• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Mùa trăng ‘bảo vệ môi trường’ nơi địa đầu Tổ quốc

(Chinhphu.vn) – Trung thu năm nay, các em học sinh tại tỉnh Hà Giang đã sáng tạo ra những chiếc lồng đèn đẹp mắt từ vật liệu tái chế. Hoạt động này không chỉ mang đến một Tết Trung thu đầy màu sắc mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, lan tỏa thông điệp về trách nhiệm với thiên nhiên.

16/09/2024 20:36
Mùa trăng ‘bảo vệ môi trường’ nơi địa đầu Tổ quốc- Ảnh 1.

Các em học sinh hào hứng với trải nghiệm lần đầu tiên làm lồng đèn Trung thu bằng nhựa tái chế - Ảnh: Văn Hiền/VGP

Từ những chai lọ, ống hút nhựa, túi nilon, các em học sinh tiểu học tại Hà Giang đã khéo léo cắt, dán và trang trí thành những chiếc đèn lồng lung linh, đầy sắc màu. Mỗi sản phẩm không chỉ là thành quả của sự sáng tạo mà còn là biểu tượng của tinh thần bảo vệ môi trường, hướng đến một mùa Trung thu "xanh".

Sáng kiến nhỏ, ý nghĩa lớn

Những chiếc lồng đèn vốn là biểu tượng của niềm vui trẻ thơ trong dịp Tết Trung thu, nay lại mang thêm thông điệp "tái sinh từ rác thải", giúp các em nhận thức rõ hơn về vai trò của mình trong việc giữ gìn môi trường xanh sạch.

Đây là lần đầu tiên em Vương Kiều Oanh, học sinh lớp 5A4, Trường Tiểu học Tân Quang (xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) được tự tay làm lồng đèn Trung thu. Với suy nghĩ chai nhựa thì chỉ là rác, nhưng khi tái chế thành lồng đèn, em thấy sản phẩm mình làm ra rất đẹp.

Kiều Oanh chia sẻ: "Ban đầu em nghĩ rằng chỉ có thể mua đèn lồng ngoài cửa hàng, nhưng khi được thầy cô hướng dẫn làm từ vỏ chai nhựa cũ, em thấy rất thú vị. Chúng em đã cùng nhau nhặt nhạnh những vật liệu nhựa và tái chế thành những chiếc lồng đèn rất đẹp. Đây là Trung Thu ý nghĩa nhất từ trước đến nay của em".

Tương tự, em Trịnh Viết Việt Phong, học sinh lớp 4A4 (Trường Tiểu học Tân Quang) cũng bày tỏ sự hào hứng: "Chúng em không chỉ tạo ra những chiếc đèn lồng mà còn hiểu được rằng mình có thể góp phần giảm thiểu rác thải nhựa. Điều này khiến chúng em cảm thấy mình làm được điều có ích cho môi trường".

Chai nhựa cũ qua bàn tay khéo léo của các em trở thành những chiếc lồng đèn hình ngôi sao, con cá, hay thậm chí là các mô hình ngôi nhà nhỏ với ánh sáng rực rỡ. Không chỉ đẹp về mặt hình thức, mỗi chiếc lồng đèn còn là một câu chuyện về ý thức bảo vệ môi trường, về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc giữ gìn sự xanh – sạch – đẹp của trái đất.

Không chỉ dừng lại ở việc tái chế nhựa để làm lồng đèn, hoạt động này còn mở ra nhiều hoạt động giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Các em học sinh đã nhiệt tình tham gia, không chỉ là những "nghệ nhân nhí" sáng tạo mà còn cùng nhau lan tỏa thông điệp bảo vệ thiên nhiên đến cộng đồng. Nhiều em còn mang những chiếc đèn lồng tự làm về khoe với gia đình và thậm chí còn hướng dẫn người thân cách tái chế rác thải thành đồ dùng hữu ích.

Mùa trăng ‘bảo vệ môi trường’ nơi địa đầu Tổ quốc- Ảnh 2.

Sau khi được hướng dẫn, mỗi em đều có cho riêng mình 1 chiếc lồng đèn Trung Thu bằng nhựa tái chế ý nghĩa - Ảnh: Văn Hiền/VGP

Tương lai xanh từ những hành động nhỏ

Hoạt động làm lồng đèn từ nhựa tái chế đã truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ tại các vùng cao. Những hành động nhỏ như tái chế nhựa, sử dụng lại các vật dụng cũ có thể mang lại những thay đổi, không chỉ cho môi trường mà còn cho ý thức của mỗi người dân.

Cô Hà Thị Mầu, Tổng Phụ trách đội Trường Tiểu học Tân Quang chia sẻ: "Hoạt động này được tổ chức nhằm động viên và tiếp sức cho các em học sinh trở lại trường học sau ảnh hưởng của cơn bão số 3. Dù Tết Trung thu năm nay không trọn vẹn như mọi năm, nhưng các em vẫn nhận được sự quan tâm đầy đủ từ các cấp, các ngành, đảm bảo một Trung thu an toàn và tiết kiệm".

Theo cô Mầu, thay vì tổ chức các hoạt động văn nghệ và nhiều chương trình lớn như các năm trước, nhà trường năm nay tập trung tổ chức gọn nhẹ trong từng lớp học. Các em được hướng dẫn làm lồng đèn từ nhựa tái chế, kết hợp với bữa tiệc liên hoan bánh kẹo nhỏ.

"Chúng tôi không chỉ muốn dạy kiến thức từ sách vở mà còn là những kỹ năng sống cần thiết. Việc làm lồng đèn từ nhựa tái chế giúp các em hiểu sâu sắc hơn về tác hại của rác thải nhựa và ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường. Đây là bài học trực quan và dễ nhớ nhất. Trong quá trình làm lồng đèn, các em cũng được thầy cô chia sẻ về tác động nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với các vùng núi cao, nơi quản lý rác còn hạn chế", cô Mầu nhấn mạnh.

Chị Nguyễn Thị Diện, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Quang cho biết, đa số các em học sinh tại đây đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Sau cơn bão, nhiều hoạt động ngoại khóa vẫn còn hạn chế. Năm nay, với 30 hộ gia đình bị ngập lụt nghiêm trọng, Đoàn xã thực hiện chủ trương tổ chức Trung thu tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo niềm vui cho các em nhỏ.

Chị Diện cũng chia sẻ thêm: "Tại một số thôn, người dân đã quyên góp ủng hộ để giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại sau cơn bão, thay vì tổ chức Trung thu hoành tráng như các năm trước".

Bí thư Đoàn xã Tân Quang đánh giá, hoạt động vui Tết Trung thu năm nay rất thiết thực, không gây lãng phí nhưng mang lại hiệu quả lớn cho các em học sinh vùng cao. Đây là cách giúp các em vừa học vừa chơi, đúng theo tiêu chí giáo dục hiện đại. Trong thời gian tới, Đoàn xã dự định tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa; đề xuất với Đoàn huyện tổ chức cuộc thi làm đồ dùng gia đình từ rác thải tái chế, kết hợp với các buổi sinh hoạt về biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu sử dụng đồ nhựa.

Trong ánh đèn lung linh, những tiếng cười trong trẻo vang lên giữa núi rừng. Mỗi chiếc lồng đèn không chỉ thắp sáng đêm hội trăng rằm mà còn thắp lên trong lòng các em học sinh ngọn lửa của ý thức trách nhiệm với môi trường, mang theo ước mơ về một tương lai tươi sáng và môi trường bền vững hơn cho tất cả mọi người.

Văn Hiền