• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Mỹ ‘dọa’ tiếp tục tấn công, Nga cảnh báo ‘đừng đùa với lửa’

(Chinhphu.vn) – Sau vụ bắn tên lửa Tomahawk, Mỹ tiếp tục gây áp lực với Nga đồng thời lên kế hoạch hành động quân sự tiếp theo đối với Syria.

10/04/2017 16:40

2 nhóm phương án tấn công

TTXVN cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục bảo vệ quyết định tấn công Syria là nằm trong lợi ích của Mỹ, đồng thời tuyên bố đang xem xét các hành động tiếp theo. 

Trong thư gửi hai viện Quốc hội Mỹ ngày 8/4, Tổng thống Trump nêu rõ: "Tôi đã hành động vì lợi ích an ninh quốc gia sống còn và chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Mỹ sẽ tiến hành các hành động bổ sung, khi cần thiết và thích hợp, để đẩy mạnh các lợi ích quốc gia quan trọng".

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại New York dẫn các nguồn tin báo chí tại Mỹ đưa tin ông Trump đang cân nhắc các phương án quân sự tại Syria được Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đưa ra.

Danh sách các phương án được trình lên ông Trump bao hàm nhiều quy mô, mức độ và độ rủi ro khác nhau, song đều chủ yếu phụ thuộc vào mục tiêu của Nhà Trắng.

Bài viết trên mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor cho biết về cơ bản, có thể chia những phương án của Nhà Trắng thành 2 nhóm, đó là tấn công trừng phạt để ngăn chặn tái diễn những vụ sử dụng vũ khí hóa học, hai là tấn công quyết liệt để tiêu diệt kho vũ khí hóa học của Syria, cũng như các phương tiện chuyên chở.  

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn chương trình "Face the Nation" của kênh truyền hình CBS, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết ưu tiên hàng đầu của Washington tại Syria là tiêu diệt tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trước khi ổn định tình hình quốc gia này. Ông nhấn mạnh việc đánh bại IS sẽ diệt trừ được mối đe dọa không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với "sự ổn định trọn vẹn của khu vực".

Đáp trả mọi hành động “vượt giới hạn đỏ”

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo Mỹ đang "đùa với lửa". Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Tillerson, ông Lavrov nêu rõ các cuộc tấn công chống khủng bố tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh khu vực và toàn cầu.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga đồng thời tái khẳng định lập trường của Moscow cho rằng các cáo buộc chính quyền Syria thực hiện vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria hồi tuần trước là "không đúng thực tế".

Phát biểu tại Moscow ngày 8/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ Nga muốn Ngoại trưởng Mỹ Tillerson có lời giải thích cụ thể cho quyết định tấn công Syria khi ông đến thăm Moskva, dự kiến vào ngày 10/4.

Liên quan đến vụ việc, theo Independent, hai nước Nga và Iran đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, khi ra tuyên bố chung đe dọa sẽ dùng vũ lực, đáp trả “mọi hành động vượt giới hạn đỏ dù người gây ra có là ai đi chăng nữa”.

“Hành động gây hấn của Mỹ nhằm vào Syria là động thái bước đến giới hạn đỏ. Kể từ bây giờ, chúng tôi sẽ phản ứng bằng vũ lực, trước tất cả những hành động vượt ranh giới đỏ dù đó là ai đi chăng nữa. Mỹ nên biết rằng, chúng tôi phản ứng rất hiệu quả”, trung tâm chỉ huy chung của lực lượng Nga, Iran nói.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei nhận định Mỹ đã phạm "sai lầm chiến lược" khi tấn công Syria.

Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA ngày 9/4 dẫn lời ông Khamenei nhấn mạnh, "Iran sẽ không từ bỏ Syria dù phải đối mặt với đe dọa", ám chỉ những đồn đoán về việc Mỹ xem vụ tấn công vừa qua là dấu hiệu cho thấy nước này sẵn sàng tấn công các quốc gia khác, bao gồm cả Iran.

Gây sức ép

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, trong các cuộc gặp giới chức Nga tại Moskva ngày 11/4, ông sẽ gây áp lực với Nga về việc Moskva đã không thể ngăn chặn quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Trả lời phỏng vấn chương trình "Tuần này" (This Week) của kênh truyền hình ABC ngày 9/4, ông Tillerson nêu rõ: "Một phần trong các cuộc thảo luận khi tôi tới Moskva là kêu gọi Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Chính phủ Nga thực hiện nghĩa vụ đã cam kết với cộng đồng quốc tế khi Moskva nhất trí là nhà bảo lãnh cho việc tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria". Ông cho biết sẽ đề nghị người đồng cấp Nga giải thích tại sao Nga không thể hoàn thành nghĩa vụ này.

Trong một diễn biến liên quan, các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Wasington sẽ gia tăng sức ép, buộc Nga kiềm chế chính quyền Tổng thống Assad.

Xuất hiện trong một chương trình truyền hình ngày 9/4, trước thềm chuyến thăm của ông Tillerson, các cố vấn trên cảnh báo mọi cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trong tương lai đều sẽ "gây nguy hại nghiêm trọng" đến quan hệ Nga - Mỹ, đồng thời nhận định khả năng sẽ không có hòa bình nếu Tổng tống Assad tiếp tục tại vị.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop lên tiếng kêu gọi Nga ngừng ủng hộ Tổng thống Assad. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ Sky News, Ngoại trưởng Bishop thừa nhận Nga có lợi ích chiến lược tại Syria, song bà cho rằng Moskva cần đặt tính hiệu quả của các nỗ lực quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố lên trên hết, trước tiên là để chấm dứt tình cảnh "nồi da nấu thịt" trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài hơn 6 năm qua ở Syria.

Một số nhà phân tích nhận định vụ tấn công tên lửa của Mỹ vào căn cứ không quân Syria đã khiến cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này thêm phức tạp, đồng thời làm tăng nguy cơ quân sự hóa khu vực.