Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các vị khách mời tại Tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Một trong số đó là “nền” tiền lương đóng BHXH bắt buộc sẽ thay đổi tại các đơn vị, doanh nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Bên cạnh đó, cũng từ 1/1/2018, hành vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Để thông tin và bàn luận về vấn những vấn đề này, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Năm 2018, đóng và xử lý vi phạm về BHXH như thế nào?”.
Khách mời tham dự Tọa đàm:
- Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH;
- Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam.
Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho Thứ trưởng Lê Quân. Năm 2018 là năm quan trọng có nhiều đổi mới trong chính sách lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Một trong số đó là điều chỉnh lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Ông hãy thông tin rõ hơn về thay đổi này?
Ông Lê Quân: Năm 2017, chúng ta đã thực hiện đóng bảo hiểm xã hội căn cứ theo mức lương các khoản phụ cấp. Từ 1/1/2018, mức đóng bảo hiểm xã hội căn cứ vào 3 khoản: Mức lượng phụ cấp các khoản thu nhập bổ sung ổn định. Chính sách này nhằm giúp tránh trường hợp người lao động khi đi làm có thể có thu nhập tốt, nhưng khi nghỉ hưu thì mức lương hưu thấp, do mức đóng bảo hiểm xã hội của chúng ta thấp.
Như ông vừa trao đổi, hiện nay, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc = Mức lương Phụ cấp lương. Nhưng từ 1/1/2018, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc = Mức lương Phụ cấp lương Các khoản bổ sung. Tuy nhiên, trong một cuộc họp, đại diện lãnh đạo của Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTB&XH cho rằng cách tính mới không có nghĩa là mức đóng BHXH sẽ được tính trên tổng thu nhập (tức là mức lương cộng với tất cả các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác). Ông hãy giải thích cụ thể về việc này, những khoản bổ sung và khoản phụ cấp nào được tính đóng BHXH từ 1/1/2018? Và khoản nào không tính đóng BHXH?
Ông Lê Quân: Thực ra trên hợp đồng lao động, hai khoản thể hiện rõ nhất là mức lương và các loại phụ cấp như phụ cấp gắn với công việc ổn định, phụ cấp độc hại, phụ cấp chức vụ và các loại phụ cấp khác…, bao gồm phần lớn thu nhập của người lao động. Từ 1/1/2018, chúng ta chỉ thêm các khoản thu nhập bổ sung khác, có tính chất ổn định. Rất nhiều khoản không được tính vào đóng BHXH như thưởng, lương năng suất, hỗ trợ điện thoại, xăng xe, đi lại hay ăn trưa. Các phần này là thu nhập bổ sung có tính chất phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Về cơ bản, mức đóng BHXH của doanh nghiệp từ 1/1/2018 không tăng nhiều, thậm chí nhiều doanh nghiệp không có sự thay đổi gì.
Ông Bùi Sỹ Lợi: Những gì Thứ trưởng Lê Quân vừa nói rất đúng tinh thần của pháp luật. Đến năm 2017, về mặt cơ bản, tất cả các khoản tiền lương và phụ cấp có tính chất tiền lương, chúng ta đã áp vào làm căn cứ đóng BHXH và các khoản đóng góp khác. Các khoản bổ sung khác từ năm 2018 về cơ bản không có gì thay đổi lớn, có thể xuất hiện một số trường hợp doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty biến tiền lương thành phụ cấp có tính chất tiền lương thì chúng ta phải tính toán. Còn lại, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh có thể hoàn toàn yên tâm, cho đến 1/1/2018, các khoản tiền lương và phụ cấp có tính chất lương để đóng BHXH đã được quy định trong năm 2017, cơ bản sẽ không có biến động lớn.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo ông, những điều chỉnh này mang lại các tác động gì?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Hiện nay, các doanh nghiệp và bản thân người lao động cho rằng mức đóng BHXH của chúng ta có tỷ trọng cao. Tỷ trọng cao là 22%, trong đó 14% là doanh nghiệp đóng, 8% là người lao động đóng. Nhưng chúng ta đóng trên nền rất thấp, các doanh nghiệp đóng trên tiền lương tối thiểu nên rõ ràng tiền lương hưu sau này khi làm căn cứ hưởng lương hưu lại thấp. Phải làm sao đóng trên tiền lương thực, thu nhập để khi hôm nay chúng ta đang làm việc thì có thể tích cho mai sau, khi về già, sẽ có lương hưu cao hơn, bảo đảm đời sống tốt hơn.
Ông Lê Quân: Mức đóng BHXH bình quân hiện nay chỉ 4,3 triệu đồng/tháng/người, cao hơn một chút so với lương tối thiểu là 3,940 triệu đồng.
Với tư cách là lãnh đạo của cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, xin ông cho biết Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chuẩn bị những gì khi quy định “nền” tiền lương đóng BHXH bắt buộc thay đổi tại các đơn vị, doanh nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định chính thức có hiệu lực?
Ông Trần Đình Liệu: Cơ quan BHXH Việt Nam căn cứ vào thời hạn của Luật BHXH 2014. Vấn đề đã được thực hiện như công tác tuyên truyền. Trong năm 2016, 2017, thời lượng công tác tuyên truyền về pháp luật chính sách đóng – hưởng đã được nâng lên rất nhiều. Chúng tôi tập trung thông tin tuyên truyền đến đơn vị, người lao động dưới nhiều hình thức như phát tờ rơi, tọa đàm, phát thanh, truyền hình, cử cán bộ xuống trực tiếp đơn vị hướng dẫn...Khoảng 13.000 lượt báo chí, thông tin tuyên truyền, các văn bản hướng dẫn làm sao để tổ chức thực hiện Luật BHXH 2014 thành công. Lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, kê khai, đóng BHXH qua Cổng điện tử, đơn giản hóa hồ sơ mẫu biểu để người sử dụng lao động và người lao động kê khai cho đúng quy định. Hy vọng rằng việc tổ chức, thu đóng theo Luật BHXH 2014 sẽ tốt.
Thứ hai, chúng tôi xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các mẫu biểu công bố. Chúng tôi đã tập huấn đến đơn vị sử dụng lao động để thông suốt các quy trình. Cộng đồng doanh nghiệp và Ngân hàng Thế giới, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá việc cải cách thủ tục hành chính là rất tốt, giảm sâu về bất cập trong giao dịch.
Ông Bùi Sỹ Lợi: Điều quan trọng là trong quy định của Luật BHXH, chúng ta phải công khai minh bạch việc đóng BHXH của người lao động, thể hiện trên hai vấn đề. Một là trả sổ cho người lao động giám sát. Hai là công khai, minh bạch mức đóng. Toàn bộ tiền đóng của tất cả 2,3 triệu người hiện nay đang hưởng lương hưu, nếu chi trả lương hưu chỉ được 10 năm, cuộc sống bình quân của những người hưởng lương là 18-19 năm. Như vậy, chúng ta thiếu đến 8, 9 năm không có quỹ, nhà nước phải hỗ trợ. Chúng ta phải công khai minh bạch việc này để cho người lao động biết. Do tỷ trọng cao, nhưng nền đóng thì thấp. Quỹ không bảo đảm hết cuộc đời của người lao động.
Ông Lê Quân: Thực ra, tỷ lệ bình quân cuộc sống của những người đang hưởng lương hưu có thể kéo dài trên 24 năm.
Ông Trần Đình Liệu: Theo tổng kết của ngành BHXH, đến ngày 20/12 đã trả được 68% sổ BHXH cho người lao động, vượt kế hoạch. Kỳ vọng đến hết năm sẽ trả 70% sổ BHXH. Trả sổ BHXH cho người lao động đúng là câu chuyện gian nan, vất vả. Người sử dụng và người lao động đều muốn giữ sổ. Chúng tôi hợp tác với bưu điện để chuyển sổ đến tận tay người lao động. Đây là quyền lợi theo luật. Mong tất cả chủ sử dụng lao động trên cả nước ủng hộ người lao động và cách làm của ngành bảo hiểm, phối hợp với cơ quan BHXH.
Về thẻ BHYT, năm nay là năm tập trung đổi thẻ BHYT theo mã số. Đây là thẻ điện tử. Chúng tôi đạt 86% mục tiêu, cơ sở dữ liệu đã được tập trung và công khai.
Nhiều ý kiến cho rằng, về thay đổi cách tính lương hưu từ 1/1/2018, chưa thực hiện đã thấy vấp. Có sự “khập khiễng” khi chỉ sau một đêm, từ 31/12/2017 đến 1/1/2018, cũng là phụ nữ có cùng số năm công tác là 25 năm, chỉ chênh nhau một ngày đã bị mất 10% lương. Quan điểm của các ông về vấn đề này ra sao?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Về mặt chính sách, bao giờ cũng có một lớp cắt ngang, thể hiện sự chênh lệch rất bất bình đẳng. Tôi lấy ví dụ giống như xác định phụ cấp khu vực, một đường kẻ ngang giữa tôi được 0,7, anh Quân có thể là 0%. Rõ ràng, anh Quân rất thiệt so với tôi. Nhưng nếu chúng ta không có lớp cắt này, có lẽ chúng ta kéo dài mãi chính sách không còn phù hợp.
Khi sửa Luật BHXH 2014, Chính phủ định cho thực hiện như trước đây. Trước 2006, quy định nam và nữ từ 2016 trở lên đều là 2%. Sau 2006, chúng ta mới thấy cần thực hiện chính sách bình đẳng giới trong vấn đề này.
Đến 2014, chúng ta mới thực hiện nguyên tắc xây dựng luật: đóng – hưởng. Sau 15 năm, vì với nam, mức độ chênh lệch còn ngắn nên kéo đến 35 năm phải có lộ trình trong 5 năm. Còn phụ nữ, chúng ta vẫn giữ ở tuổi về hưu, không thay đổi 5 năm. Từ năm 1993, lương cơ sở của khu vực hành chính tăng 10,87 lần. Lương tối thiểu vùng từ 2008 đến nay, vùng 1 tăng 4,5 lần, vùng 24 tăng 4 lần. Việc đó chính là điều chỉnh giảm dần “độ xóc” của giảm lương 1% của phụ nữ.
Nhưng rõ ràng, đến 1/1/2018, phụ nữ có thiệt. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu Chính phủ, Bộ LĐTB&XH, BHXH VN báo cáo. Chỉ có 3.000 người bị tác động bởi 6% đến 10%, dưới 2%-4% giống nam giới, không ảnh hưởng gì. Tổng 3.000 người này không lớn, có cần sửa luật hay không? Quan điểm của chúng tôi là không nên sửa mà điều chỉnh bằng cách đề nghị Bộ LĐTB&XH báo cáo Chính phủ, khi điều chỉnh lương cho người về hưu từ năm 2018 tăng 7%, không nên mang 7% đó tăng cho tất cả người về hưu. Chúng ta ưu tiên cho 3.000 lao động nêu trên để bù đắp thiệt thòi.
Trong chính sách bao giờ cũng có sự công bằng tương đối nhưng về mặt vĩ mô, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp “giảm xóc”.
Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ông Lê Quân: Bộ LĐTB&XH đã có báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Thường vụ Quốc hội. Hiện nay, tiếp thu các ý kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các phương án. Bộ LĐTB&XH cũng đang được Chính phủ giao và đang triển khai xây dựng Đề án đổi mới tổng thể vể BHXH, gắn với tiền lương khối doanh nghiệp. Đi liền với đó cũng liên quan đến sửa Luật Lao động 2019. Bằng các giải pháp đồng bộ, chúng ta sẽ giải quyết tổng thể bài toán đặt ra.
Hiện Chính phủ đã có văn bản đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu cho lao động nữ theo lộ trình. Thông tin mới nhất về việc này hiện nay như thế nào?
Ông Lê Quân: Cách giải quyết lộ trình là cố gắng làm sao để giải quyết bài toán giống như nam giới là công thức tính và hưởng vẫn triển khai áp dụng. Phương án đưa ra là cứ mỗi một năm, đối với phụ nữ, chúng ta lùi 1 năm để đến 2022, chúng ta áp dụng như nam giới. Như vậy, mỗi người khi nghỉ, sẽ giảm bớt 1-2% bị thiệt. Cách thứ nhất là lùi sửa luật. Cách thứ hai là dùng hình thức tăng lương và quỹ của bảo hiểm để hỗ trợ cho nhóm 3.000 lao động nữ bị ảnh hưởng.
Ông Trần Đình Liệu: Nêu theo nguyên tắc đóng - hưởng thì dù theo phương án nào, phụ nữ cũng không cân bằng so với nam giới vì tuổi nghỉ hưu khác nhau. Tiệm cận tuổi nghỉ hưu giữa nam nữ ít đi thì chênh lệch mới không còn.
Ông Lê Quân: Nguồn cũng rất quan trọng. Ở mức độ lương hưu thấp, chúng ta cần quan tâm điều chỉnh tăng tỷ lệ tương đối. Còn đối tượng ở mức lương hưu cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì không nhất thiết phải tăng 7-8% như những người có mỗi 1,3 triệu đồng lương hưu.
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Xin chuyển sang quy định mới cũng có hiệu lực từ 1/1/2018. Đó là hành vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN sẽ bị xử lý hình sự theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Có thể nói trục lợi bảo hiểm, vi phạm các quy định về đóng bảo hiểm của các doanh nghiệm được ghi nhận diễn ra ngày càng phức tạp trong thời gian gần đây. Ông có thể phác hoạ về bức tranh của vấn nạn này cũng như các thủ đoạn?
Ông Trần Đình Liệu: Hiện nay chúng ta có khoảng hơn 600.000 doanh nghiệp, mới có khoảng 250.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Năm 2017, chúng tôi đã kiểm tra gần 100.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 60.000 doanh nghiệp gần như không còn trên địa bàn, địa chỉ sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chỉ có 2 người, 3 người hoặc 5 người. Thực ra, nếu nhìn tổng số doanh nghiệp rất lớn, nhưng số lao động lại rất nhỏ. Tuy nhiên, cơ quan BHXH đã xử lý, vận động, tuyên truyền.
Ông thông tin rõ hơn về các hành vi và mức xử phạt? Việc bổ sung 3 điều luật quy định tội danh riêng đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH vào Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu quả như thế nào trong việc đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT?
Ông Trần Đình Liệu: Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ và đưa 3 Điều 214, 215, 216. Như vậy, việc vi phạm hành vi đóng và hưởng được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự thể hiện tính nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm như chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng…
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Điều 215 quy định tội gian lận bảo hiểm y tế. Điều 216 quy định tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Ông Lê Quân: Chúng ta đã có xử phạt vi phạm hành chính và cũng không hình sự hóa tất cả các hành vi trốn đóng. Tuy nhiên, công cụ của Bộ luật Hình sự đưa vào xử phạt tù là đối với những trường hợp mà trong Luật quy định rõ. Đó là đối với trường hợp gian lận, gian dối, dùng thủ đoạn. Để triển khai, chúng ta đang chờ Nghị quyết hướng dẫn thế nào là gian dối, thế nào là gian lận, dùng thủ đoạn. Như vậy, chúng ta sẽ có căn cứ pháp lý giải thích rõ hơn. Giải pháp hình sự để xử lý những trường hợp để làm gương và đòi hỏi những biện pháp mạnh hơn trong việc tuân thủ pháp luật.
Ông kỳ vọng gì khi mà quy định về xử lý hình sự đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo ông, quy định này sẽ đủ sức hạn chế được tình trạng cố tình trục lợi vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN hiện nay?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Trước tiên, việc xử lý hình sự để bảo đảm công bằng trong kinh doanh của các doanh nghiệp, bình bẳng trước pháp luật. Chúng ta tiến tới nền hành chính thực hiện theo thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật. Các doanh nghiệp cần làm tròn nghĩa vụ của mình. Một doanh nghiệp trốn đóng BHXH chứng tỏ mối quan hệ với người lao động không tốt và không tạo niềm tin để người lao động muố đóng góp, xây dựng, phát triển doanh nghiệp. Dứt khoát 3 điều luật này ra đời thì việc tuân thủ của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn. Phần đóng của doanh nghiệp là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động. Thứ nhất, người lao động cố gắng tuân thủ pháp luật, tạo mối quan hệ hài hòa, tiến bộ. Thứ hai, doanh nghiệp phải tăng cường đối thoại, trách nhiệm này của công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
BHXH có chức năng thanh tra, kiểm tra, công khai minh bạch thông tin cả chủ sở hữu lao động và người lao động đóng, trả sổ BHXH tận tay người lao động. Phải phân tích kỹ thế nào là trốn đóng, trục lợi, hành vi nào xử lý hành chính, hình sự để tránh tạo sức ép đối với doanh nghiệp.
Vi phạm trốn đóng bảo hiểm cho người lao động có thể bị phạt tù đến 7 năm, đây được coi là mức xử phạt khá nghiêm khắc, có những doanh nghiệp cố tình chây ỳ trốn đóng bảo hiểm, nhưng có những doanh nghiệp do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, xin ông cho biết hiện các doanh nghiệp đang có lượng nợ đọng bảo hiểm 6 tháng trở lên trong thời gian qua có bị áp dụng ngay không? Hay có lộ trình cho các doanh nghiệp có thời gian "gỡ nợ?"
Ông Trần Đình Liệu: Trong năm 2017, chúng tôi đã quy định rất rõ trong quy định hướng dẫn của ngành về những trường hợp phải thanh tra đột xuất, có dấu hiệu như 3 tháng nợ đọng mà cơ quan BHXH đã 2 lần làm việc và thông báo. Tùy từng trường hợp cụ thể và mức độ, doanh nghiệp có khó khăn không, vẫn hoạt động bình thường hay cố tình trốn đóng? Doanh nghiệp có quyền khiếu nại. Có những doanh nghiệp chúng tôi ra quyết định thanh tra đóng thì đóng ngay, không kiểm tra thêm và kết luận. Đơn vị thực sự khó khăn thì theo quy định phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chúng tôi sẽ dừng đóng BHXH bắt buộc là 22% quỹ hưu trong 1 năm. Cơ quan quản lý địa phương xác định doanh nghiệp thực sự khó khăn thì nguyên tắc được dừng, quyền lợi vẫn được hưởng, nhưng hết 1 năm phải đóng cả gốc và không phải chịu lãi.
Trên thực tế, dù đã có quy định rõ ràng nhưng khâu triển khai thường khó khăn, phức tạp. Ví dụ như việc khởi kiện trốn đóng bảo hiểm xã hội. Từ 1/1/2016, tổ chức công đoàn được giao khởi kiện doanh nghiệp, cá nhân nợ BHXH. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn bất. Tình trạng nợ, trốn đóng BHXH và khởi kiện gặp khó. Việc xử lý các khoản nợ này dường như vẫn chưa có phương án giải quyết thỏa đáng. Vậy, làm sao để việc xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN thực sự hiệu quả, không đi lại “vết xe đổ”?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo tôi, cần xây dựng Luật Tố tụng lao động để tất cả các mối quan hệ tranh chấp lao động sẽ đưa ra tòa. Trên thế giới đều thực hiện như vậy. Biện pháp hình sự hóa là công cụ cuối cùng. Chúng ta đi đến mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Ông Lê Quân: Giải pháp sắp tới chúng tôi đẩy mạnh là Sở LĐTB&XH các tỉnh sử dụng công nghệ thông tin, phối hợp với nhau, làm việc, trao đổi với doanh nghiệp để khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng. Một mặt tăng cường quản lý Nhà nước và cố gắng động viên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Dùng các biện pháp xử phạt hành chính, hòa giải, sau cùng là giải pháp hình sự.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Yếu tố quan trọng trong vấn đề này là quy trình xử lý hình sự các gian lận về bảo hiểm cần rất sự vào cuộc của nhiều cơ quan. Theo ông cần xây dựng quy trình như thế nào để bảo đảm minh bạch và đem lại hiệu quả thiết thực?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Đất nước chúng ta không thiếu pháp luật, nhưng cái đáng suy nghĩ là tính tuân thủ pháp luật rất thấp. Chất lượng, quy trình làm trình cũng cần tính toán, nhưng tổ chức triển khai thực hiện pháp luật của chúng ta rất có vấn đề. Thứ nhất, không tuyên truyền cụ thể, đến nơi đến chốn, đến từng nhà để người dân hiểu luật, doanh nghiệp hiểu luật. Thứ hai là sự phối kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp trong cơ chế thị trường là cực kỳ khó khăn, phải tiết kiệm từng đồng chi phí để giảm giá thành, hội nhập, tiêu thụ sản phẩm. Chúng ta cần thông cảm với doanh nghiệp và phân tích kỹ đâu là trường hợp lạm dụng, chiếm dụng hay là nợ do khó khăn. Cần xây dựng quy trình hết sức chặt chẽ, hiệu quả nhưng cũng khích lệ cho doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế tăng trưởng và phát triển.
Ông Lê Quân: Điều chúng ta cần là phải giải thích thế nào là “thủ đoạn”, “gian lận”, “gian dối” trong luật. Trong cuộc làm việc gần đây nhất, Chánh án tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo sắp tới Hội đồng thẩm phán sẽ thảo luận, ra Nghị quyết để hướng dẫn, định nghĩa các trường hợp vi phạm. Trách nhiệm của chúng tôi là phối hợp, có một báo cáo để tòa án hướng dẫn để làm sao đúng đối tượng, thực hiện được mục tiêu đặt ra.
Rõ ràng, năm 2018 sẽ là năm có nhiều thay đổi lớn trong lĩnh vực tiền lương, bảo hiểm. Ông có cho rằng, cả hệ thống những ngành, cấp liên quan của chúng ta đã sẵn sàng, chuẩn bị tốt cho những sự thay đổi này?
Ông Lê Quân: Tất cả những quy định chúng ta đã có từ 2014, môi trường kinh doanh đang tốt lên, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng tốt lên. Chúng ta đang kỳ vọng 2018 sẽ có nhiều khởi sắc. Khi các điều kiện thuận lợi thì rõ ràng doanh nghiệp sẽ có điều kiện quan tâm nhiều hơn đến người lao động. Pháp luật tương đối đẩy đủ, rõ ràng nhưng khi triển khai đương nhiên sẽ có vướng mắc cụ thể. Chúng tôi đang thực hiện theo quan điểm Chính phủ kiến tạo, nghĩa là những vướng mắc cụ thể sẽ được sát sao, cùng tháo gỡ. Doanh nghiệp có thể yên tâm là không phải năm 2018 thay đổi luật mà chi phí kinh doanh sẽ tăng. Hệ thống pháp luật đưa vào là để giúp doanh nghiệp tăng cường cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo đảm quyền lợi người lao động.
Cổng TTĐT Chính phủ