Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhiều nước đã ngay lập tức lên tiếng phản ứng, lo ngại về tác động đối với ngành công nghiệp và kinh tế toàn cầu.
Theo số liệu chính thức của Mỹ, hiện Canada và Mexico là những nước xuất khẩu thép lớn nhất vào Mỹ. Brazil và Hàn Quốc cũng là những nhà cung cấp thép lớn.
Chia sẻ trên mạng xã hội X, ông Francois-Philippe Champagne, Bộ trưởng Đổi mới sáng tạo Canada, cho biết thép và nhôm của Canada hỗ trợ các ngành công nghiệp chính tại Mỹ từ quốc phòng, đóng tàu đến ô tô. Ông Champagne nhấn mạnh: "Điều này giúp Bắc Mỹ cạnh tranh và an toàn hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ Canada, người lao động và các ngành công nghiệp của chúng tôi".
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok cũng đã gặp Bộ trưởng Công nghiệp và các quan chức cấp cao khác của Hàn Quốc để đánh giá tình hình và đưa ra phản ứng trước khả năng tăng thuế nhập khẩu của Mỹ.
Tổng thống Trump cũng xác nhận rằng ông đang xem xét miễn thuế thép cho Australia. Ông nói: "Chúng tôi có thặng dư thương mại với Australia. Lý do là họ mua rất nhiều máy bay".
Ngay trước khi ông Trump ký sắc lệnh trên, Thủ tướng Australia, ông Anthony Albanese cũng cho biết đã thảo luận với Tổng thống Mỹ về khả năng miễn áp thuế với Australia. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, ông Albanese thông báo: "Tổng thống Mỹ đã đồng ý xem xét khả năng miễn trừ vì lợi ích của cả hai quốc gia chúng ta".
Mỹ hiện phụ thuộc vào nhôm nhập khẩu, chủ yếu từ Canada, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Trung Quốc, để đáp ứng phần lớn nhu cầu sản xuất của nước này.
Trước nguy cơ bị áp thuế từ chính quyền Tổng thống Trump, Anh đang cân nhắc nhiều chiến lược để né tránh tổn thất. Từ tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), mua thêm vũ khí Mỹ, đến đàm phán thỏa thuận thương mại song phương, mỗi phương án đều có cơ hội và thách thức riêng.
Với một loạt các biện pháp liên quan đến đàm phán và chiến lược, Anh hy vọng sẽ duy trì được mối quan hệ thương mại "lành mạnh" với Mỹ mà không phải chịu thiệt hại từ các chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump.
Một trong những chiến lược được thảo luận nhiều nhất là việc Anh tăng cường nhập khẩu LNG từ Mỹ. Đây không chỉ là một nhu cầu thực tế của Anh khi sản lượng khai thác khí đốt từ Biển Bắc đang giảm dần, mà còn là một cách để "lấy lòng" Tổng thống Trump, người luôn mong muốn thúc đẩy xuất khẩu năng lượng của Mỹ.
Một chiến lược khác mà Anh có thể áp dụng là tăng cường mua sắm vũ khí và thiết bị quốc phòng từ Mỹ. Điều này không chỉ giúp củng cố quan hệ đối tác quốc phòng giữa hai nước mà còn có thể là một cách hiệu quả để xoa dịu chính quyền Tổng thống Trump.
Một quan chức giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng cho biết Anh có thể sẽ tiếp tục đặt mua máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất. Cho đến nay, Anh đã đặt hàng 48 máy bay chiến đấu loại này, nhưng con số này có thể tăng lên nếu Chính phủ Anh quyết định rằng việc mua thêm F-35 là cần thiết để duy trì quan hệ tốt với Mỹ.
Matthew Oresman, đối tác tại công ty luật quốc tế Pillsbury, nhận định: "Đó là lĩnh vực mà Anh có nhu cầu, Mỹ mong muốn và nguồn cung cấp của Mỹ có thể là một phần của quá trình xây dựng cầu nối đó".
Chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump đang làm dấy lên làn sóng lo ngại trên toàn cầu. Không chỉ bổ sung vào các mức thuế hiện có, điều này còn tác động mạnh đến giá cả, lợi nhuận doanh nghiệp.
Ngay sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, thị trường tài chính quốc tế lập tức phản ứng mạnh mẽ. Giá cổ phiếu của nhiều công ty thép lớn tại châu Á và châu Âu lao dốc trong ngày 10/2, phản ánh mối lo ngại về những tác động tiêu cực từ chính sách này, theo Reuters.
Tại Hàn Quốc, cổ phiếu Hyundai Steel giảm 2,9%, trong khi các doanh nghiệp khác như Dongkuk Steel cũng chịu chung số phận. Thị trường Ấn Độ chứng kiến chỉ số ngành kim loại giảm 2,5%, đánh dấu một trong những phiên giao dịch ảm đạm nhất trong thời gian gần đây.
Một quan chức của Hyundai Steel bày tỏ lo ngại: "Chúng tôi e rằng những thay đổi này sẽ đẩy giá xuất khẩu lên cao và khiến hạn ngạch miễn thuế 70% bị thu hẹp".
Hạn ngạch này vốn được chính quyền ông Trump nhiệm kỳ đầu thiết lập, cho phép Hàn Quốc xuất khẩu một lượng thép tương đương 70% mức trung bình trong giai đoạn 2015-2017 mà không chịu thuế.
Hyundai Steel - nhà cung cấp thép cho các nhà máy sản xuất ô tô của Hyundai và Kia tại Mỹ - thậm chí đang cân nhắc xây dựng một nhà máy thép mới tại Mỹ để giảm thiểu ảnh hưởng từ chính sách thuế mới.
Tương tự, Dongkuk Steel cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực. Một đại diện của công ty này chia sẻ: "Không thể phủ nhận rằng mức thuế mới sẽ gây ra những ảnh hưởng bất lợi. Hiện tại, Mỹ vẫn là thị trường mang lại lợi nhuận cao cho chúng tôi".
Không chỉ châu Á, thị trường chứng khoán châu Âu cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cổ phiếu của các tập đoàn sản xuất thép lớn như ArcelorMittal (Luxembourg), Voestalpine (Áo), Thyssenkrupp (Đức) và Salzgitter (Đức) đều sụt giảm.
Các nhà phân tích tại tập đoàn tài chính ODDO-BHF nhận định: "ArcelorMittal là công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi 13% doanh thu của tập đoàn đến từ thị trường Mỹ".
Giám đốc tài chính của ArcelorMittal cho biết nếu thuế quan mới được áp dụng, công ty sẽ chịu thiệt hại khoảng 100 triệu USD/quý. Tuy nhiên, tập đoàn này hiện chưa có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ trước thời điểm thuế có hiệu lực.
Bên cạnh chứng khoán, thị trường hàng hóa cũng chịu ảnh hưởng. Reuters cho biết giá các hợp đồng quặng sắt tương lai (nguyên liệu chính để sản xuất thép) đã giảm vào ngày 10/2 do lo ngại về thuế quan khiến tâm lý thị trường trở nên thận trọng, bất chấp dấu hiệu phục hồi nhu cầu từ Trung Quốc - nước tiêu thụ thép lớn nhất thế giới.
Ở chiều ngược lại, giá nhôm lại nhích nhẹ do lo ngại nguồn cung có thể bị thắt chặt.
"Giá cả khu vực sẽ phản ứng đầu tiên. Mức thuế 25% này sẽ đẩy giá cả lên cao hơn, đặc biệt là với các nhà sản xuất trong nước. Mỹ hiện phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu, với khoảng 40-45% nhu cầu nhôm và 12-15% nhu cầu thép đến từ nước ngoài", chuyên gia chiến lược hàng hóa Daniel Hynes từ ANZ Sydney dự báo.
Ông cũng nhấn mạnh rằng các nhà giao dịch đang gấp rút tìm kiếm nguồn cung trước khi thuế có hiệu lực, khiến giá thép tại Mỹ có thể tăng vọt trong thời gian tới.
Một báo cáo từ Bloomberg, trích dẫn phân tích của Morgan Stanley, chỉ ra rằng việc xây dựng các cơ sở sản xuất kim loại mới tại Mỹ không phải là giải pháp có thể thực hiện ngay lập tức. Việc triển khai và vận hành các lò luyện kim hoặc nhà máy cán thép có thể mất ít nhất 3 năm, thậm chí lâu hơn. Điều này đồng nghĩa với việc giá kim loại tại Mỹ khó có thể ổn định trong thời gian ngắn.