Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bản Tặng Phăn, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) bị nước lũ cô lập, chia cắt. (Ảnh: TTXVN) |
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn TW cảnh báo, sáng 22/9 ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) và tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 40-70, có nơi trên 100mm. Ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông, suối, ngập lụt ở đô thị có khả năng xuất hiện ở Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Thanh Hóa... |
Trước thực trạng có nhiều trẻ em bị chết đuối trong đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh đề nghị các địa phương có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ việc đi lại của người dân cũng như các em học sinh, nhất là tại những vị trí ngầm, tràn, ngập sâu, nước xiết để tránh thiệt hại về người.
Hiện Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An và UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục duy trì trực ban 24/24 giờ, thu nhận và xử lý các thông tin về mưa lũ để kịp thời có biện pháp ứng phó; ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân nhanh chóng thu hoạch số diện tích lúa hè thu còn lại và hoa màu đã đến kỳ thu hoạch để giảm thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra; kiểm tra, vận hành an toàn các công trình thủy nông, bảo vệ an toàn các hồ đập, đề điều, vận hành hợp lý các cống tiêu thoát nước để chống ngập úng cho vùng nội đồng.
* Tại Thanh Hóa, mưa lũ đã khiến 2 người chết, 1.871 nhà bị ngập; hơn 5.440 ha lúa mùa bị ngập; nhiều tuyến đường quốc lộ, bị sạt lở. Tổng thiệt hại ước tính 198 tỷ đồng.
Huyện Thạch Thành đã tổ chức sơ tán 1.144 hộ dân sinh sống ven sông, suối của các xã Thạch Lâm, Thành Mỹ, Thành Vinh, Thành Kim đến nơi an toàn. Các xã có cống dưới đê đã cử người gác tại mỗi điểm cống và xử lý đóng ngay cửa cống khi mực nước sông cân bằng với mực nước trong đồng. Huyện đã cấp lương thực cho các hộ dân ở các bản Nghéo, Biện, Đồi của xã Thạch Lâm đi sơ tán tránh lũ.
Trước tình hình mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và các ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; đồng thời cảnh báo dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp biết thông tin để chủ động phòng ngừa, ứng phó. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra để kịp thời có hướng hỗ trợ cho bà con nhân dân.
* Những ngày qua, mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng ở Hòa Bình, Phú Thọ. Theo báo cáo của Chi cục Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, Tuyến đường Quốc lộ 12B, tỉnh lộ 438B và nhiều tuyến đường huyện bị sạt lở và ngập nghiêm trọng gây ách tắc giao thông; trên 7.000 ha lúa, hoa màu và các loại cây trồng khác bị ngập úng có khả năng bị mất trắng; trên 3.400 con gia cầm và nhiều chuồng súc, ao cá bị lũ cuốn. Mưa lũ cũng làm trên 50 nhà dân bị sạt lở, ngập úng; nhiều mương, kè, đập, cầu treo bị sạt lở và bị lũ cuốn…
Tại Phú Thọ (huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê) đã có 3 người bị thương do mưa lũ, sét đánh; 40 căn nhà bị nước cuốn trôi, ngập nước; 735 ha lúa, hoa màu bị ngập; hơn 220 ha ao nuôi trồng thủy sản bị vỡ, tràn vỡ; 800 m đường giao thông nông thôn, kênh mương bị sạt lở; 1 chiếc xe ô tô taxi và hơn 100 con trâu, bò, lợn, gà bị trôi…
Đức Bình (tổng hợp)