Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham dự tọa đàm có ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL và bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp).
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phan Hồng Nguyên cho biết với vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu thực hiện Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027" của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 407/QĐ-TTg), Bộ Tư pháp đã tham mưu Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Đề án, đồng thời tham mưu tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 407/QĐ-TTg.
Hiện Bộ Tư pháp đang phối hợp cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng tài liệu tập huấn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách pháp luật; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức một số tọa đàm; chuẩn bị tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ pháp chế, báo cáo viên pháp luật Trung ương về một số kỹ năng truyền thông chính sách…
Về tình hình triển khai thực hiện Đề án, tính đến 30/11/2022, có 9 bộ, ngành và 55 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch, công văn hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách theo yêu cầu của Quyết định số 407/QĐ-TTg. Hình thức truyền thông chưa phong phú, chủ yếu là tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến nên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Việc truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật của các cơ quan báo chí vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, chủ động; sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với một số cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực sự chặt chẽ.
Kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho công tác truyền thông nói chung, truyền thông về dự thảo chính sách nói riêng còn eo hẹp, chưa có kinh phí riêng cho công tác này nên các cơ quan, đơn vị, địa phương phải cân đối, bố trí từ kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo ông Phan Hồng Nguyên, trên cơ sở Đề án của Thủ tướng Chính phủ và chương trình, kế hoạch xây dựng dự án, dự thảo VBQPPL hằng năm của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách, trong đó xác định các chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL, đáp ứng các tiêu chí được xác định tại Quyết định số 407/QĐ-TTg.
Trông đó, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách.
Cụ thể, đối với Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), có phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động rộng, liên quan mật thiết đến người dân, doanh nghiệp và hoạt động của nền kinh tế nên cần sử dụng các hình thức truyền thông thân thiện, phù hợp với người dân, vùng miền để thu hút đông đảo người dân tham gia góp ý như: Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (VTV, VOV, Báo Pháp luật VN), infographic, đối thoại chính sách, mạng xã hội…
Trao đổi về Luật Đấu giá tài sản, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết sau 5 năm thi hành, công tác đấu giá tài sản đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Về thể chế, lần đầu tiên có một đạo luật thống nhất tất cả các trình tự đấu giá, tạo cơ chế thống nhất xử lý tài sản, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là với người có tài sản. Việc đấu giá công khai, minh bạch đã góp phần tối đa hóa lợi nhuận cho người có tài sản đấu giá, đặc biệt là đấu giá tài sản công cho ngân sách Nhà nước.
Đến nay, đã xây dựng được đội ngũ gần 1.500 đấu giá viên chuyên nghiệp, 640 tổ chức đấu giá tài sản. Đặc biệt, công tác đấu giá tài sản được đưa lên tầm cao mới, nhiều tài sản được đưa ra đấu giá hơn, tình trạng xử lý tài sản không thông qua đấu giá gần như không còn nữa.
Bên cạnh kết quả đạt được, bà Mai cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong quy định pháp luật về đấu giá như: Quy định về miễn giảm người đang hành nghề bổ trợ tư pháp hành nghề đấu giá viên, cần rà soát quy đinh thành lập tổ chức đấu giá tài sản để nâng cao tính chuyên nghiệp, chưa có quy định về trách nhiệm của người có tài sản trong quá trình trước, trong và sau đấu giá…
Vì vậy, bà Mai cho rằng công tác truyền thông dự thảo chính sách từ sớm đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ giúp cơ quan chủ trì soạn thảo nhận ra đầy đủ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời cũng là cơ hội để được lắng nghe thêm ý kiến của các đối tượng chịu tác động.
Chia sẻ rõ hơn về nội dung này, lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp cho biết trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, đề xuất sửa đổi Luật Đấu giá sẽ tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách lớn, xuyên suốt toàn bộ nội dung của Luật.
Theo đó, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên để phát triển hợp lý số lượng và nâng cao một bước chất lượng đội ngũ đấu giá viên; hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo đầy đủ, cụ thể hơn quyền, trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản trong hoạt động hành nghề, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp của các tổ chức đấu giá tài sản, hiệu quả hoạt động đấu giá tài sản.
Hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, thống nhất; tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu giá, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản.
Hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước về đấu giá tài sản nhất là hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Nhận định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, do Luật có phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động rộng, liên quan mật thiết đến người dân, doanh nghiệp và hoạt động của nền kinh tế, ông Phan Hồng Nguyên cho rằng cần sử dụng các hình thức truyền thông thân thiện, phù hợp với người dân, vùng miền để thu hút đông đảo người dân tham gia góp ý như truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, infographic, đối thoại chính sách, mạng xã hội…
Cùng với đó, trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội của các cơ quan tổ chức, người dân, doanh nghiệp về dự thảo chính ách để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện dự thảo VBQPPL.
LS