Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
TS. KTS Trần Thị Lan Anh cho rằng, quy hoạch đô thị là công cụ quan trọng và nền tảng để tối đa hóa tiềm năng cho việc xây dựng phát triển đô thị hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên, xác định các khu vực phát triển và bảo tồn, tăng cường an ninh, an toàn trong các thành phố/đô thị.
"Quy hoạch không hợp lý và không được thực thi có thể cản trở sự phát triển chung của đô thị. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch chưa thực sự phát huy hiệu quả của một công cụ định hướng và đầu tư phát triển đô thị", bà Trần Thị Lan Anh nêu quan điểm.
Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, ngoài việc quy hoạch chưa phủ kín so với tổng diện tích đất xây dựng đô thị thì phương pháp thực hiện quy hoạch còn hạn chế trên cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, công tác dự báo thiếu chính xác, thiếu khoa học dẫn đến quy hoạch không theo kịp và đáp ứng nhu cầu thị trường và thực tế.
Dẫn ra số liệu cụ thể, đại diện Cục Phát triển đô thị cho biết, tính đến tháng 12/2021, tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu tại các đô thị loại I, loại đặc biệt đạt khoảng 78%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị.
Ngoài ra, quy hoạch thiếu kết nối với nguồn lực thực hiện nên đã hạn chế hiệu quả định hướng đầu tư… Điều chỉnh quy hoạch còn xảy ra nhiều nơi với quy mô và mức độ khác nhau ở các loại đồ án quy hoạch khác nhau.
"Việc điều chỉnh thường có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và giảm diện tích đất công cộng, đất cây xanh dẫn đến tạo áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị", bà Trần Thị Lan Anh nêu rõ những bất cập trong điều chỉnh quy hoạch đô thị.
Từ những bất cập trong công tác quy hoạch đô thị, theo đại diện Cục Phát triển đô thị, thời gian tới, phương pháp quy hoạch đô thị cần phải có sự đổi mới nhất định theo hướng gắn kết chặt chẽ quy hoạch đô thị với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành quốc gia.
Theo đó, phương pháp quy hoạch tổng hợp, tích hợp, đảm bảo phát triển không gian hợp lý, kiểm soát chặt chẽ phát triển đất đai, dân số, lao động, gắn kết với nhu cầu thực tế của thị trường, với xu thế đô thị hóa của vùng, địa phương, với nhu cầu đầu tư thị trường, nhu cầu về không gian ở và giao thông, gắn kết với kế hoạch đầu tư, đầu tư công trung hạn và hàng năm, bảo đảm nguồn lực thực hiện.
Đồng thời, lồng ghép yêu cầu nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống rủi ro hướng đến tăng trưởng xanh, thông minh, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia vào quá trình lập quy hoạch cũng như triển khai thực hiện.
Bà Trần Thị Lan Anh nhấn mạnh, trước mắt công tác quy hoạch cần cải thiện chất lượng trên cơ sở căn cứ dữ liệu đầu (thực trạng, nhu cầu) và dự báo khoa học, chính xác; áp dụng công nghệ tiên tiến (như áp dụng GIS- hệ thống thông tin địa lý) vào phân tích, nhận diện vấn đề và ra quyết định hỗ trợ cho lập quy hoạch; bổ sung hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đơn giá về quy hoạch và đầu tư xây dựng đô thị.
Toàn Thắng