Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cờ Tổ quốc trong "vùng xanh" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo quy định mới tại Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, từ năm 2021 người lao động chính thức có 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh (ngày 2/9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau). Do ngày Quốc khánh 2021 rơi vào thứ năm (2/9/2021) nên năm nay, người lao động sẽ nghỉ tới 4 ngày, từ thứ 5 đến Chủ Nhật (5/9). Đây được xem là kỳ nghỉ Tết Độc lập dài nhất.
Trong Công điện 1108/CĐ-TTg về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý, thời gian nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày, dễ làm gia tăng các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Rút kinh nghiệm từ kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua, các địa phương đang giãn cách xã hội tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người, không để tình trạng người dân di chuyển, ra đường gia tăng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Tại các địa phương khác, kiên quyết dừng tổ chức các lễ hội, tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động tại các khu vực công cộng, các cơ sở vui chơi giải trí, các địa điểm du lịch, địa điểm tâm linh.
Có một câu nói của các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch gửi đến người dân, được lan tỏa trên mạng xã hội: “Chúng tôi ở đây vì các bạn, còn các bạn hãy ở nhà vì chúng tôi”. Trong khi rất nhiều lực lượng, không chỉ riêng các y bác sĩ, đang phải nỗ lực, căng mình ra đối phó với dịch bệnh COVID-19 thì chúng ta hãy chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội, hy sinh, tạm gác lại niềm vui của mình, “ai ở đâu ở đó”, như các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bởi sức khỏe, tính mạng của bản thân, của gia đình và cộng đồng là quan trọng nhất. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp với biến chủng mới cực kỳ nguy hiểm, nếu người dân vẫn vô tư vi phạm quy định giãn cách với lý do ăn mừng Quốc khánh thì chắc chắn sự lây nhiễm sẽ được “tiếp tay” đến mức khó kiểm soát, lực lượng chức năng lại phải vất vả căng mình ra để thực hiện gấp nhiều lần công việc… Và vì thế, việc giãn cách sẽ buộc phải kéo dài hơn với những điều kiện kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, và tất cả chúng ta lại khốn khó hơn. Tết Độc lập năm nay phải là Tết của trách nhiệm, Tết của chia sẻ và yêu thương. Và chúng ta có thể chọn cho mình niềm vui riêng, đó là bữa cơm đơn giản, ấm cúng, quây quần bên gia đình. Tết Độc lập càng có ý nghĩa hơn khi là Tết đoàn viên. Mạnh khỏe , bình an đang là món quá vô giá chúng ta dành cho nhau những ngày này.
Chúng ta đang ở trong giai đoạn gay go nhất của cuộc chiến chống dịch COVID-19. Rất nhiều lực lượng đã phải căng mình chạy đua với thời gian để khống chế dịch bệnh. Đó là các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế đang ở tuyến đầu vừa chống dịch, vừa làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Đó là các nhân viên Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) cùng các cộng tác viên tình nguyện đang hối hả chạy đua với thời gian lấy mẫu, xét nghiệm ngày đêm. Đó là các chiến sĩ quân đội, công an, dân phòng ngày đêm trực chốt bảo đảm an ninh trật tự, ngăn chặn nguồn lây. Đó là các tổ công tác cộng đồng cũng khẩn trương tham gia điều tra truy vết. Đó còn là các công nhân vệ sinh môi trường lặng lẽ làm việc trong những điều kiện khó khăn, nguy hiểm không kém những lực lượng tuyến đầu. Đó còn là đội ngũ những người tình nguyện, những nhà hảo tâm, những tiểu thương đã ý thức chung tay sẻ chia hỗ trợ trong cuộc chiến cam go này… Tết Độc lập còn có ý nghĩa Tết yêu thương.
Nhớ lại ngày này năm xưa, tiếng hô vang Lời thề Độc lập trong ngày lập nước như đã kết nối muôn con tim người dân đất Việt đoàn kết cùng nhau, chung sức, đồng lòng giương cao Cờ đỏ sao vàng tiến lên, vượt qua muôn vàn gian khó, hy sinh để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của dân tộc và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người dân. Niềm tự hào về ngày Quốc khánh của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác chính là tài sản tinh thần vô giá làm nên quyết tâm, ý chí vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành mọi nhiệm vụ. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngày Tết Độc lập năm nay có thể sẽ không được rộn ràng, nhộn nhịp như nhiều năm. Nhưng đối với mỗi người dân Việt Nam ngày Quốc khánh bao giờ cũng là ngày đặc biệt. Đặc biệt không chỉ vì cờ, hoa, biểu ngữ rực rỡ trên các tuyến đường, tuyến phố, mà ngay ở trong lòng người dân. Tết Độc lập năm nay là Tết ở trong lòng.
Nhớ lại năm ngoái, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, số người chết do tai nạn giao thông(TNGT) giảm đáng kể (giảm 36%, có 16 người chết). Trong nhiều nỗi đau mất người thân, có lẽ cái chết do TNGT để lại sự day dứt, tiếc nuối hơn cả. Tổn thất về tinh thần, những vụn vỡ trong lòng của người thân không thể bù đắp được. Tết Độc lập năm nay, có thể, nỗi đau mang tên “tai nạn giao thông” sẽ giảm bớt khi giãn cách xã hội được tăng cường. Tết Độc lập cũng là Tết an toàn.
Tại những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, các tầng lớp nhân dân đã vào cuộc tích cực, thực sự vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19, như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh. Có những người đã thực sự hy sinh mà gần như không có gì bù đắp được. Khi nghĩ đến sự xả thân đó, chắc hẳn chúng ta thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn với cuộc chiến này, sẵn sàng hy sinh kỳ nghỉ lễ dài ngày để cùng nhau chống dịch, hy sinh quyền nghỉ ngơi, quyền tự do đi lại để bảo vệ quyền được sống. “Sau cơn mưa trời lại sáng”, Tết Độc lập là Tết của chiến thắng. Và chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân – như lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở tất cả chúng ta.
Đức Tuân