• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Mỹ tấn công Syria, Tổng thống Nga chủ trì họp khẩn cấp

(Chinhphu.vn) - Sau vụ quân đội Mỹ ồ ạt bắn 59 tên lửa Tomahawk vào Syria, Nga, Iran đã đưa ra phản ứng gay gắt, coi đây là hành động xâm lược. Trong khi đó, Anh, Australia,... lại bày tỏ ủng hộ với quyết định của Tổng thống Donald Trump.

07/04/2017 20:13
Leo thang

TTXVN đưa tin, sáng 7/4 (theo giờ Việt Nam), hàng loạt phương tiện truyền thông Mỹ dẫn lời giới chức quân sự nước này cho biết Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tấn công một căn cứ quân sự của Syria bằng tên lửa.

Cụ thể, quân đội Mỹ đã bắn 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào một căn cứ không quân của Syria để đáp trả vụ tấn công hoá học khiến hàng chục dân thường thiệt mạng tại quốc gia Trung Đông này.

Đây là vụ tấn công trực tiếp của Mỹ nhằm vào các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al- Assad kể từ khi cuộc nội chiến bùng phát 6 năm trước.

Sự kiện này đánh dấu một bước leo thang quân sự lớn của Mỹ và có nguy cơ gây đối đầu trực tiếp với Nga và Iran.

Dẫn tuyên bố phát trên truyền hình, BBC đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng căn cứ này là nơi triển khai vụ tấn công hôm 4/4. Ông kêu gọi "tất cả các quốc gia văn minh" giúp chấm dứt xung đột ở Syria.

Phát biểu từ dinh thự Mar-a-Lago ở Florida, Tổng thống Trump nói Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một "nhà độc tài", người "phát động vụ tấn công vũ khí hóa học khủng khiếp nhắm vào thường dân vô tội".

"Chúng tôi hy vọng rằng chừng nào mà nước Mỹ vẫn đứng về phía công lý, hòa bình và hòa hợp cuối cùng cũng sẽ thắng thế."

Chưa có kế hoạch mới

Liên quan đến vụ việc, VOA đưa tin, mục tiêu tấn công của hỏa tiễn Hoa Kỳ là nhắm vào các đường băng, chiến đấu cơ và các điểm trữ dầu của sân bay.

Dẫn lời giới chức quân sự Mỹ, VOA cho biết, các tên lửa được bắn đi từ các chiến hạm Hoa Kỳ tại vùng phía đông Địa Trung Hải. Vụ bắn tên lửa đã xong và "đợi cho đến khi một quyết định khác được đưa ra."

Ngày 7/4, giới chức quốc phòng Mỹ tuyên bố chưa có kế hoạch cụ thể về leo thang hành động quân sự tại quốc gia Trung Đông này.

Hãng tin Anh Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên tin rằng cuộc tấn công này không phải là dấu hiệu về một sự chuyển hướng các chính sách ưu tiên của Tổng thống Donald Trump. Cụ thể, thay vì tập trung vào các vấn đề trong nước như hiện nay, giờ đây Nhà Trắng sẽ chú trọng hơn tới các  vấn đề quốc tế.

Đã thông báo

Ngày 7/4 (theo giờ Việt Nam), giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Washinton đã thông báo với phía Nga về việc tiến hành một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào các cơ sở không quân của Chính phủ Syria.

Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis khẳng định trước khi phát động tấn công, quân đội Mỹ đã có một số cuộc trao đổi với lực lượng quân đội Nga thông qua một đường dây liên lạc được thiết lập trước đó nhằm tránh đụng độ quân sự tại Syria trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Phản ứng

Trong một diễn biến liên quan, ngày 6/4, phát biểu với phóng viên sau một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) về Syria, khi được hỏi về khả năng Mỹ tấn công Syria, Phó Đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov cảnh báo "những người khởi xướng hành động thảm kịch (tấn công Syria) như vậy sẽ phải gánh mọi trách nhiệm".

Khi được hỏi những hậu quả tiêu cực đó có thể là gì, ông Safronkov đáp: "Hãy nhìn vào Iraq và Libya."

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và an ninh Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Viktor Ozerov, nhận định vụ không kích của Mỹ vào một căn cứ không quân của Syria là một hành động xâm lược và có thể thể làm suy yếu nỗ lực chống khủng bố.

Phát biểu ngày 7/4, Thượng nghị sĩ Ozerov nhấn mạnh: "Vụ tấn công này có thể được xem là một hành động xâm lược của Mỹ nhằm vào một quốc gia thành viên LHQ". Ông Ozerov cũng cho hay Nga sẽ kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ.

Hãng tin Sputnik dẫn lời Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết: Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng đòn tấn công mà Hoa Kỳ giáng vào Syria gây tổn hại cho quan hệ với Liên bang Nga, tạo trở ngại nghiêm trọng đối với việc tạo lập liên minh quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố.

"Hành động này của Washington gây phương hại đáng kể cho mối quan hệ Mỹ-Nga, vốn đã ở  tình trạng tồi tệ", ông Peskov nói với các nhà báo khi bình luận ​​về đòn không kích của Mỹ.

"Còn điều chính yếu nhất, như Tổng thống Putin nhận xét, hành động này không giúp đưa chúng ta tới gần mục tiêu cuối cùng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, trái lại đang tạo ra trở ngại nghiêm trọng đối với việc thành lập một liên minh quốc tế hiệu quả để chống lại thế lực độc ác toàn cầu là  chủ nghĩa khủng bố mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố là nhiệm vụ chính ngay trong thời gian tranh cử", ông Peskov nhấn mạnh.

Kêu gọi LHQ họp khẩn

* Sáng 7/4, Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày đã ra một tuyên bố đặc biệt kêu gọi Hội đồng Bảo an HĐBA LHQ tổ chức ngay một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận tình hình sau cuộc không kích này ở tỉnh Homs.

Tuyên bố đặc biệt của Bộ Ngoại giao Nga đánh giá hành động quân sự của Mỹ ở Syria là ý đồ chuyển hướng sự chú ý của dư luận quốc tế khỏi tình hình căng thẳng tại thành phố Mosul ở Iraq, nơi các hoạt động quân sự của liên quân do Mỹ đứng đầu tại đây đã khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng và  đẩy khu vực này vào một thảm họa nhân đạo.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng rõ ràng Mỹ đã chuẩn bị từ trước vụ tấn công quân đội Syria bằng tên lửa và sự kiện tại Idlip chỉ là cái cớ để Mỹ "biểu dương lực lượng" mà thôi.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố tạm dừng hiệu lực của Biên bản ghi nhớ ký với Mỹ về ngăn chặn các vụ đụng độ trên không tại Syria và bảo đảm an toàn bay của không quân trong chiến dịch tại Syria.

* Trong một diễn biến liên quan, ngày 7/4, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời nhà ngoại giao một nước Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) cho biết Bolivia, nước ủy viên không thường trực HĐBA, đã yêu cầu tiến hành cuộc họp khẩn cấp của cơ quan này để thảo luận về các cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào căn cứ không quân của Syria.

Nhà ngoại giao này trên cho biết Bolivia đã đề xuất triệu tập cuộc họp của HĐBA và thời gian tiến hành cuộc họp hiện chưa được ấn định.

Trong một tuyên bố chung sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 7/4, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, Pháp và Đức sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Syria thông qua LHQ.

Phản ứng về vụ việc, Iran chỉ trích động thái mới nhất của Washington tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố hoạt động. Ngày 7/4, hãng tin ISNA của Iran dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Bahram Qasemi cho biết, Tehran lên án mạnh mẽ "các hành động tấn công đơn phương". Theo quan chức trên, hành động của Mỹ sẽ thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố tại Syria và sẽ làm phức tạp thêm tình hình tại Syria nói riêng và khu vực nói chung.



Hội đồng An ninh Quốc gia của Nga ngày 7/4 đã nhóm họp khẩn cấp thảo luận về tình hình tại Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì cuộc họp này.

Tổng thống Putin chủ trì họp khẩn

Điện Kremlin cho biết tại cuộc họp nói trên, giới chức Nga bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hệ quả tiêu cực từ động thái được cho là làm gia tăng căng thẳng của Mỹ đối với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Bên cạnh đó, giới chức Nga cũng thảo luận về việc duy trì sự hiện diện của lực lượng phòng không của Nga ở Syria nhằm hỗ trợ hoạt động chống khủng bố của quân đội quốc gia Trung Đông này.

Nga  lâu nay đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 và S-400 bảo vệ hai cơ sở quân sự của nước này ở Syria là căn cứ không quân ở tỉnh Latakia và cơ sở hải quân ở tỉnh Tartus.

Người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Thượng viện Nga Viktor Ozerov khẳng định các hệ thống phòng thủ này hoàn toàn có đủ khả năng bảo vệ các lực lượng trên bộ, trêb biển và trên không của Nga tại Syria.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống phòng không của Syria sẽ được tăng cường sau vụ không kích của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov nhấn mạnh, "để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng nhất tại Syria, các biện pháp phức hợp sẽ được thực thi trong thời gian sắp tới để tăng cường và nâng cao tính hiệu quả của lực lượng vũ trang Syria".

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng đánh giá rằng tính hiệu quả của các cuộc không kích của Washington là "vô cùng thấp", khi chỉ có 23 trong số 59 quả tên lửa đánh trúng mục tiêu, trong khi chưa rõ liệu 36 quả khác rơi ở vị trí nào.

Syria: Đây là hành động xâm lược

Về phía Syria, Truyền hình Nhà nước Syria ngày 7/4 xác nhận Mỹ đã sử dụng một loạt tên lửa tấn công vào một căn cứ quân sự của Syria và gọi đây là hành động "xâm lược".

Đài truyền hình này cũng chạy thanh tiêu đề cho biết Mỹ đã tấn công vào "các mục tiêu quân sự Syria". Hiện đài này chưa đưa ra thông tin chi tiết.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 7/4, Tỉnh trưởng tỉnh Homs Talal Barazi thông báo cuộc tấn công quân sự của Mỹ đã khiến một số người thiệt mạng. Trước đó, quan chức này cho biết các cuộc không kích bằng tên lửa của Mỹ vào các khu vực quân sự Syria phục vụ mục đích của "các nhóm khủng bố vũ trang" và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Ông cũng tin rằng vụ tấn công này không gây ra "thương vong lớn".

Phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn nguồn tin quân sự của Syria tại Damascus cho biết chỉ khoảng một nửa trong số gần 60 tên lửa Tomahawk, mà Mỹ dùng để tấn công vào sân bay Shayrat rạng sáng 7/4 là đến được đích.

Hậu quả vụ tấn công này khiến ít nhất 15 máy bay chiến đấu bị phá hủy hoặc hư hỏng, các thùng nhiên liệu bốc cháy. Cho đến nay, có tin 6 dân thường đã thiệt mạng, chưa kể 1 phi công của quân đội Syria hy sinh và một số phi công khác bị thương.

Trước đó, Ngoại trưởng nước này khẳng định, quân đội Syria chưa từng và cũng sẽ không bao giờ sử dụng loại vũ khí như vậy trong các cuộc tấn công, thậm chí là tấn công nhằm vào các đối tượng khủng bố chứ đừng nói là để tấn công nhằm vào dân thường.

Còn Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thì cho rằng, các phương tiện truyền thông phương Tây đã quá vội vàng cáo buộc Chính phủ Syria trong việc sử dụng vũ khí hóa học cũng như đã tìm cách đổ trách nhiệm cho Nga.

Chứng khoán đỏ sàn; dầu, vàng tăng giá

Trong khi các thị trường chứng khoán đều đồng loạt "đỏ sàn" thì các "kênh trú ẩn an toàn" như vàng và dầu lại tăng giá sau khi Mỹ tấn công tên lửa vào Syria rạng sáng 7/4, làm dấy lên quan ngại về địa chính trị cũng như nguy cơ đối đầu giữa Mỹ và các nước đồng minh của Syria, trong đó có Nga, Iran.

Tại thị trường châu Á, giá USD đã giảm quý thứ 3 liên tiếp so với đồng yen Nhật, theo đó, 1 yên Nhật đổi được 110,24 USD so với mức 110,76 ngay trước khi có thông tin về vụ tấn công.

Bộ chỉ số cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản - MSCI đã giảm 0,7%, trong khi chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng quay đầu giảm 0,1% cồn 18.577,92 điểm.

Tại Trung Quốc, chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 0,2% xuống còn 3.275,16 điểm, chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong giảm 1,1% xuống còn 24.003,20 điểm.

Chỉ số chứng khoán tại thị trường Sydney, Australia giảm 0,3% và tại Seoul, Hàn Quốc là 0,4%. Trong khi đó, chỉ số S&P500 cũng giảm 0,5%.

Trái ngược với sự lao dốc của cổ phiếu, giá vàng và dầu lại bật tăng. Theo đó, giá vàng giao ngay đã tăng 1,2% lên mức 1.266,01 USD/ounce - mức cao nhất kể từ tháng 11/2016. Giá dầu thô của Mỹ tăng 93 cent lên 52,63 USD/thùng - mức cao nhất trong 1 tháng qua, và giá dầu Brent Biển Bắc tăng 90 cent lên 55,79 USD/thùng.

Ủng hộ

Ngày 7/4, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã gọi vụ tấn công tên lửa của Mỹ nhằm vào căn cứ quân đội Syria là "một phản ứng thích hợp" và để ngỏ khả năng Canberra có thể tham gia một cuộc tấn công quân sự mở rộng do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Malcolmm cho biết ông thực sự “sốc” về vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí vũ khí hóa học nhằm vào dân thường ở Syria, đồng thời khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh, đặc biệt là Mỹ, để tìm cách ngăn chặn sự việc này tái diễn.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne đã lên tiếng kêu gọi HĐBA LHQ phải có hành động mạnh mẽ nhưng thận trọng, tránh để xung đột Syria leo thang.

Theo bà Payne, vấn đề xung đột ở Syria sẽ được đưa ra thảo luận một cách nghiêm túc trong chuyến thăm Australia của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vào ngày 22/4 tới.

Sau vụ tấn công tên lửa của Mỹ, Liên minh Dân tộc đối lập ở Syria đã kêu gọi Mỹ có thêm hành động nhằm vào các cơ sở quân sự của Tổng thống Bashar al-Assad. Israel cũng bày tỏ ủng hộ quyết định tấn công bằng tên lửa của chính quyền Mỹ.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đánh giá vụ tấn công là rất nghiêm trọng tuy nhiên chưa biết liệu Mỹ có yêu cầu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia vào các hành động tiếp theo hay không. Cùng ngày, Saudi Arabia đã tuyên bố hoàn toàn ủng hộ cuộc không kích của Mỹ vào Syria.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault hoan nghênh động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Theo ông Ayrault, cuộc tấn công là "lời cảnh báo" đối với chính quyền Tổng thống Bashar al Assad, củng cố lại lập trường các nước phương Tây sẽ không chấp nhận sự hiện diện của ông Assad trong tương lai của Syria.

Cùng chung quan điểm với Paris, một người phát ngôn của Chính phủ Anh cho hay London "hoàn toàn ủng hộ" cuộc tấn công của Mỹ. Quan chức này nhận định hành động của Washington là phản ứng đáp trả "phù hợp" đối với vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học hôm 4/4.

Trong khi đó, các nghị sĩ hàng đầu của Mỹ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với vụ tấn công quân sự theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào Syria. Tuy nhiên, một số thành viên khác đã cảnh báo Mỹ không nên có thêm hành động mà không có sự cho phép của Quốc hội.

Lập vùng cấm bay

Phản ứng sau cuộc không kích của Mỹ, cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng kêu gọi thiết lập một vùng cấm bay tại Syria.

Trong một thông cáo ngày 7/4, người phát ngôn của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin nhấn mạnh sự cần thiết áp đặt một vùng cấm bay và nhanh chóng tạo ra các vùng an toàn tại Syria để ngăn chặn các cuộc tàn sát tượng tự như vụ tấn công nghi sử dụng chất độc hóa học vừa qua tại Idlib, Tây Bắc Syria.

Ông Kalin cho rằng, việc phá hủy căn cứ không quân Sharyat đánh dấu "một bước đi quan trọng đảm bảo rằng các vụ tấn công thông thường hay bằng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường đều sẽ bị trừng phạt thích đáng".

Cùng quan điểm với Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngày tuyên bố ông hoàn toàn ủng hộ "thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng" từ cuộc không kích của Mỹ để đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại nước láng giềng Syria.

Ông cho biết, quân đội Israel đã được Mỹ thông báo trước về cuộc không kích bằng tên lửa nhằm vào căn cứ không quân của Syria.

* Trước đó, sau các vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học vừa xảy ra tại Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã vượt quá nhiều "giới hạn đỏ" khiến quan điểm của ông về Tổng thống al-Assasd bị thay đổi nhiều.

Ngày 6/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định "đáp trả thích đáng" vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, trong khi kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức. Ông nhấn mạnh Mỹ đang cân nhắc hành động đáp trả thích hợp đối với những hành vi vi phạm tất cả các nghị quyết của LHQ và quy định của quốc tế.