Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Trong thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc chuyển đổi mô hình sang hình thức kinh doanh sử dụng ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh dịch vụ mua hàng từ xa, giao hàng tại nhà, kèm nhiều hình thức ưu đãi nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người đang là lựa chọn sáng suốt và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, một số công ty kinh doanh đã lợi dụng danh tiếng ngành bán hàng đa cấp để trục lợi gây ra những hậu quả đáng tiếc cho người tiêu dùng từ đó dẫn đến cái nhìn chưa đúng của mọi người đối với ngành bán hàng đa cấp chân chính.
Do đó, khi lựa chọn hình thức mua hàng online, người tiêu dùng cần lựa chọn trang thương mại điện tử hoặc lựa chọn tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng để giao dịch; nên tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận.
Đồng thời, người tiêu dùng cần cảnh giác với những trang web hoặc tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo, sản phẩm, dịch vụ với giá thấp hoăc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình. Đặc biệt là phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ trước khi mua.
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, mô hình bán hàng đa cấp chân chính luôn có những quy định rõ ràng, nhưng đối với nhiều người dân thì đang có sự nhầm lẫn giữa mô hình “chuẩn” của bán hàng đa cấp với bán hàng theo mô hình kim tự tháp. Cũng chính vì sự nhầm lẫn giữa hai loại hình này khiến cho ngành bán hàng đa cấp chân chính tại Việt Nam gặp không ít trở ngại.
Bán hàng đa cấp được luật pháp nhiều nước công nhận và đã ban hành luật để quản lý, nghiêm cấm các hành vi tuyển dụng và bán hàng không công bằng hay lừa đảo; nghiêm cấm mô hình kinh doanh kim tự tháp; nghiêm cấm các hành vi đề cập tới thu nhập không có chứng cứ…
Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, với nhiều điều khoản, bổ sung nhiều điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp như: Yêu cầu các doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.
Để bảo vệ người tham gia trước các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, Nghị định cũng có nhiều quy định hướng hoạt động bán hàng đa cấp đi vào đúng bản chất là một hình thức phân phối hàng hóa, không bị lợi dụng để thực hiện hoạt động huy động tài chính trái phép…
Mặc dù với các quy định điều chỉnh tương đối đầy đủ về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp hoạt động minh bạch, sàng lọc những doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động bất chính, qua đó góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm khả năng gây hậu quả về kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương cũng đang đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để phù hợp với tình hình mới hiện nay.
DA