Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Công Thương cho biết, Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học (Công ước Cấm vũ khí hóa học) được mở ký ngày 13/01/1993 tại Paris và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 29/4/1997.
Nội dung chính của Công ước Cấm vũ khí hóa học bao gồm các quy định như: Cấm các nước phát triển, sản xuất hoặc yêu cầu sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học; không được chuyển đổi trực tiếp hay gián tiếp vũ khí hóa học sang nước khác; không tham gia vào các chiến dịch quân sự có sử dụng chất độc hoá học; không tài trợ, khuyến khích hay xúi giục nước khác tham gia vào các hoạt động bị cấm theo Công ước Cấm vũ khí hóa học...
Nghị định số 38/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 06/5/2014 đến nay đã được gần 10 năm và đạt được một số kết quả nhất định trong công tác quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học.
Việc thực hiện các quy định của Nghị định số 38/2014/NĐ-CP là cơ sở pháp lý giúp Việt Nam quản lý được các hóa chất Bảng thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học. Thông qua số liệu nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng, các báo cáo của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất Bảng, các cơ sở sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF, Việt Nam đã thực hiện tốt công tác khai báo quốc gia hàng năm với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Nghị định số 38/2014/NĐ-CP còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được chỉnh lý để hoàn thiện trong thời gian tới, cụ thể:
Các quy định về điều kiện sản xuất cơ sở hóa chất Bảng đã được sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên các điều kiện đầu tư đặc thù cho các cơ sở sản xuất hóa chất Bảng được quy định tại Phụ lục kiểm chứng của Công ước Cấm vũ khí hóa học chưa quy định cụ thể và chưa thống nhất với Luật Hóa chất và các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật.
Hóa chất Bảng mang tính lưỡng dụng, không thể thiếu trong ngành công nghiệp hóa chất và được phân loại thành hóa chất Bảng 1 (hầu như không có ứng dụng trong hoạt động công nghiệp), hóa chất Bảng 2 (không có ứng dụng lớn trong ngành công nghiệp, chỉ được sử dụng trong các hoạt động nghiên cứu), hóa chất Bảng 3 (là hóa chất được sử dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất công nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng) theo mức độ độc tính giảm dần.
Tính lưỡng dụng của các loại hóa chất Bảng đang đặt ra những khó khăn nhất định trong công tác quản lý sao cho vừa phát triển kinh tế, xã hội, vừa quản lý theo đúng mục đích của Công ước Cấm vũ khí hóa học. Do đó, các quy định về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học cần hoàn thiện để phù hợp với các quy định của Luật Hóa chất và phù hợp với Công ước.
Bên cạnh đó, Nghị định số 38/2014/NĐ-CP quy định quản lý hoạt động kinh doanh hóa chất Bảng thông qua chế độ báo cáo chưa thực sự mang lại hiệu quả. Thực tế, hoạt động kinh doanh hóa chất Bảng, chủ yếu là hóa chất Bảng 3 hiện đang diễn ra tràn lan, thiếu kiểm soát, dẫn đến các hệ lụy về an ninh, an toàn hóa chất...
Với các lý do nêu trên, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 38/2014/NĐ-CP là cần thiết nhằm khắc phục một số hạn chế, tồn tại cả về mặt pháp lý và thực tiễn, giúp công tác quản lý nhà nước về các hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học ngày càng hiệu quả, giúp Việt Nam tuân thủ và thực thi trách nhiệm của mình trong thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học.
Nâng cao hiệu quả quản lý các hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học; tăng cường cơ chế phối hợp trong việc thực thi Công ước Cấm vũ khí hóa học giữa các bộ, ngành.
Dự thảo Nghị định gồm 6 Chương, 43 Điều. Trong đó, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về sản xuất hóa chất Bảng, cụ thể: Quy định về an toàn trong sản xuất hóa chất Bảng theo hướng các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng phải đáp ứng các yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh theo Luật Hóa chất và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Hóa chất như xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; phân loại, ghi nhãn và phiếu an toàn hóa chất; phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc;
Quy định về điều kiện sản xuất hóa chất Bảng, gồm các điều kiện bảo đảm tương ứng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất tại Luật Hóa chất và điều kiện đặc thù về quy mô, mục đích sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng theo quy định của Công ước Cấm vũ khí hóa học, Luật Hóa chất và tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định về sản xuất hóa chất Bảng, các thủ tục hành chính về cấp phép sản xuất hóa chất Bảng cho phù hợp với điều kiện đầu tư kinh doanh.
Quy định bổ sung các điều kiện đặc thù cho hóa chất Bảng được quy định căn cứ trên các yêu cầu khai báo đối với từng cơ sở hóa chất theo các phần VI, VII, VIII của Phụ lục kiểm chứng của Công ước Cấm vũ khí hóa học. Nhóm điều kiện này mang tính chất đặc thù nhằm thể hiện rõ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng theo đúng các mục đích không bị Công ước cấm với công suất và danh mục hóa chất được phép.
Nghiên cứu bổ sung các quy định về đánh giá điều kiện thực tế cơ sở sản xuất hóa chất Bảng. Sau khi được cấp giấy phép, tổ chức, cá nhân phải duy trì điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng và là đối tượng chịu sự kiểm tra đánh giá duy trì điều kiện được thực hiện định kỳ 36 tháng một lần.
Bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh hóa chất Bảng tương ứng với các điều kiện kinh doanh hóa chất nguy hiểm theo quy định của Luật Hóa chất, đảm bảo tuân thủ Công ước Cấm vũ khí hóa học và tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định về sản xuất hóa chất Bảng, các thủ tục hành chính về cấp phép sản xuất hóa chất Bảng cho phù hợp với điều kiện đầu tư kinh doanh.
Bổ sung trình tự, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh hóa chất Bảng; cơ quan cấp phép hóa chất Bảng; bổ sung quy định miễn trừ giấy phép kinh doanh. Ngưỡng hàm lượng miễn trừ được đề xuất là 1% (ngưỡng thấp nhất phải khai báo theo Công ước).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
M.Hiển