Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nói không cần kiểm chứng vì sự thật như một lẽ hiển nhiên, lực lượng trí thức nòng cốt trong mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, ngoại giao, an ninh, quốc phòng… của Việt Nam trong nhiều thập kỷ phần lớn đều là những người được đào tạo từ Nga về.
Những tên tuổi lớn trong nhiều lĩnh vực khi nhắc đến cả người Việt và người Nga đều ngưỡng mộ. Đó là nhà vật lý Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Đình Tứ... các nhà khoa học nổi tiếng như Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Cảnh Toàn, Đặng Vũ Minh, Trần Đình Long, Nguyễn Duy Quý… Còn biết bao tên tuổi khác không thể nhắc hết được. Bởi có tới 70 nghìn chuyên gia Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau có trình độ đại học và trên đại học được đào tạo tại Liên Xô.
Nhưng có lẽ sẽ là khiếm khuyết khi không nhắc tới nghệ sĩ piano tầm quốc tế Đặng Thái Sơn và nhà du hành vũ trụ Việt Nam đầu tiên Phạm Tuân. Một điều ai cũng hiểu là: Nếu không có sự đào tạo của Liên Xô thì một công dân Việt Nam như Phạm Tuân có thể bay vào vũ trụ được không?! Ông và nhiều đồng đội của ông đã học lái máy bay ở Liên Xô và đã làm nên huyền thoại trong chiến tranh không đối không với không lực Hoa Kỳ, không lực mạnh nhất thế giới.
Những phi công Việt Nam được huấn luyện ở Liên Xô với những chiếc Mig17, Mig21 cũng của Liên Xô đã làm cho các phi công Hoa Kỳ trong thực chiến phải ngả mũ chào thua. Thầy, cô giáo Nga luôn đánh giá cao trí thông minh, học giỏi và chăm chỉ của học trò Việt Nam, nhưng nếu "không có thầy, đố mày làm nên" là sự thật hiển nhiên và rất dễ hiểu với người Việt Nam hiếu học, trọng thầy, kính cô!
Đặt sự đào tạo quý giá ấy trong điều kiện khó khăn đặc biệt của Việt Nam nửa thế kỷ trước mới thấy hết giá trị của sự giúp đỡ chí tình của Liên Xô đối với chúng ta. Nhiều nhà chính trị, nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam hiện nay cũng đã từng được đào tạo ở Liên Xô. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải, cố Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng… và nhiều cán bộ cao cấp khác đều được đào tạo ở Liên Xô.
Một thời đào tạo ra nhiều người không thể kể hết đã cống hiến tài năng và cả xương máu cho sự nghiệp giữ nước và dựng nước là một thời đầy ắp những kỷ niệm, vinh quang và rất đỗi tự hào.
Nhưng đã là thời gian thì nó trôi đi sao có thể là mãi mãi? Đúng vậy! Thời gian cứ trôi không ai ngăn được nó! Hơn thế, cùng với sự trôi đi ấy đã biết bao đổi thay của Việt Nam, của Liên bang Nga, của cả thế giới này. Liên Xô đã không còn nữa.
Trong điều kiện mở cửa, hội nhập, khép lại quá khứ, hợp tác xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng, một nguyên tắc có tính truyền thống văn hóa Việt Nam đó là cới mở hợp tác với mọi người nhưng không quên bạn cũ.
Thủy chung như nhất là văn hóa, là vốn quý giá trong tình bạn, tình hữu nghị mà quan hệ Việt - Nga như là một hình mẫu đặc biệt trong một thế giới năng động nhưng cũng nhiều thách thức truyền thống và phi truyền thống khó lường.
Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Nga năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội hữu nghị Nga - Việt tại Moscow đã khẳng định: "Quan hệ Việt - Nga ngày nay đã kế thừa tốt đẹp quan hệ Việt - Xô khởi nguồn từ nhiều năm trước. Đó là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, chúng ta có nghĩa vụ giữ gìn và trao truyền cho các thế hệ mai sau. Đó cũng là nền tảng vững chắc để thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay". Đó cũng là nền tảng để một thời đã qua có thể còn mãi với thời gian.
Viết đến đây tôi bỗng nhớ đã có ai đó nói rằng tất cả có thể mất đi, cái còn lại là văn hóa, văn hóa trong trái tim, trong tâm hồn con người. Và bởi nó sâu thẳm như thế nên nó còn mãi với thời gian.
Hãy hình dung, năm 2001, Tổng thống Nga Putin, với tư cách là vị thượng khách đã được hàng ngàn trí thức Việt Nam nói tiếng Nga chào đón. Buổi gặp gỡ thú vị bởi không khí đầm ấm và hết sức gần gũi. Tổng thống Putin cảm thấy như về nhà mình. Chủ nhà Việt Nam phấn khích và cởi mở như được đón người bạn lớn, người anh em thân thích đi xa mới về. Trong đối ngoại có "dàn dựng" công phu cũng không thể có một không khí như thế!
Sự thật là, những trí thức Việt Nam đã được đào tạo tạo ở Nga đều có trong mình những kỷ niệm không thể nào quên về con người Nga, con người chân thành, thân thiện, về đất nước Nga và văn hóa Nga với những nét đặc sắc khó quên. Có một thế hệ trẻ Việt Nam mà sách gối đầu giường là "Thép đã tôi thế đấy" với thần tượng là Paven; rồi có những người thuộc thơ Puskin, Lermantop, Exenhin… như thuộc Kiều của Nguyễn Du.
Thế hệ ấy có đi qua thì thời ấy vẫn còn ở lại. Thế hệ ấy sang Nga học với bao ước ao, hy vọng và ngưỡng mộ. Trong cái chung ấy mỗi người lại có cái rất riêng của mình. Sau chiến tranh, tôi được sang Nga học và định bụng phải đến một nông trường để ngắm hoa lê nở trắng trên cành khi mùa xuân đến trong bài tập đọc từ khi còn học cấp I: "Anh! Anh hãy đến thăm nông trường chúng tôi vào một mùa xuân nào đó, khi hoa lê nở trắng trên cành".
Lời mời đầy tự tin và quyến rũ của một nông trang viên Nga đã gieo vào lòng cậu bé học sinh cấp I Việt Nam một tình yêu sâu đậm. Thế rồi niềm mong ước của cậu bé Việt Nam năm nào được thực hiện nhưng không phải vào mùa xuân nên không có cảnh hoa lê nở trắng trên cành. Thay vào đó là cánh đồng lúa mì đang vào vụ thu hoạch rộng mênh mông như chạy đến tận chân trời. Thật sự là một biển lúa vàng.
Nhưng ấn tượng nhất lần về nông trang thực tập nghề báo của tôi là được đến một gia đình nông trang viên nghỉ hưu. Bà hơn 60 tuổi nhưng còn rất khỏe. Các con đã ra phố làm việc và học tập. Chỉ mình bà ở một ngôi nhà nhỏ có sân vườn khá rộng. Bà nuôi ngan, gà giống như ở Việt Nam. Tình cảm của bà và những cử chỉ đón khách rất giống các mẹ ở vùng quê tôi. Bà vừa rắc ngô cho gà vừa nói: "Con trai yêu quý của tôi, ăn tối với mẹ nhé! Mẹ không thiếu thứ gì đâu".
Nói rồi bà dẫn tôi vào bếp và cho tôi xem rổ trứng gà có đến mấy chục quả và nói: "Sáng ăn bánh mì với trứng ốp rất tốt con ạ". Suốt nhiều năm đã qua đi, nhưng tình cảm ấm áp của bà mẹ Nga làm sao tôi quên được! Vậy là không chỉ học chữ mà còn học cách chia sẻ, học cách sống thân thiện, chân thành đậm chất nhân văn. Một thời như thế với tôi, với nhiều người đã từng học ở Nga sẽ là mãi mãi.
TS. Nguyễn Viết Chức