Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi với phóng viên, TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Trung ương, năm 2023, cả nước ghi nhận 448 bệnh nhân sốt rét và 2 bệnh nhân tử vong.
Mặc dù 46 tỉnh/thành phố được công nhận loại trừ bệnh sốt rét nhưng bệnh này vẫn diễn biến phức tạp, với hơn 6,8 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành tập trung chủ yếu ở tỉnh Lai Châu, Khánh Hòa và một số tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên.
Hiện, Khánh Hoà và Lai Châu là 2 địa phương đang ghi nhận số mắc sốt rét nhiều nhất cả nước.
Năm 2023, Khánh Hoà ghi nhận 254 ca mắc sốt rét, trong khi cả nước ghi nhận hơn 500 ca mắc, chiếm hơn 1/2 số ca mắc cả nước. Đặc biệt số ca mắc này ở Khánh Hoà ghi nhân chủ yếu từ tháng 6/2023 đến cuối năm. Từ thời điểm này trở về trước, Khánh Hoà chỉ ghi nhận 5-10 ca mỗi năm.
Trong vài tuần trở lại đây, Khánh Hoà vẫn tiếp tục ghi nhận 4-6 ca/tuần. Bệnh nhân chủ yếu tập trung tại huyện Khánh Vĩnh.
Đối với tỉnh Lai Châu, năm 2023, chỉ riêng huyện Mường Tè ghi nhận gần 100 ca. Số ca mắc chủ yếu là đồng bào dân tộc La Hủ do lối sống và hủ tục vô cùng lạc hậu.
Theo TS Hoàng Đình Cảnh, nguyên nhân khiến số ca bệnh sốt rét gia tăng tại 2 địa phương này là do đa số người dân đi rẫy, lên rừng chưa ý thức được việc phòng chống muỗi đốt; một số dân tộc ít người có lối sống lạc hậu, cổ hủ, không triển khai các biện pháp phòng chống muỗi đốt…
Bệnh sốt rét được xác định nguyên nhân gây bệnh là do người mang mầm bệnh hoặc bị muỗi Anophen nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium đốt và truyền bệnh.
"Khi phát hiện ca bệnh mới, ngành y tế đến điều tra, bao vây khu vực xung quanh để phun hoá chất, diệt muỗi và tuyên truyền để người dân hiểu, từ đó biết cách phòng chống bệnh. Tuy nhiên, bà con chủ yếu làm nghề đi rẫy, ở rừng nên rất khó tiếp cận để tuyên truyền với họ", TS Hoàng Đình Cảnh chia sẻ.
Một ví dụ rất điển hình, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà có 28 bệnh nhân. Cả xã có 134 người đi rừng, đi rẫy nhưng ngành y tế chỉ tiếp cận được khoảng 70% người để xét nghiệm vì không thể gặp được những người còn lại.
Theo quy định, để loại trừ bệnh sốt rét thì phải 3 năm liên tiếp không ghi nhận bệnh nhân, đồng thời phải loại trừ bệnh theo nguyên tắc cuốn chiếu, từ xã/phường, huyện/quận đến tỉnh/thành. Vì vậy, để đạt mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét đến năm 2030, tức là chỉ còn 6 năm nữa thì còn nhiều khó khăn.
Hiện nay, bệnh sốt rét mới chỉ có vaccine ở châu Phi, khả năng phòng bệnh chỉ 60-65%.
Tại Việt Nam, thuốc điều trị bệnh sốt rét rất tốt và đang được Dự án quỹ toàn cầu cấp miễn phí, vì vậy người bệnh không phải trả tiền.
Để duy trì thành quả đã đạt được trong hơn 30 năm qua phòng chống bệnh sốt rét trên cả nước (46 tỉnh, thành được công bố loại trừ bệnh sốt rét) và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét trên quy mô cả nước vào năm 2030, TS Hoàng Đình Cảnh cho rằng, thời gian tới, Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương sẽ đẩy mạnh vận động chính sách, tăng cường chỉ đạo, huy động các cấp các ngành quan tâm đầu tư nhân lực, kinh phí, đảm bảo bền vững chương trình phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng để thực hiện thành công mục tiêu loại trừ sốt rét tại Việt Nam vào năm 2030.
Đồng thời, tiến hành đánh giá Chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ sốt rét; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn như can thiệp tại các tỉnh có điểm nóng sốt rét, duy trì giám sát đề phòng sốt rét quay trở lại tại 46 tỉnh đã được công nhận loại trừ; mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng hoạt động phòng, chống ký sinh trùng, côn trùng; rà soát tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ các tuyến để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phù hợp với thực tế và tiếp tục tìm các giải pháp để đảm bảo nguồn lực từ nguồn trong nước và quốc tế cho hoạt động của chương trình phòng, chống sốt rét.
Hiền Minh