Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, liên kết theo chuỗi là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta.
Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng nông sản và chuyển sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thừa nhận, thực trạng liên kết còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương thì chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững.
Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, vấn đề đặt ra là phải nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới, từ đó khắc phục được tình trạng được mùa mất giá hay câu chuyên nông dân bội tín với doanh nghiệp hay thương lái bỏ cọc.
Theo Bộ trưởng, nếu không có chuỗi liên kết cũng sẽ khó phát triển ngành logistics cũng như không thể số hóa bởi chỉ khi vào chuỗi, khi hợp tác xã đủ mạnh thì mới bắt đầu tiến hành số hóa. Nếu không tham gia chuỗi thì cũng không biết sẽ đưa khoa học công nghệ vào đầu nào là hợp lý nhất và tạo giá trị lan tỏa nhiều nhất.
Do đó, trong thời tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiên trì cùng với các địa phương để xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn, bền vững hơn.
Cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa
Trước sự quan tâm của đại biểu Quốc hội về đất trồng lúa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, cách đây 10 năm, quy mô đất lúa nước ta khoảng trên 4 triệu hecta. Hiện tại theo số liệu thống kê đất lúa còn 3,93 triệu hecta. Quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai. Tại các địa phương trong quy hoạch cũng đã xác định rõ phân khu dành cho đất lúa.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa; cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi có nhiều hệ lụy ảnh hưởng liên quan sản lượng lúa, vấn đề an ninh lương thực, việc xây dựng chuỗi ngành hàng… Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ kiên trì cùng với các địa phương để phân tích những tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi với nguyên tắc cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn.
Bảo đảm tốt vấn đề an ninh lương thực
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 "biến" lớn: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Trong điều kiện thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ, những xung đột, những chính sách của các nước thay đổi liên tục. Trong hoàn cảnh như vậy, những dự báo tầm dài cần nỗ lực đảm bảo tính chính xác cao hơn, tuy nhiên, những dự báo ngắn hạn có sự thay đổi liên tục.
Về an ninh lương thực, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cũng đã có Công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo, tạo cơ hội, thời cơ cho chúng ta. Bộ trưởng đề nghị, trong tình hình như vậy, cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, nếu chỉ phân tích một khía cạnh thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực, đồng thời cũng không gây sốc cho thị trường nội địa, hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước. Hiện Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quán triệt để thực hiện tốt Công điện này./.
Nguyễn Hoàng