Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Mưa lớn tại huyện Bắc Sơn xảy ra từ 21 giờ 30 tối ngày 9/5/2022 đến 8 giờ sáng ngày 10/5/2022 lên tới 216 mm khiến cho nhiều điểm trên địa bàn huyện bị sạt lở đất ngập úng diện rộng.
Theo số liệu báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Sơn, đã có 1 người chết tại xã Tân Tri do sạt lở đất. Về tài sản có 43 hộ bị ngập nước sâu từ 10 đến 50 cm, có 541 ha lúa và 1.248 ha hoa màu bị ngập nước, có 3 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị cuối trôi. Trên các tuyến quốc lộ đường tỉnh xảy ra 20 điểm sạt lở với khối lượng trên 1.000 m3.
Tại huyện Cao Lộc ghi nhận có 4 ngôi nhà bị sập tại các xã: Bảo Lâm, Tân Thành và nhiều tuyến đường giao thông bị ngập cục bộ và sạt lở đất.
Cũng trong sáng nay, ghi nhận tại các huyện: Văn Lãng, Tràng Định, Văn Quan, Bình Gia và thành phố Lạng Sơn, nhiều nơi đã xảy ra ngập úng cục bộ và thiệt hại ban đầu như tại huyện Văn Lãng đã có 8 ngôi nhà bị ảnh hưởng trong đó có 5 ngôi nhà bị sập.
Tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan; huyện Bình Gia và thành phố Lạng Sơn có gần 10 vị trí ngập úng khiến giao thông bị ách tắc.
Hiện nay, UBND các huyện đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra để chỉ đạo hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn bảo đảm an toàn cho nhân dân.
Theo thông tin của Đài Khí tượng thuỷ văn Lạng Sơn, lượng mưa đo được từ tối 9/5/2022 đến rạng sáng 10/5/2022 tại một số địa phương như sau: Bắc Sơn 216 mm, Bình Gia 180 mm, Thất khê 58m, Thành phố Lạng Sơn 116 mm, Đỉnh núi Mẫu Sơn 67 mm, Đình Lập 72 mm…
Theo báo cáo nhanh của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thành phố, tính đến thời điểm 10 giờ 00 ngày 10/5/2022 đã có 01 người chết tại thôn Khau Bao, xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn do sạt lở đất vào nhà.
Sập, đổ 08 nhà, 169 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất vào và bị ngập, trên 43 hộ bị nước ngập vào nhà, chiều cao ngập từ 10-50cm; di dời 27 hộ.
Diện tích lúa và hoa màu bị ngập cục bộ 1.507,0 ha. Diện tích thủy sản bị cuốn trôi khoảng 3,0 ha. 06 con gia súc bị trôi.
Nhiều tuyến đường ngập úng cục bộ, ách tắc như huyện Cao Lộc, Tràng Định, Văn Lãng, Bắc Sơn, Chi Lăng... (đường tỉnh 234; 234b; 239; 229: đường huyện: 24, 28, 80A, Quốc lộ 1A; 11 cầu dân sinh bị ngập; 05 điểm bị chia cắt, cô lập). 13 cột điện bị đổ, gẫy.
Hiện nay UBND các huyện, thành phố đang tiến hành kiểm tra, rà soát về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.
Lãnh đạo UBND tỉnh và các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn đã thành lập các đoàn đi kiểm tra tại các địa bàn chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát phương án phòng chống thiên tai, nhất là phương châm “4 tại chỗ”.
Đồng thời, tăng cường cảnh báo, thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để nhân dân biết và chủ động phòng tránh.
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn kịp thời chuyển các bản tin cảnh báo thời tiết, đồng thời đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác trực ban 24/24h.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố đã thành lập các đoàn đi kiểm tra tại các địa bàn ngập úng cục bộ, các điểm xung yếu trên địa bàn.
Trận mưa lũ đêm 09 rạng sáng 10/5 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã làm sạt lở hàng nghìn mét khối đất đá, ngập lụt, gây ách tắc giao thông cục bộ trên một số tuyến đường tại các địa phương của tỉnh.
Cụ thể, tại Km1+00 đường tỉnh 258, khu vực đèo Vi Hương (Bạch Thông), cây cổ thụ và đất đá sạt lở chắn ngang đường; Km126+200 QL.3B, đoạn qua đèo Áng Toòng, thuộc địa bàn xã Tân Sơn (Chợ Mới), nhiều khối đá to và bùn đất sạt lở gây tắc đường hoàn toàn.
Cụ thể, tại Km1+00 đường tỉnh 258, khu vực đèo Vi Hương (Bạch Thông), cây cổ thụ và đất đá sạt lở chắn ngang đường; Km126+200 QL.3B, đoạn qua đèo Áng Toòng, thuộc địa bàn xã Tân Sơn (Chợ Mới), nhiều khối đá to và bùn đất sạt lở gây tắc đường hoàn toàn.
Ngay sau khi xảy ra các thiệt hại do mưa bão, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN ngành Giao thông vận tải đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị quản lý đường bộ tập trung người và phương tiện máy móc tiến hành khắc phục, xúc dọn đất, đá tại các vị trí gây ách tắc, đảm bảo giao thông thông suốt cho người và phương tiện đi lại trên tuyến.
Đối với các vị trí đường tràn bị ngập lụt với mực nước dâng cao, ngành giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị đặt biển cảnh báo, đồng thời cắt cử người túc trực hướng dẫn giao thông cho đến khi nước rút, đảm bảo an toàn mới cho người và phương tiện lưu thông...
* Ngay sau khi tạnh mưa, ngành giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp cùng với đơn vị quản lý đường bộ tuyến Quốc lộ 3B, đoạn qua đèo Áng Toòng, khắc phục nhanh tình trạng sạt lở đất đá gây ách tắc cục bộ trên tuyến.
Đến 8 giờ 50 phút sáng nay (10/5), các lực lượng phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của ngành giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn và Công ty Cổ phần Hồng Hà đã tiến hành xúc dọn nhanh đất đá sạt lở xuống mặt đường tại Km126+200 Quốc lộ 3B, thuộc địa phận huyện Chợ Mới. Ước tính khối lượng đất đá sạt lở hơn 17.000m3.
Người và phương tiện đã có thể lưu thông an toàn qua đèo Áng Toòng.
Do mưa lớn kéo dài liên tục từ đêm 9/5 (hiện vẫn chưa ngớt), kết hợp với lũ lớn từ Lạng Sơn đổ về nên nhiều xã vùng cao của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bị ngập nặng.
Theo đồng chí Nông Văn Phụng, Chủ tịch UBND xã Cấm Sơn (Lục Ngạn), trên địa bàn xã có mưa lớn kéo dài từ đêm 9/5, đến nay vẫn chưa ngớt. Lượng mưa hàng trăm mm, kết hợp với lũ lớn từ tỉnh Lạng Sơn đổ về nên nhiều thôn trong xã bị chia cắt do nước lũ ở các sông, suối lên cao.
"Đợt mưa này rất lớn, ngang với trận mưa lũ kỷ lục xảy ra tại Lục Ngạn năm 2008", đồng chí Nông Văn Phụng nhận định.
Hàng trăm ha vải thiều và hoa màu đã bị ngập úng. Nhiều cột điện hạ thế bị lũ làm gãy khiến một số thôn tại các xã: Cấm Sơn, Tân Sơn, Phong Vân, Sa Lý bị mất điện. Nước chảy siết làm nhiều tuyến đường huyện, tỉnh, liên xã bị ngập cục bộ, các phương tiện giao thông không thể qua lại.
Hiện tại, nhiều xã vùng cao như: Phong Minh, Phong Vân, Sa Lý, Tân Sơn… cũng đang có mưa rất to, nước tại các sông, suối đang tiếp tục dâng cao.
Để ứng phó với mưa lũ, lãnh đạo UBND huyện, Công an huyện Lục Ngạn đã cử hàng chục cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường hỗ trợ di chuyển người và tài sản lên vị trí an toàn. Hiện chưa có thiệt hại về người và thống kê thiệt hại về hoa màu, nhà, cửa, công trình giao thông, trường học…
Công an huyện Lục Ngạn đã đăng thông báo trên Fanpage "Công an huyện Lục Ngạn" khuyến cáo nhân dân không đứng cạnh bờ sông, bờ suối, ngầm tràn, khu vực sạt lở khi đang có mưa to, gió lớn.
Không lội qua sông, suối khi nước đang chảy xiết. Nếu gặp nước lũ ngập vào nhà cần nhanh chóng ngắt cầu giao điện để tránh bị điện giật, chập cháy; nếu nước dâng quá cao nhanh chóng tìm cách di chuyển lên vị trí an toàn.
Ngày 10/5, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã ban hành văn bản số 250 chỉ đạo các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Trong những ngày vừa qua, khu vực miền núi phía Bắc đã có mưa lớn phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 250mm, gây sạt lở đất, ngập lụt tại các khu vực trũng thấp ven sông và làm 01 người chết, thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhà ở, sản xuất của người dân.
Theo bản tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 10-11/5, Bắc Bộ tiếp tục có mưa lớn từ 30-60mm/24h, có nơi trên 100mm/24h; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Thứ hai, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình cấp tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại.
Thứ ba, trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.