 |
Xúc quặng apatít. |
Khi pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý
Đến nay về cơ bản hệ thống các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước (gọi chung là doanh nghiệp Nhà nước) đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành kịp thời và sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn và có tính hiệu lực cao, đã quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể, chế tài xử lý… Qua đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở luật định, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành chức năng và các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn triển khai nghiêm túc các văn bản pháp luật về quản lý vốn và tài sản Nhà nước theo quy định hiện hành. Cho đến nay, công tác quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn đã có nhiều bước tiến mới: đối với các doanh nghiệp đã chuyển đổi thành công ty cổ phần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ đã được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước. Đối với doanh nghiệp chưa chuyển đổi hoặc đã chuyển đổi thành công ty TNHH nhà nước một thành viên thì UBND tỉnh là đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tính đến hết năm 2008, tổng vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp trên địa bàn hơn 228 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước chiếm trên 219 tỷ đồng (đạt 96%). Qua kiểm tra, giám sát cho thấy các doanh nghiệp quản lý vốn, tài sản Nhà nước trên địa bàn tỉnh cơ bản đều bảo toàn và phát triển được vốn, có khả năng thanh toán nợ đến hạn. Vốn, tài sản được giao cho các doanh nghiệp đều được sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, một số doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm dự án, liên doanh, liên kết để đầu tư như Công ty Khoáng sản Lào Cai, Công ty Du lịch, Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam …
Vẫn còn nhiều bất cập
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu giữa Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước và UBND tỉnh chưa được phân định rõ ràng. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, UBND cấp tỉnh chỉ còn chức năng quản lý doanh nghiệp trên địa bàn theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Do vậy, sẽ phát sinh nhiều khó khăn cho địa phương trong điều hành doanh nghiệp đối với các hoạt động công ích.
Hơn nữa, việc chủ động trong sản xuất kinh doanh của các công ty con đóng trên địa bàn bị hạn chế do không được chủ động trong điều hành. Mối quan hệ giữa một vài công ty con đối với các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương chưa thực sự sâu sắc…
Để quản lý hiệu quả nguồn vốn, tài sản Nhà nước
Khảo sát thực tế tại tỉnh miền núi, biên giới Lào Cai, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước thường có quy mô rất nhỏ. Theo quy định hiện hành, khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước là đại diện chủ sở hữu thì việc kiểm tra, giám sát hoặc tham gia các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp, việc quyết định các phương án đầu tư kinh doanh sẽ không kịp thời, không chặt chẽ, dẫn đến hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Do đó, cần phân cấp đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ (vốn điều lệ dưới 30 tỷ đồng) và những doanh nghiệp hoạt động công ích nên giao cho UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu để thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành tại địa phương.
Đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cần có cơ chế phân cấp quản lý sâu cho các công ty con tại địa phương để các công ty con chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh. Mặt khác, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn Nhà nước, không ngừng nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả sử dụng vốn để bảo toàn và phát triển vốn sở hữu, có chiến lược kinh doanh phù hợp, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận ngày càng cao.