Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 |
Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra sáng 28/8 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với Bộ GD&ĐT, 63 tỉnh/thành phố và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Năm học 2020-2021 là năm toàn ngành giáo dục tiếp tục triển khai các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về triển khai đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; là năm bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình Quốc hội đề ra.
Đây cũng là năm đầy khó khăn, thách thức khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại hầu hết các địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm 2021, nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề của lũ lụt, thiên tai, ảnh hưởng hưởng nghiêm trọng đến giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch năm học một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương để cùng cả nước phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.
Năm học vừa qua, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp hiệu quả các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh thành phố; sự ủng hộ của tất cả các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể học sinh, sinh viên, toàn ngành giáo dục đã hoàn thành năm học 2020-2021.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, để chuẩn bị hội nghị này, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các hội nghị tổng kết theo từng bậc học: Giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội tổ chức tổng kết 1 năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, từ đó chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ năm học tới. Trên cơ sở đó, đã tổng hợp báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 toàn ngành.
Ngành giáo dục hoàn thành mục tiêu kép
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn báo cáo trước Hội nghị kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2020-2021. Năm học đã qua là năm kết thúc kế hoạch của 5 năm cũ và năm học mới là mở đầu cho kế hoạch 5 năm. Vì vậy, báo cáo tổng kết 1 năm, nhưng cũng là nhìn lại chặng đường 5 năm và kế hoạch cho 5 năm tới với những định hướng cho cả chặng đường dài tiếp theo.
Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch năm học và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Từ kinh nghiệm của năm học trước, Bộ GD&ĐT đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và cơ sở giáo dục đại học triển khai nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh. Các địa phương, các cơ sở giáo dục đã điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học qua Internet và trên truyền hình; điều chỉnh hình thức kiểm tra, đánh giá; bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tích cực tham gia cùng địa phương và cả nước trong các hoạt động phòng chống dịch như: cung cấp địa điểm cách ly tập trung; quyên góp ủng hộ bằng tiền và hiện vật; cử cán bộ, giảng viên, sinh viên tình nguyện vào vùng dịch; phát triển các sản phẩm công nghệ phục vụ ngành y tế.
Năm học qua cũng là năm ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo như chính sách phát triển giáo dục mầm non; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phát triển đội ngũ nhà giáo; khuyến khích phát triển trường tư thục không vì lợi nhuận; tự chủ đại học...
Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, đề án, kế hoạch, trong đó đã phân công và tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong quản lý và phát triển giáo dục - đào tạo.
Công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm thực hiện, trong đó tập trung vào những vấn đề nóng dư luận phản ánh; từng bước chấn chỉnh, duy trì kỷ cương, nề nếp trong các hoạt động giáo dục - đào tạo.
![]() |
Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát quy hoạch, sắp xếp các cơ sở giáo dục gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên.
Kết quả các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2021 rất thành công, thành tích cả 37/37 học sinh tham dự đều đoạt giải trong đó 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen đã thể hiện sự cố gắng vượt bậc của học sinh, giáo viên và các nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh; đồng thời tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông và hướng đi đúng trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi.
Các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh thực hiện tự chủ, đã có nhiều đổi mới trong mô hình quản trị nhà trường, thực hiện quyền chủ động và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật; chủ động mở các ngành đào tạo mới, nhất là các chương trình chất lượng cao; tích cực đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, tiếp cận với chuẩn mực quốc tế; chú trọng công tác bảo đảm chất lượng (160 cơ sở giáo dục đại học và 10 trường cao đẳng sư phạm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc gia hoặc quốc tế).
Bộ GD&ĐT cùng với các địa phương tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ cấp mầm non là 77,8%, tiểu học là 69,4%, THCS là 83,3%, THPT là 99,9%. Tỉ lệ giảng viên đại học đạt chuẩn trình độ thạc sĩ đạt %, trình độ tiến sĩ đạt trên 31%.
Bên cạnh đó, năm học qua, ngành giáo dục cũng chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Năm học 2020-2021, cả nước có 593.808 phòng học (tăng 3.504 phòng so với năm học trước), trong đó phòng học kiên cố chiếm tỉ lệ 70,5%. Tỉ lệ phòng học/lớp ở cấp mầm non là 1,01; cấp tiểu học là 0,98; cấp THCS là 0,89; cấp THPT là 0,93; các trường liên cấp là 0,95.
Bên cạnh tổ chức dạy học trực tuyến, các cơ sở giáo dục và đào tạo đã chủ động, sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường, quản lý người học và cả quá trình giáo dục, đào tạo, từng bước thực hiện chuyển đổi số một cách thực chất và có hiệu quả. 100% các cơ sở GD&ĐT đã kết nối internet tốc độ cao, 100% các trường THPT có tối thiểu 1 phòng máy tính phục vụ giảng dạy môn Tin học, 90% các trường sử dụng phần mềm quản lý.
Ngành giáo dục thích ứng với tình hình mới
Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, ngành giáo dục xác định nhiều phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022.
Theo đó, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD&ĐT. Đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD&ĐT theo hướng tăng phân cấp, phân quyền, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Tập trung xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai các nhiệm vụ, đề án, chương trình theo từng năm và cho cả giai đoạn, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi để thực hiện các chỉ tiêu được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao.
Chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành giáo dục thích ứng với tình hình mới, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với thực tế địa phương. Phối hợp với ngành y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp cho tình huống dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp.
Tiếp tục triển khai Chương trình và sách giáo khoa Giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 trong năm học mới. Tổ chức triển khai hiệu quả Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1373 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu; nâng cao năng lực quản trị nhà trường và phát huy dân chủ cơ sở; làm rõ và thực hiện tốt hơn cơ chế giải trình của cơ sở giáo dục đại học. Hoàn thành Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học và Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm; tập trung phát triển các cơ sở đào tạo giáo viên, các cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao và một số ngành ưu tiên, từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho phát triển bền vững của đất nước.
Triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, hỗ trợ học sinh học trực tuyến tại nhà.
Triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên theo Nghị định số 71 của Chính phủ. Đổi mới mô hình, phương thức đào tạo giáo viên theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp, gắn liền việc đào tạo trong các trường sư phạm với hoạt động thực tiễn tại các trường học. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 của Chính phủ.
Tiếp tục thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục, nhất là trong việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Tăng cường hội nhập quốc tế, tích cực tham gia các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế đối với Giáo dục phổ thông và các bảng xếp hạng đại học có uy tín quốc tế.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo; khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực.
Sớm thực hiện việc tiêm vaccine cho học sinh
Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trên, Bộ GD&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành y tế có giải pháp để sớm thực hiện việc tiêm vaccine cho học sinh, trước mắt là học sinh trung học phổ thông.
Chính phủ xem xét, bố trí kinh phí để ngành giáo dục thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái hoạt động thích ứng với dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học; trước mắt tập trung xây dựng hệ thống bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử, kho học liệu số dùng chung cho học sinh phổ thông cả nước; tập huấn giáo viên về kĩ năng dạy và quản lý lớp học trực tuyến; đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học.
Chính phủ xem xét các phương án miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trong năm học 2021-2022.
Chính phủ quan tâm, xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên đảm bảo các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên; không áp dụng quy định giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp, 10% chi trực tiếp từ ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, tổ chức thực hiện việc đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho các cơ sở đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116 của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương khi phân bổ ngân sách giai đoạn 2021-2025 cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm theo Luật Giáo dục 2019; chỉ đạo các địa phương bố trí ngân sách phát triển giáo dục tại địa phương, đảm bảo tỉ lệ chi chuyên môn tối thiểu 18% trong tổng chi thường xuyên theo Quyết định 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nhật Nam