Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kể từ năm 2018, thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam chính thức được liên thông giao dịch với các Sở Giao dịch trên thế giới theo Nghị định số 51/2018/NĐ-CP. Từ đó đến nay, hoạt động giao dịch tại MXV liên tục ghi nhận những bước tăng trưởng đột phá.
Theo số liệu từ MXV, khối lượng giao dịch hàng hóa tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2023 không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị giao dịch trung bình đạt 4.000 tỷ đồng/ngày, trong đó ngày giao dịch nhiều nhất đạt 9.600 tỷ đồng.
Trong số 42 mặt hàng đang niêm yết giao dịch tại MXV, nhóm năng lượng vẫn thu hút nhiều dòng tiền đầu tư nhất trong thời gian qua. Cụ thể, riêng hai mặt hàng dầu thô WTI và dầu thô WTI micro liên thông với Sở NYMEX đã chiếm khoảng 25% tổng khối lượng giao dịch tại MXV.
Tính đến hết tháng 08/2023, toàn thị trường đang có hơn 30.000 tài khoản giao dịch, với hơn 5.000 tài khoản mở mới trong 8 tháng đầu năm nay. Hoạt động giao dịch liên thông với thế giới diễn ra thông suốt 24 giờ mỗi ngày từ sáng thứ hai đến sáng thứ bảy hàng tuần mà không gặp bất kỳ sự cố gián đoạn nào.
Ông Đặng Việt Hưng, Tổng Giám đốc MXV cho biết: “Với việc tự chủ về hạ tầng công nghệ, nền tảng giao dịch của MXV có thể xử lý khối lượng giao dịch gấp hàng chục lần so với hiện tại”.
Hiện nay, MXV đã kết nối liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch lớn nhất thế giới bao gồm: Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago - CME Group, Sở Giao dịch liên lục địa - ICE, Sở Giao dịch Kim loại London – LME, Sở Giao dịch Hàng hóa Osaka – OSE, Sở Giao dịch Hàng hóa Singapore – SGX, Sở Giao dịch Phái sinh Bursa Malaysia - BMD.
Với tầm nhìn trở thành Sở Giao dịch Hàng hóa lớn nhất trong khu vực, MXV đã có những kế hoạch phát triển sản phẩm đón đầu các xu hướng giao dịch trên thế giới.
Ngay trong quý IV/2023, MXV sẽ triển khai liên thông với 3 sở Giao dịch Hàng hóa tại Trung Quốc, bao gồm: Sở Giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải, Sở Giao dịch Hàng hoá Đại Liên và Sở Giao dịch Hàng hoá Trịnh Châu. Khi đó, các nhà đầu tư Việt Nam sẽ lần đầu tiên được giao dịch các mặt hàng có khối lượng giao dịch lớn tại Trung Quốc như cao su TSR 20 INE, quặng sắt DCE và nhựa PTA ZCE.
Đáng chú ý, MXV sẽ sớm niêm yết giao dịch sản phẩm tín chỉ carbon liên thông với thế giới vào cuối năm nay. Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc MXV chia sẻ: “Việc đưa các sản phẩm tín chỉ carbon vào giao dịch là xu thế của thị trường hàng hóa thế giới trong tương lai. Triển khai càng sớm, sẽ giúp Việt Nam càng nắm bắt được lợi thế, và có thể đi đầu trong cuộc chuyển dịch xanh này”.
Theo tầm nhìn và định hướng phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030, MXV đã dành rất nhiều nguồn lực để xây dựng các thị trường hàng hóa chuyên biệt mà nước ta có thế mạnh.
Mới đây, MXV đã ký kết hợp tác với Sở Công Thương TPHCM và Sở NN&PTNN TPHCM để xây dựng đề án thành lập Sàn Giao dịch thịt heo tại TPHCM. Sàn Giao dịch thịt heo sẽ vận hành theo tôn chỉ đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và giúp thị trường không còn chịu sự chi phối của các thương lái.
Bên cạnh đó, cũng trong chương trình hợp tác với UBND TPHCM, MXV đang phối hợp cùng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) để thành lập Sàn Giao dịch cao su. Với vị thế là quốc gia xuất khẩu cao su lớn thứ 4 trên thế giới, việc thành lập Sàn Giao dịch cao su là xu thế tất yếu và sẽ là bước đột phá của ngành cao su Việt Nam trong tương lai.
Cùng với quá trình hội nhập kinh tế của đất nước, MXV đã tích cực đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế, góp phần đáng kể vào việc nâng cao trình độ, kinh nghiệm và đặc biệt là nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường giao dịch hàng hóa thế giới.
Các đối tác thường xuyên tới thăm và làm việc tại Bộ Công Thương và MXV, để cùng thảo luận các chiến lược hợp tác phát triển thị trường giao dịch hàng hóa. Các đối tác đều bày tỏ ấn tượng trước tốc độ phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam nói chung và MXV nói riêng, đồng thời khẳng định rằng sự tăng trưởng là hệ quả tất yếu của quá trình tổ chức hoạt động một cách bài bản, chuyên nghiệp. Những kinh nghiệm, bài học quý báu cũng được các đối tác chia sẻ trực tiếp tới MXV.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2022-2023, MXV đã phối hợp với CME Group liên tục tổ chức các hội thảo chuyên biệt cho thị trường Việt Nam. Đáng chú ý nhất là Hội thảo “Góc nhìn toàn cầu và triển vọng thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam 2023” đã được tổ chức thành công rực rỡ vào tháng 05/2023, với sự tham dự của hàng trăm khách mời, chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
CME Group cũng khẳng định sẽ tích cực hợp tác chiến lược với MXV để phát triển, niêm yết các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như gạo, hồ tiêu, điều, cà phê… trên thị trường giao dịch quốc tế; đồng thời sẽ tiếp tục cử các chuyên gia hàng đầu tới Việt Nam để chia sẻ, cung cấp các kiến thức và kinh nghiệm cho thị trường hàng hóa tại Việt Nam.
Kể từ sau Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa, thị trường giao dịch hàng hóa đã có các bước phát triển đáng khích lệ, được ghi nhận bởi các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, theo thực tiễn phát triển của thị trường tại Việt Nam, cùng với những biến đổi không ngừng của thị trường thế giới, Bộ Công Thương đã có kế hoạch triển khai xây dựng Nghị định mới, thay thế cho Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động của Sở Giao dịch Hàng hóa.
Trong buổi làm việc với Bộ Công Thương và MXV ngày 15/08/2023, CME Group cũng bày tỏ thiện chí sẽ tham vấn cho Bộ Công Thương trong việc xây dựng Nghị định mới. Dựa trên những kinh nghiệm của Sở Giao dịch Hàng hóa lâu đời nhất thế giới và pháp luật về giao dịch hàng hóa tại Mỹ, CME Group tin rằng sẽ góp phần đáng kể giúp thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.
Bên cạnh đó, sự đồng bộ trong chính sách cũng là một yêu cầu tất yếu, không chỉ riêng quy định về tổ chức hoạt động của MXV mà còn của các bộ ngành khác có liên quan như chính sách thuế, chế độ hạch toán kế toán, quy định về quản lý ngoại hối hay các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia bảo hiểm giá nguyên liệu.
“Những điều chỉnh chính sách kịp thời, cùng với việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ giúp hoạt động giao dịch hàng hóa tại Việt Nam có nền móng vững chắc cho những bước phát triển đột phá trong tương lai”, ông Hưng nhận định.