Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng các đợt nắng nóng sẽ trở nên tồi tệ hơn khi tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra ngày càng gia tăng.
Tại Việt Nam, nhiệt độ có lúc đã lên tới 44,1 độ C vào thứ Bảy vừa qua ở một số tỉnh thành phía Bắc.
Trong khi đó tại Lào, thành phố Luang Prabang đạt 43,5 độ C vào thứ Bảy, phá vỡ kỷ lục quốc gia 42,7 độ C mới chỉ được thiết lập vào tháng trước.
Thủ đô Viêng Chăn của Lào cũng phá kỷ lục mọi thời đại vào cuối tuần vừa rồi với nhiệt độ 42,5 độ C.
Campuchia cũng đã lập kỷ lục quốc gia mới vào tháng 5, với nhiệt độ 41,6 độ C tại Kratie và Ponhea Kraek.
Chính quyền TP Quezon trong vùng thủ đô Manila - Philippines đã rút ngắn giờ học sau khi nhiệt độ chạm "vùng nguy hiểm", với sự kết hợp chết người giữa nhiệt độ và độ ẩm cao, trong đó nhiệt độ nằm trong khoảng 42 - 51 độ C.
Trong khi đó ở Thái Lan, thứ Bảy vừa rồi đã chứng kiến nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở thủ đô Bangkok, lên tới 41 độ C.
Bangkok chỉ là một trong những khu vực của Thái Lan phải hứng chịu nhiệt độ từ trên 30 độ C đến dưới 40 độ C kể từ cuối tháng 3 đến nay. Vào giữa tháng 4, thành phố Tak phía tây bắc nước này đã trở thành nơi đầu tiên trong cả nước có nhiệt độ 45 độ C, theo dữ liệu từ Cục Khí tượng Thái Lan.
Tháng trước, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha bày tỏ lo ngại về "nhiệt độ cao nguy hiểm ở nhiều vùng khác nhau" trên cả nước.
Tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất trong năm tại các khu vực Nam và Đông Nam Á, khi nhiệt độ tăng lên trước khi những mưa bão kéo đến.
Nhiệt độ trên toàn khu vực dự kiến sẽ trở lại gần mức trung bình hơn trong những ngày tới, nhưng các hiện tượng nắng nóng kỷ lục đang trở nên phổ biến hơn khi khủng hoảng khí hậu gia tăng.
Một nghiên cứu năm 2022 đã xác định rằng các đợt nắng nóng nguy hiểm, ở nhiệt độ từ 39,4 độ C trở lên, sẽ xảy ra thường xuyên hơn từ 3 đến 10 lần vào đầu thế kỷ này.
Ở vùng nhiệt đới, bao gồm phần lớn châu Á, nghiên cứu cho thấy những ngày có "nhiệt độ cực kỳ nguy hiểm", được định nghĩa là 51 độ C, có thể tăng gấp đôi.
"Theo định nghĩa, chúng tôi không biết điều gì có thể xảy ra nếu một lượng lớn dân số phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nhiệt độ và độ ẩm chưa từng có", tác giả chính của nghiên cứu Lucas Vargas Zeppetello từ Đại học Harvard cho biết. "Nhưng những đợt nắng nóng trong vài thập kỷ qua đã xảy ra cực kỳ nguy hiểm và có lý do nghiêm trọng để lo ngại trong tương lai".
Trên toàn thế giới, 8 năm qua cũng là 8 năm nóng nhất từng được ghi nhận. Và tháng 4 vừa qua, theo TS Wang Jingyu, nghiên cứu về khí hậu tại Viện Giáo dục quốc gia Singapore, là "tháng 4 nóng nhất ở châu Á".
Tình hình thời tiết cực đoan này tiếp tục thử thách các chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, duy trì sản xuất và bảo đảm nhu cầu tiêu thụ điện… trong bối cảnh vẫn đang chật vật hồi phục kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
Một trong những yếu tố góp phần gây ra đợt nắng nóng hiện nay, theo giới khoa học, là hiện tượng El Nino. Sau gần 3 năm "nhường sân" cho hiện tượng đối nghịch La Nina, El Nino được Tổ chức Khí tượng Thế giới dự báo sẽ quay lại vào tháng 10 năm nay, thậm chí sớm hơn - vào tháng 7.