Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 18/1, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác lao động – người có công và xã hội năm 2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tạo việc làm bền vững, ổn định thị trường lao động
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, năm 2018, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án về việc làm, phát triển thị trường lao động. Theo dõi, nắm chắc cung - cầu lao động, diễn biến thị trường lao động trong nước; cập nhật tình hình lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm, biến động lao động trong các doanh nghiệp; nắm bắt nhu cầu tuyển dụng và sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động. Bộ LĐTB&XH đã ban hành Chương trình công tác năm 2018 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, 15 nhóm giải pháp chủ yếu và 118 nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện trong toàn ngành.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,1%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 23 - 23,5%.
Ước cả năm 2018, đã tạo việc làm cho khoảng 1,648 triệu người, đạt 103,1% kế hoạch. Trong đó: Tạo việc làm trong nước khoảng 1,506 triệu người, đạt 101,1% kế hoạch; đưa trên 142 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129,9% kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ môi giới được tạo việc làm trên 48%.
Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu lao động năm 2018 đã đạt kỷ lục về số lượng người đi làm việc ở nước ngoài với hơn 142 nghìn người (tăng 7% so với năm 2017), nhiều thị trường mới được mở cửa. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, xuất khẩu lao động vượt mốc 100.000 người/năm và số lượng liên tục tăng qua từng năm. Đặc biệt, trong năm 2018, Nhật Bản lần đầu tiên vượt qua Đài Loan trở thành thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với hơn 67.000 người, tiếp đến là Đài Loan với khoảng 65.000 lao động, Hàn Quốc đứng thứ ba với hơn 6.000 lao động.
Báo cáo của Hiệp hội Xuất khẩu lao động cho thấy, trong năm 2018, có 28 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, trong đó 6 thị trường tiếp nhận với quy mô từ 1.000 lao động trở lên, bao gồm: Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Romania và Arab Saudi. Riêng 2 thị trường Đài Loan và Nhật Bản có số lao động chiếm tới hơn 90% tổng số đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của cả nước.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, bên cạnh những thành tựu vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: việc kết nối cung - cầu trên thị trường lao động lao động tại một số địa phương còn hạn chế; thông tin thị trường lao động còn thiếu và bị chia cắt; hệ thống các chính sách giải quyết việc làm hiệu quả cho các nhóm đối tượng đặc thù chưa được thiết kế đầy đủ. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của thị trường; việc thực hiện tự chủ, đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chậm. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững. Vẫn còn xảy ra tình trạng tiêu cực, gian lận, để hưởng chế độ, trục lợi chính sách.
Giảm nghèo bền vững, chăm lo tốt cho người có công
Song song với nhiệm vụ tạo việc làm, ổn định thị trường lao động, Bộ LĐTB&XH cũng thực hiện nhiều chính sách để đảm bảo an sinh xã hội. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; kiểm tra tình hình lao động, tiền lương tại các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước.
Cùng với đó, triển khai các giải pháp mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đến nay cả nước có 14,724 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đặc biệt, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã được triển khai thực hiện tốt, đời sống người có công được nâng lên; đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2018/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng; chỉ đạo các địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách cho trên 1,33 triệu đối tượng người có công; vận hành thông suốt Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở...
Ước đến cuối năm 2018 có 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 98,5% xã/phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.
Cùng với đó, thu nhập của hộ nghèo được nâng lên, đời sống được cải thiện rõ rệt. Các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đầy đủ, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 2,8 triệu người với kinh phí trên 17 nghìn tỷ đồng.
Xác định cụ thể những nhiệm vụ trọng tâm
Năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao (tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 - 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 - 24,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%).
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, để hoàn thành các mục tiêu trên Bộ LĐ-TB&XH đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm để huy động nguồn lực tích cực thực hiện trong năm 2019.
Cụ thể: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Đặc biệt, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; triển khai thực hiện các chương trình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động, chú trọng công tác hướng nghiệp, dự báo, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cung - cầu nhân lực trong cả nước, khu vực và gắn với thị trường lao động trong nước và ngoài nước. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch lao động, sử dụng hợp lý và hiệu quả lực lượng lao động.
Đặc biệt, chú trọng xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, trước hết là cung cấp các dịch vụ công, thực hiện cung cấp ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4./.
Thu Cúc