• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nâng cấp cáp treo Yên Tử: Cần tính toán kỹ

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tính toán kỹ phương án nâng công suất hệ thống cáp treo Yên Tử, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích lịch sử và danh thắng có vị trí đặc biệt về văn hóa, phật giáo của Việt Nam.

03/09/2016 09:04
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tính toán kỹ phương án nâng công suất hệ thống cáp treo Yên Tử. Ảnh: VGP/Đình Nam
Trước một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án nâng công suất hệ thống cáp treo Yên Tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có cuộc làm việc với đại diện các bộ ngành Trung ương, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư dự án, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy cho biết cơ sở đề xuất dự án trên là sự quá tải của hệ thống cáp treo Yên Tử trong mùa lễ hội. Hiện mỗi năm Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (Khu di tích Yên Tử) đón khoảng 3 triệu khách tham quan, những ngày cao điểm lên tới 7-8 vạn khách. Từ đó dẫn đến tình trạng ùn tắc ở cả tuyến cáp treo lẫn tuyến đường hành hương nhiều tiếng đồng hồ gây bức xúc cho du khách, phật tử, ảnh hưởng đến cảnh quan, vệ sinh môi trường, chất lượng phục vụ.

Cụ thể, theo thiết kế được chủ đầu tư trình bày, tuyến cáp treo số 1 mới (1b) được xây dựng song song bên ngoài tuyến cáp treo số 1 hiện tại (1a) từ suối Giải Oan đến chùa Hoa Yên với khoảng cách 25 m. Tuyến cáp treo số 2 mới (2b) được xây dựng song song bên ngoài tuyến cáp treo số 2 hiện tại (2a) từ chùa Một Mái đến khu vực tượng An Kỳ Sinh với khoảng cách 35 m.

So với 2 tuyến cáp treo cũ, 2 tuyến cáp treo mới tiếp tục cách xa hơn các tuyến đường hành hương cũng như trục tâm linh gồm hệ thống các các chùa, am, tháp của khu di tích. Tổng chiều dài hai tuyến cáp treo mới là hơn 2.200 m với 13 cột trụ, tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng. Dự kiến sau khi đi vào vận hành công suất phục vụ của hệ thống cáp treo Yên Tử sẽ tăng từ 2.200 người/giờ lên khoảng 3.300 người/giờ.

GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết ông và các thành viên thường trực trong hội đồng cùng một số chuyên gia đã trực tiếp khảo sát vị trí dự kiến thi công 2 tuyến cáp treo mới.

“Chúng tôi đã thảo luận ngay tại hiện trường và các ý kiến cho rằng nếu triển khai, hai tuyến cáp treo mới sẽ tiếp tục cách xa hơn khu vực di sản. Mặc dù không phải ngày nào Yên Tử cũng quá tải nhưng những ngày cao điểm du khách thậm chí phải chờ đợi 4-5 tiếng đồng hồ, rất mệt mỏi. Nếu nâng được công suất hệ thống cáp treo thì không chỉ giảm ùn tắc mà những người già, người sức khỏe yếu, người tàn tật, các cháu nhỏ... cũng có cơ hội được tham quan Yên tử thuận lợi hơn”, GS.TS Lưu Trần Tiêu bày tỏ.

Tuyến cáp treo Yên Tử đang vận hành. Ảnh minh họa

Một trong những vấn đề được đại diện các bộ, ngành quan tâm là ảnh hưởng môi trường của dự án khi 2 tuyến cáp treo mới nằm trong khu vực 1 Vùng bảo vệ di tích của Khu di tích Yên Tử chiếm tổng diện tích rừng 1,05 ha.

 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng lưu ý việc xây dựng 2 tuyến cáp treo mới sẽ tạo thêm áp lực môi trường ở khu di tích. Do vậy chủ đầu tư cần phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và giải pháp xử lý rất cụ thể.

“Chúng tôi sẽ theo sát khâu lập ĐTM của dự án để bảo đảm dự án hạn chế tối đa ảnh hưởng, tác động đến thiên nhiên, một trong những điểm làm nên hấp dẫn của Yên Tử”, ông Đồng cho biết.

Tại buổi làm việc đã có nhiều ý kiến đóng góp cụ thể cũng như giải trình, tiếp thu của chủ đầu tư liên quan đến kiến trúc, kết cấu, vị trí đặt các nhà ga mới để đảm bảo tương thích, hài hòa với cảnh qua, các điểm di tích nổi bật của Yên Tử như Chùa Đồng, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, tượng An Kỳ Sinh...

Ủng hộ quan điểm cần nâng công suất hệ thống cáp treo Yên tử song Thượng tọa Thích Thanh Quyết, trụ trì chùa Yên Tử cho rằng cơ sở hạ tầng của khu di tích cần phải được cải tạo để bảo dảm an toàn, trật tự, vệ sinh môi trường cho du khách, phật tử thăm viếng, chiêm bái, nhất là tại những điểm di tích như Chùa Đồng, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông...

Nhắc đến yêu cầu tôn nghiêm, yếu tố tâm linh của khu di tích, Thượng tọa Thích Thanh Quyết đề nghị ga cuối của tuyến cáp treo mới phải đặt xa chùa Đồng (trên đỉnh Yên Tử), mái nhà ga không được cao hơn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông nằm trên tuyến bộ hành đường đá tự nhiên lên chùa Đồng.

Tiếp ý kiến của Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cho rằng việc xây mới hai tuyến cáp treo không được phá vỡ cảnh quan thiên nhiên mà còn phải bảo đảm gìn giữ môi trường văn hóa, môi trường tâm linh.

Bà Vũ Thị Thu Thủy khẳng định các ý kiến của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, đại diện các bộ, ngành... sẽ được tiếp thu, bổ sung đầy đủ vào dự án. UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn và doanh nghiệp lựa chọn phương án tối ưu tiếp tục đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống cáp treo để phật tử, người dân, du khách được phục vụ tốt hơn khi hành hương về “cõi thiêng Yên Tử”.

Lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng buổi làm việc rất quan trọng để đại diện các bộ ngành, tỉnh Quảng Ninh, Giáo hội Phật giáo, chủ đầu tư đối thoại, đi đến thống nhất về chủ trương triển khai dự án nâng công suất hệ thống cáp treo Yên Tử.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Yên Tử có vị trí đặc biệt về văn hóa, là trung tâm phật giáo lớn của Việt Nam. Vì vậy, việc phát triển các dịch vụ phục vụ du khách, phật tử cần phải cân đối hài hòa giữa bảo tồn và phát huy các giá trị khu di tích.

“Nói đến Yên Tử là nói đến Phật giáo và du lịch ở đây là du lịch tâm linh nhưng mục đích chính không phải là kinh tế mà quan trọng nhất là bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc. Yên Tử thu hút càng nhiều khách du lịch càng tốt để những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, của Phật giáo Việt Nam được lan tỏa”.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư sớm tiếp thu các ý kiến góp ý, bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ dự án gửi lên Bộ VHTT&DL trước khi trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định. Trong đó cần tính toán thật kỹ hướng tuyến, địa điểm đặt trụ, nhà ga, kiến trúc hài hòa với không gian cảnh quan, phương án bảo đảm vệ sinh môi trường toàn bộ khu di tích...

Về lâu dài, Ban quản lý khu di tích Yên Tử, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Trụ trì Chùa Yên Tử... cần phối hợp chặt chẽ, có giải pháp cụ thể để hoạt động thăm viếng, chiêm bái các điểm di tích ở Yên Tử của du khách, phật tử trật tự, an toàn, gìn giữ môi trường vệ sinh, sạch sẽ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp...

Đình Nam