Năm 2003, Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã phê duyệt chủ trương xây dựng 7 khu đô thị mới (KĐTM). Cho đến nay, mới chỉ có 3 KĐTM được triển khai xây dựng và cả 3 đều được giao cho một chủ đầu tư là Tập đoàn Nam Cường (Nacimex). Được xem như những "công trình trọng điểm" và được kỳ vọng sẽ tạo "điểm nhấn" hay một "bộ mặt đô thị mới" của tỉnh Nam Định, đa phần các dự án này hiện vẫn dang dở dù đã được khởi động từ cách đây non một thập kỷ.
Với diện tích gần 68 ha tọa lạc tại cửa ngõ phía Tây thành phố Nam Định, tiếp giáp với quốc lộ 10 (đi Thái Bình, Hải Phòng) và quốc lộ 21 (đi Hà Nội), KĐTM Hòa Vượng được khởi công vào tháng 9/2003 với tổng mức đầu tư 443 tỷ đồng. Đây là dự án được triển khai "nhanh nhất" trong số 3 KĐTM trên với gần 100% diện tích đất đã có chủ và khoảng 50% diện tích xây dựng được phủ kín. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hạng mục quan trọng vẫn chưa hoàn thiện và dự án vẫn chưa được chuyển giao cho tỉnh để quản lý. Các công trình tiện ích của KĐTM này như trường học, chợ, trung tâm thương mại hiện đại, trung tâm đào tạo tài năng trẻ, cơ sở y tế, cơ quan hành chính cấp phường, tổ hợp du lịch, giải trí, văn hóa ẩm thực truyền thống ... vẫn chưa thành hình. Một số phần đất như khu đảo giao thông nối đường 45 32 và đường Đông A kéo dài, lô 24, 29 và 17... vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và do đó chủ đầu tư vẫn chưa có "đất sạch" để triển khai thi công. Hiện nay, Tập đoàn Nam Cường đang hạ quyết tâm hoàn thành công tác ngầm hóa hệ thống điện, nước, cáp thông tin, truyền hình ; vườn hoa, công viên cây xanh tại KĐTM này trước ngày 31/12/2010. Khách sạn Nam Cường - hạng mục quan trọng bậc nhất của KĐTM Hòa Vượng, công trình cao tầng nhất và cũng là khách sạn lớn nhất của Nam Định đang được triển khai ở thời điểm hiện tại - đã được người dân sốt ruột mong ngóng từ rất lâu. Tuy vậy, sau khoảng 5 năm xây dựng với 2 lần khởi công và mới đây nhất là điều chỉnh thành khách sạn 5 sao với 20 tầng, công trình này hiện đang được đổ sàn tầng 4. Theo ông Trần Văn Bình, phụ trách văn phòng Nam Cường tại Nam Định, sau khi làm xong phần móng và tầng 1, chủ đầu tư đã ngừng thi công vì "nếu có làm xong khách sạn mà không có đường vào thì không thể khai thác được". Sau khi tỉnh đã cho triển khai thi công đường Đông A nối dài (phần từ đường Đông A nối với đường Trường Chinh - PV), Nam Cường đã cho công nhân tiếp tục xây dựng cách đây khoảng 3 tháng, phấn đấu làm xong phần xây thô vào cuối năm 2011, hoàn thiện và đưa khách sạn vào sử dụng vào cuối năm 2012.
Cũng được triển khai từ năm 2003 tại cửa ngõ phía Bắc thành phố Nam Định, KĐTM Thống Nhất (diện tích gần 45 ha và tổng mức đầu tư xấp xỉ 500 tỷ đồng) hiện nay vẫn chưa hoàn thành các hạng mục kỹ thuật cơ bản như đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước... dù theo dự kiến đáng lẽ ra đã phải hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2008. Do nhiều vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là sự chống đối quyết liệt, ngăn cản và phá phách của một số đối tượng bị thu hồi đất, dự án chỉ mới được tái khởi động từ tháng 8 vừa qua sau khi tỉnh có phương án triển khai lực lượng an ninh bảo vệ thi công. Hiện nay, chủ đầu tư đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến giữa năm 2011 hoàn thành phần xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại KĐTM Mỹ Trung (diện tích gần 153 ha và tổng mức đầu tư khoảng hơn 1.000 tỷ đồng) dù đã được triển khai từ năm 2004 và không gặp phải những vấn đề khó khăn về giải phóng mặt bằng như ở KĐTM Thống Nhất. Hiện nay chủ đầu tư đang cho công nhân xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phấn đấu hoàn thành cơ bản và đưa công trình "lên sàn giao dịch" vào tháng 10/2011.
Theo giải thích của ông Trần Văn Bình, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính làm đình trệ tiến độ của cả 3 dự án nói trên, gây thiệt hại không nhỏ cho chủ đầu tư. Phải đến khi chính quyền quyết tâm "vào cuộc", công tác giải phóng mặt bằng mới phần nào được khai thông. Tuy vậy, cũng cần phải nói là ngoài những nguyên nhân khách quan liên quan đến giải phóng mặt bằng, thời tiết... còn một số nguyên nhân chủ quan về phía chủ đầu tư. Trước hết, cả ba dự án KĐTM trên của tỉnh đều được giao gần như cùng một lúc cho một chủ đầu tư là Nam Cường trong khi công ty này lại quá "bận bịu", căng sức triển khai lực lượng và vốn cho nhiều dự án đầu tư tại các địa phương khác như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội. Trong thời gian vừa qua, Tập đoàn Nam Cường đã phải "ưu tiên" tập trung thi công gấp rút để hoàn thành một số dự án tại Thủ đô như đường trục phát triển phía Bắc quận Hà Đông, đường Lê Văn Lương kéo dài … trước dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
"Là doanh nghiệp sinh ra và lớn lên ở Nam Định, Nam Cường tự thấy có trách nhiệm góp phần xây dựng quê hương. Hiện nay, khi tỉnh đang phấn đấu xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị loại I vào năm 2012, Nam Cường sẽ phải góp sức vào, hoàn thiện các dự án đang triển khai để tạo điều kiện cho Nam Định sánh vai với các địa phương khác trong cả nước", vị lãnh đạo Tập đoàn Nam Cường khẳng định. Hy vọng với sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư, các dự án KĐTM tại Nam Định sẽ "về đích" đúng thời hạn cam kết mới, góp phần làm thay đổi bộ mặt của "thành phố dệt" vào thời điểm được ghi danh vào danh sách các đô thị loại I của đất nước, xứng đáng với vị trí trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hữu Chiến