặt ra, ít được phản ánh do ngại va chạm, do sợ nói ra địa phương sẽ gặp khó khăn nên không nói thật, nên ý kiến thường xuôi chiều. Vì thế trong các cuộc tiếp xúc cử tri, các đại biểu dân cử không thể biết hết được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, không thể hiểu hết được những diễn biến phức tạp ở cơ sở nên đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo đông người, vượt cấp vẫn gia tăng. Từ thực tế đó trong những năm gần đây chúng ta đã từng bước đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri đa dạng phong phú hơn, tiếp xúc cử tri tại xã, tại xóm, bản, cử tri nơi công tác, cử tri nơi cư trú, cử tri từng ngành, từng lĩnh vực.
Cải tiến như vậy, cử tri đến dự các cuộc tiếp xúc đông hơn, có nhiều ý kiến phát biểu phản ánh việc thực thi các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ở cơ sở, cái được, cái chưa được, cái đúng, cái chưa đúng. Đại biểu cảm nhận được sâu sắc các vấn đề người dân quan tâm và hiểu ra rằng cơ sở đang có nhiều việc phải bàn, phải giải quyết, nhất là việc tổ chức thực hiện các chính sách xã hội như: cấp thẻ bảo hiểm cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, việc xét cử tuyển học sinh người dân tộc không đúng đối tượng, việc hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát, tạm bợ cho hộ nghèo không đúng đối tượng, thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, một số chương trình dự án hiệu quả thấp… Đại biểu thu nhận, tổng hợp được nhiều thông tin hơn.
2. Trình độ nhận thực của cử tri không đồng đều, có những vấn đề cử tri thiếu thông tin, hiểu vấn đề chưa thấu đáo, đặc biệt là việc thực hiện các chế độ chính sách ở cơ sở. Do vậy đại biểu phải nghiên cứu, tìm hiểu nắm chắc các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương, các vấn đề mà ngành mình, địa phương mình đang thực hiện để tuyên truyền giải thích cho cử tri.
3. Thực sự tâm huyết với công việc, bình tĩnh, chịu khó, kiên trì lắng nghe ý kiến của cử tri (một số cử tri bức xúc nói năng thiếu văn hóa xúc phạm đại biểu), tổng hợp phân loại ý kiến của cử tri. Đối với những vấn đề cử tri không hiểu thì đại biểu có trách nhiệm giải thích cho cử tri hiểu, ý kiến kiến nghị thuộc cấp xã, huyện thì yêu cầu lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện trực tiếp trả lời. Những vấn đề liên quan đến cấp tỉnh thì tổng hợp gửi đến các cơ quan, các ngành chức năng xem xét trả lời. Những vấn đề chung thuộc tầm vĩ mô thì tổng hợp phản ánh, kiến nghị với Quốc hội. Những vấn đề đại biểu chưa nắm vững thì xin tiếp thu, ghi nhận ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, trả lời cụ thể bằng văn bản cho cử tri sau. Những điều đã hứa với cử tri thì phải quyết tâm thực hiện bằng được để đưa lại niềm tin cho cử tri.
4. Phải chuẩn bị đề cương chu đáo, phát ngôn thận trọng, chuẩn xác, không gây bức xúc căng thẳng cho cử tri.
5. Sắp xếp thời gian hợp lý, thường xuyên theo dõi, đôn đốc giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, thông báo cho cử tri biết những vấn đề cử tri kiến nghị đại biểu đã gửi đến các ngành, các cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
6. Nắm vững đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội địa phương, trình độ nhận thức của cử tri để chuẩn bị nội dung và phương pháp tiếp xúc cho phù hợp, đạt hiệu quả tốt.
7. Ngoài những cuộc tiếp xúc cử tri theo quy định (trước và sau mỗi kỳ họp) một số cử tri chưa được tham dự các buổi tiếp xúc có nguyện vọng được gặp gỡ tiếp xúc với đại biểu để trao đổi, phản ánh tình hình chung đề xuất nguyện vọng chính đáng của mình. Đại biểu nên bố trí thời gian hợp lý để tiếp xúc, nắm bắt thông tin và tập hợp tâm tư nguyện vọng của cử tri, có biện pháp tích cực để phối hợp xử lý thông tin theo quy định của pháp luật.
Để làm tròn trách nhiệm của người đại biểu, mỗi đại biểu phải tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri, bám sát cơ sở, giữ mỗi liên hệ chặt chẽ với cử tri, có như vậy chúng ta mới thấu hiểu thực trạng tình hình ở cơ sở, góp phần tích cực vào việc hoạch định các chủ trương, chính sách sát đúng, phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ, giải quyết được những vấn đề vướng mắc ở cơ sở xứng đáng với sự tín nhiệm và lòng tin yêu của cử tri.
Nguyễn Thị Hồng.
» Tham vấn ý kiến nhân dân để có quyết sách đúng đắn(18/12/2009) » Chất lượng các kỳ họp HĐND huyện và của các xã, thị thực trạng và nguyên nhân(12/08/2008) » Hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn sau hai năm thực hiện Luật thanh tra(12/08/2008) » Để việc tiếp xúc cử tri của Đại biểu HĐND các cấp đạt kết quả tốt(11/08/2008) » Tiếp xúc cử tri: Thực trạng và nguyên nhân(30/03/2008) » Nói và Làm(08/03/2008) » Bàn về thực hiện kiến nghị sau giám sát(08/03/2008) » Tiếp tục thực hiện tốt hơn việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt cấp xã(14/12/2007) » Đôi điều suy nghĩ về nhận thức và cách thức để đại biểu dân cử thực sự mang tính đại diện(14/12/2007) » Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với hoạt động HĐND các xã, thị trấn(14/12/2007)