Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Việc Tổng thống Mỹ Trump không bàn bạc với các đồng minh phương Tây của mình cũng như không đưa kiến nghị ra trước Hội đồng bảo an LHQ mà đơn phương hạ lệnh cho quân đội Mỹ phóng 59 quả tên lửa Tomahawk đã đẩy quan hệ Mỹ - Nga thêm căng thẳng, có lúc tưởng như đối đầu.
Ở Đông Bắc Á, Triều Tiên cũng đang làm "Mỹ đau đầu".
Tại sao Mỹ buộc phải tấn công Syria (mặc dù khi mới nhậm chức, ông D.Trump đã tuyên bố sẽ không can thiệp quân sự tại Syria, giới chức Mỹ cũng từng tuyên bố không đặt vấn đề loại bỏ Tổng thống Syria Assad) cũng như các động thái của Nga trước sự việc này là vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Mỹ muốn ‘một mũi tên trúng nhiều đích’?
Tổng thống B.Obama rời nhiệm sở để lại cho người kế nhiệm vấn đề Syria ‘không thể tệ hơn’.
Việc quân đội của Tổng thống Syria Bashar al Assad với sự trợ giúp của lực lượng phòng không và không quân Nga kiểm soát được khu vực Aleppo đã khiến cả IS lẫn các lực lượng thân Mỹ tại Syria bị suy yếu và thu hẹp quyền kiểm soát tại quốc gia này.
Rất nhiều cuộc đàm phán giữa các bên về vấn đề Syria đã diễn ra tại Geneva (Thuỵ Sỹ) mà không đem lại kết quả khả quan nào. Trong khi đó việc Nga-Thổ Nhĩ Kỳ- Iran có lúc chủ động bàn bạc để đưa ra các giải pháp cho vấn đề này mà không cần sự có mặt của Mỹ, khiến Mỹ đứng trước nguy cơ bị đẩy ra khỏi cuộc chơi.
Trong một sự kiện khác cùng thời điểm, đó là những lời lẽ răn đe từ chính quyền Mỹ vẫn không khiến Triều Tiên chùn bước trong việc triển khai các vụ thử nghiệm tên lửa.
Thời điểm Tổng thống Mỹ phát lệnh ‘khai hoả’ nhắm vào Syria cũng là lúc mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thăm nước Mỹ.
Thế nên, "mũi tên của Mỹ bắn ra" có vẻ đã trúng nhiều đích. Theo giới chức Mỹ, Trung Quốc là nước duy nhất có thể gây sức ép trực tiếp tới Triều Tiên, hơn nữa Mỹ cũng đang muốn phô bày sức mạnh của mình, có thể là ngay cả với Trung Quốc.
Việc Mỹ điều các chiến hạm tới vùng biển sát với Triều Tiên ngay sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cũng là một minh chứng cho những động thái này…
Còn trong mối tương quan với Nga, suốt quá trình tranh cử và ngay cả sau khi đã nhậm chức, Tổng thống D.Trump vẫn đang bị nghi ngờ có những mối quan hệ ‘ngầm’ với Điện Kremlin. Hơn nữa từ khi tiếp quản Nhà Trắng đến nay, Tổng thống Mỹ vẫn chưa tạo được bứt phá gì hơn hẳn người tiền nhiệm.
Vì vậy, cuộc tấn công Syria của Mỹ không những dồn được sự thu hút của dư luận trong nước mà còn ít nhiều giành được sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây, chí ít là ở thời điểm hiện tại.
Nga kiên quyết nhưng cẩn trọng
Lý do Điện Kremlin không cho ‘động binh’ mặc dù đã nhận được thông báo từ phía Mỹ (về cuộc tấn công Syria) cũng có nhiều cách lý giải, thậm chí có cả nghi vấn trước khả năng thực sự của các hoả lực phòng không S-300 và S-400 của Nga…
Tuy nhiên, không phải là không có lý khi một số chuyên gia cho rằng nếu xâu chuỗi các xung đột đã từng xảy ra với Mỹ và phương Tây, Tổng thống Nga Putin luôn tránh ‘đối đầu’ trực diện và tìm mọi cách để kéo các tổ chức quốc tế cùng vào cuộc nhằm chứng tỏ tính hợp pháp và hợp lệ cho mọi hành động của mình.
Phía Nga đã lên án cuộc tấn công Syria của Mỹ vì cho rằng ‘đây là cuộc tấn công một nước có chủ quyền’.
Còn về vụ nhiều người thiệt mạng do vũ khí hóa học ở Syria, phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Italy Sergio Mattarella hôm 11/4, ông Putin cho rằng "những hành động tương tự làm ông nhớ lại sự kiện năm 2003, khi cũng với lý do vũ khí hoá học, Mỹ đã phát động tấn công Iraq và để lại hậu quả nặng nề cho đến tận bây giờ. Chính vì thế, vấn đề cần phải được xem xét và theo dõi cẩn trọng từ các cơ quan có thẩm quyền của LHQ và của các tổ chức quốc tế".
Trong diễn biến mới nhất liên quan, chiều 12/4 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an LHQ đã không thông qua được dự thảo nghị quyết yêu cầu Chính phủ Syria hợp tác trong cuộc điều tra về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhun do Nga bỏ phiếu phủ quyết.
Bản dự thảo nghị quyết do Anh, Pháp, Mỹ đề xuất, theo đại diện của Nga là ‘không chấp nhận được’.
Tương lai nào cho vấn đề Syria?
Ngay sau khi Mỹ không kích Syria, Điện Kremlin đã tuyên bố đình chỉ hiệu lực của bản thoả thuận kiểm soát không gian bay tại Syria đã ký kết với Mỹ. Trong khi đó Mỹ cũng nói ‘sẽ làm lần nữa (với Syria) nếu cần thiết’.
Còn Syria khẳng định ‘chúng tôi sẽ là gia tăng áp lực với các lực lượng khủng bố và qua đó mở rộng thêm các khu vực do Chính phủ kiểm soát’ như lời của Đại sứ Chính phủ Syria tại Ấn Độ Riyad Abbas.
Nhưng rốt cuộc, có vẻ như các bên đã không muốn ‘già néo đứt dây’, bằng chứng là ngay trong phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh, các nước G7 đã quyết định chưa áp dụng thêm biện pháp trừng phạt nào đối với Nga.
Còn việc lên án Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học đang là 'vấn đề tranh cãi nảy lửa' tại Hội đồng Bảo an LHQ...
Phạm Hoàng