Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 chỉ rõ, đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển...
Trong điều kiện các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt, không gian kinh tế truyền thống trở nên chật chội và bó hẹp, nhiều quốc gia bắt đầu quay mặt ra biển, biến biển và hải đảo thành lãnh địa, thành không gian và nguồn lực kinh tế mới, để tìm kiếm, khai phá và đảm bảo các nhu cầu về nguyên, nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm và không gian sinh tồn mới trong tương lai. Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó, khi mà nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, tiềm lực trong đất liền đã và đang bị khai thác, dần cạn kiệt.
Phải khẳng định, hiếm thấy quốc gia nào có nhiều lợi thế về tài nguyên biển như Việt Nam với bờ biển dài 3.260 km.
Trung bình khoảng 100 km 2 đất liền có 1 km bờ biển (cao gấp 6 lần tỷ lệ trung bình của thế giới); chúng ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích khoảng 1.700 km 2 .
Tuyến biển gồm 28 tỉnh, thành phố (gồm 124 huyện, thị xã với 162 xã, phường, trong đó có 12 huyện đảo, 52 xã đảo). Với trên 13 triệu dân (chiếm 36% lao động cả nước) có nhiều kinh nghiệm về truyền thống sinh kế từ biển; gắn bó với biển.
Trên vùng biển rộng hơn 1 triệu km 2 và nằm trong vùng triển vọng có dầu khí, trữ lượng dầu khí ngoài khơi miền Nam Việt Nam chiếm khoảng 25% trữ lượng dầu dưới đáy biển Đông, cho khả năng khai thác từ 30.000-40.000 thùng/ngày.
Tổng trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn; đã đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghiệp dầu khí. Bên cạnh dầu, Việt Nam có nhiều tiềm năng khí đốt với trữ lượng cho khả năng khai thác khoảng 3 nghìn tỷ m 3 /năm.
Ngoài ra, dưới lòng đáy biển và dọc bờ biển có nhiều tài nguyên khoáng sản quý như: thiếc, titan, diricon, thạch anh, nhôm, sắt, măngan, đồng, kẽm và các loại đất hiếm... Vùng ven biển cũng có nhiều loại khoáng sản giá trị và tiềm năng như: than, sắt, titan, cát thủy tinh, các loại vật liệu xây dựng khác…
Hải sản được đánh giá vào loại phong phú của khu vực. Ngoài nguồn lợi là cá biển còn nhiều loại đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá, mực, hải sâm, rong biển…
Đến nay, đã khảo sát phát hiện hơn 2.000 loài cá khác nhau, trong đó trên 100 loài có giá trị kinh tế cao với tổng trữ lượng hải sản khoảng 3-4 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác 1,5-1,8 triệu tấn/năm.
Dọc ven biển có trên 37 vạn ha mặt nước cho khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ. Ngoài ra, còn hơn 50 vạn ha các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ, là môi trường thuận lợi để phát triển nuôi cá và các đặc sản biển.
Với tiềm năng trên, trong tương lai có thể phát triển mạnh ngành nuôi, trồng hải sản ở biển, ven biển cho sản lượng hàng chục vạn tấn/năm.
Biển Việt Nam nằm ở vị trí giao thương huyết mạch quan trọng, con đường giao lưu thương mại quốc tế quan trọng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Dọc bờ biển có trên 100 địa điểm xây dựng được hải cảng, đặc biệt là cảng nước sâu quy mô lớn, khả năng phát triển cảng và vận tải biển là yếu tố trội cơ bản, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Du lịch biển là ưu thế đặc biệt. Dọc bờ biển Việt Nam có nhiều bãi tắm nổi tiếng với chiều dài lên đến 15-18 km.
Một số địa danh du lịch biển của Việt Nam đã được biết đến trên phạm vi toàn cầu như Vịnh Hạ Long, hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, đang nằm trong danh sách đề cử kỳ quan thiên nhiên của thế giới.
Vịnh Nha Trang được coi là một trong những vịnh đẹp nhất hành tinh. Bãi biển Đà Nẵng được Tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.
Dọc các tỉnh, thành phố có biển đều có thể phát triển ngành du lịch với quy mô khác nhau. Tiềm năng du lịch biển của nước ta không thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực.
Theo thống kê đánh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2005 kinh tế biển đóng góp khoảng 48% GDP, năm 2007 là 49%, năm 2010 mặc dù các lĩnh vực kinh tế khác gặp khó khăn thì kinh tế biển vẫn đảm bảo tăng trưởng khá.
Các ngành kinh tế biển đóng góp lớn như: dầu khí 64%; hải sản 14%; vận tải biển và dịch vụ cảng biển 11%; du lịch biển khoảng 9%.
Các ngành kinh tế liên quan trực tiếp đến khai thác tài nguyên biển như đóng tàu, sửa chữa tàu biển; giao thông biển; khai thác và chế biến dầu khí; đánh bắt, chế biến thủy sản; thông tin liên lạc, du lịch… bước đầu phát triển mạnh.
Tuy nhiên, so sánh với thế giới, khai thác lợi thế từ biển của nước ta còn nhiều hạn chế, khó khăn và yếu kém. Quy mô kinh tế chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, giá trị tổng sản phẩm hàng năm còn nhỏ bé. Tính trung bình trên 1 km 2 biển, chúng ta mới chỉ đạt bằng 1/20 của Trung Quốc; 1/94 của Nhật Bản; 1/7 của Hàn Quốc và 1/20 kinh tế biển của thế giới.
Nhận thấy giá trị kinh tế rất lớn từ biển, Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển; làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.
Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển... Bên cạnh đó là nhiều chiến lược, sách lược khác để khai thác, phát triển kinh tế biển.
Ngọc Bách