Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Thủ tướng, việc chia sẻ này nhằm đúc rút thành kinh nghiệm, từ đó chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với những sự kiện khẩn cấp về y tế cộng đồng trong tương lai, đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội.
Là địa phương chịu tác động nặng của đại dịch COVID-19, theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, bài học đầu tiên là phải thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với địa phương.
Thành phố đã kịp thời huy động các chuyên gia y tế, các nhà quản lý đương chức và hưu trí để lắng nghe các đề xuất, kiến nghị, các biện pháp y tế, như lập các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, các trung tâm hồi sức…
Đặc biệt, sự ứng xử chính sách và sự phối hợp điều hành có ý nghĩa rất quan trọng. Việc này ảnh hưởng rất lớn, thậm chí có tính chất quyết định đến kết quả phòng chống dịch như bố trí nguồn lực phòng chống dịch, chiến lược vaccine…
Tổ COVID-19 cộng đồng là một trong những giải pháp phát huy sức mạnh toàn dân, hoạt động với nòng cốt là các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, người tình nguyện tại khu dân cư được tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và thực hiện các hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế.
Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", tổ COVID-19 cộng đồng đã phát huy vai trò quan trọng trong việc phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương để xác minh, sàng lọc, truy vết, xử lý kịp thời mầm bệnh, hạn chế lây lan rộng trong cộng đồng.
Đồng thời, các tổ COVID-19 cộng đồng cũng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, tham gia tích cực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh…
Trạm y tế lưu động
Việc thành lập các trạm y tế lưu động đã giúp người mắc bệnh COVID-19 được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở, nhằm phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng, hỗ trợ oxy, cung cấp thuốc điều trị (gói A, B, C) và chuyển tuyến kịp thời để hạn chế tối đa tử vong. Các trạm y tế lưu động cũng thực hiện khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác để bảo đảm người dân trong vùng dịch vẫn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản kịp thời.
Mô hình "tháp 3 tầng" trong phân tầng điều trị điều trị COVID-19 được triển khai trong bối cảnh các cơ sở điều trị và bệnh viện dã chiến bị quá tải. Tầng 1 là điều trị các trường hợp triệu chứng nhẹ và không triệu chứng. Tầng 2 là các bệnh viện dã chiến, bệnh viện chuyển đổi công năng chuyên thu dung các trường hợp có triệu chứng trung bình, có bệnh nền, có yếu tố nguy cơ cao. Tầng 3 là điều trị các trường hợp nặng và nguy kịch.
Các bệnh viện hồi sức ở tầng 3 có trách nhiệm liên kết với các bệnh viện ở tầng 2, thường xuyên hội chẩn các ca bệnh nặng, đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật hồi sức cấp cứu người bệnh cho tuyến dưới và trực tiếp hỗ trợ tuyến dưới, kịp thời phát hiện sớm ca chuyển nặng ở tuyến dưới, đưa lên tuyến trên, góp phần giảm tỷ lệ tử vong của người bệnh.
Các bệnh viện ở tầng 2 liên kết chặt chẽ với các cơ sở cách ly tại phường, xã, thị trấn, quận, huyện và cách ly tại nhà (tầng 1) để giảm tỉ lệ chuyển nặng phải chuyển lên tầng 3.
Mô hình này được triển khai đầu tiên tại Bắc Giang, sau đó được triển khai hiệu quả tại TPHCM, Bình Dương...
Mô hình hỗ trợ tư vấn từ xa được triển khai với nhiều hình thức như: Đường dây nóng, tổng đài 1800, 1900, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành. Việc này đã giúp người cần được hỗ trợ tiếp cận với các thông tin chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ điều trị, chuyển tuyến, tiếp cận với dịch vụ y tế sớm, kịp thời, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội...
Với phương châm tuyên truyền "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà", mô hình "tiếng loa Biên phòng" được các chiến sĩ bộ đội biên phòng triển khai tuyên truyền liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19 và giám sát xuất, nhập cảnh trái phép tại khu vực biên giới đã phát huy hiệu quả tối đa, giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch COVID-19, hiểu về mức độ nguy hiểm của COVID-19 và chấp hành nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch.
Bộ Công an là bộ đầu tiên tổ chức lễ phát động hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt có chủ đề "Lực lượng công an nhân dân - Lá chắn phòng, chống dịch COVID-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội", theo phát động của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an đã tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 từ truy vết, phát hiện, khoanh vùng đến bảo đảm an ninh trật tự tại các chốt kiểm soát, khu cách ly, điều trị...; đã ứng dụng hiệu quả nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân phục vụ công tác phòng chống dịch; bố trí xe dẫn đoàn, hỗ trợ người dân di chuyển về quê bảo đảm an toàn, thông suốt và cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân.
Chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tại TPHCM theo hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội, diễn ra vào 20h mỗi ngày (từ 24/8-15/9/2021) và 20h thứ Sáu hằng tuần (từ 16/9/2021) với nội dung sáng tạo, đa dạng, sâu sắc, đạt được hiệu quả cao.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, chương trình này cho thấy hướng đi đúng, hiệu quả của thành phố khi nắm bắt được chính xác tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Các phong trào, cách làm khác được người dân triển khai tích cực như: ATM gạo, ATM oxy, xe cứu thương miễn phí, quán cơm thiện nguyện..., hệ thống phân phối theo hình thức "dã chiến" như điểm bán hàng, xe bán hàng lưu động, "mang chợ ra phố", bán hàng online, đi chợ hộ...
Mô hình "dân quân tự vệ phụ trách hộ gia đình" phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu giúp người dân yên tâm thực hiện giãn cách…
Hiền Minh