• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nên hay không hình sự hóa hành vi chở quá tải?

(Chinhphu.vn) – Xoay quanh đề xuất hình sự hoá đối với hành vi chở hàng quá tải trọng trên 150% của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, bên cạnh những ý kiến đồng tình thì cũng có ý kiến cho rằng đề xuất này quá nặng.

27/03/2015 16:07
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị hình sự hóa đối với hành vi chở hàng quá tải trọng trên 150% đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm.

Hành vi phá hoại tài sản quốc gia

Theo số liệu từ phần mềm kiểm soát tải trọng xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính từ 1/4 đến hết năm 2014, các trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động của 63 địa phương và 2 trạm kiểm soát tải trọng xe cố định (Dầu Giây, Quảng Ninh) đã kiểm tra hơn 430.000 lượt xe, phát hiện hơn 57.000 xe vi phạm, chiếm 13,3% tổng số xe được kiểm tra.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, việc thực hiện kiểm soát tải trọng xe của một số tỉnh, thành phố chưa quyết liệt, còn mang tính hình thức và chưa có biện pháp xử lý triệt để đối với xe quá tải vượt trạm.Ý thức của các DN vận tải, chủ hàng, chủ xe và lái xe còn kém, chạy theo lợi nhuận, thậm chí khoán khối lượng vận chuyển cho lái xe dẫn đến vi phạm.

Đại diện Sở GTVT Hải Dương cũng cho biết, tình trạng các phương tiện né tránh trạm cân đã làm hư hỏng một số đoạn tuyến trên Quốc lộ 5 đoạn đi qua Hải Dương.

“Có tình trạng phương tiện tập trung thành tốp 3-5 xe đan xen giữa xe đúng tải và xe quá tải chạy tốc độ cao, khi lực lượng CSGT dừng xe thì không chấp hành. Chưa kể đến tình trạng chây ỳ, chống đối, không xuất trình giấy tờ, khoá cửa xe bỏ đi của nhiều lái xe, gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra", đại diện Sở GTVT Hải Dương cho hay.

Ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng, có đề xuất này là do hiện nay tình trạng xe chở hàng quá tải trọng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Trên thực tế, nhiều xe chở quá tải 100-200% tải trọng cho phép, nhiều nhà xe bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm, dẫn đến tình trạng các tuyến đường có nhiều xe quá tải đi qua bị hư hỏng nặng nề.

“Đường sá là tài sản quốc gia, là tiền của nhân dân. Với hành vi chở quá tải trên 150% sẽ phá vỡ kết cấu đường, nên đây sẽ quy là hành vi phá hoại tài sản. Con người cũng vậy, anh chỉ gánh được 50kg mà anh gánh đến 100kg sẽ gãy xương đòn”, ông Nguyễn Văn Huyện nói.

Một lý do nữa mà Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ đưa ra vì thấy rằng trong thời gian qua việc nâng mức phạt, hạ tải, cắt thùng xe hay thu bằng lái tuy đã đạt nhiều kết quả khả quan nhưng chưa triệt để. Trong khi đó, đề xuất tịch thu phương tiện của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia mới đưa ra cũng đang gặp nhiều ý kiến trái chiều, vướng nhiều cơ sở pháp lý, khó thực thi.

Hình sự hoá là quá nặng

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ quan điểm, xe quá tải phá hoại công trình giao thông thì nên tăng nặng mức xử phạt vi phạm, có thể xử lý ở mức cao nhất nếu cố tình tái phạm để có tính răn đe và giáo dục ý thức.

Kiến nghị hình sự hóa hành vi chở hàng quá tải như đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là mong muốn chấm dứt tình trạng xe chở quá tải trong năm 2015. Mong muốn của Tổng cục Đường bộ cũng phù hợp với mong muốn của nhân dân, vì không ai muốn đồng tiền mình bỏ ra, làm một con đường rồi bị xe quá tải phá hoại. Tuy nhiên, chúng ta phải tuân thủ theo pháp luật.

“Nếu bất cứ hành vi vi phạm không ngăn chặn được cũng chuyển sang hình sự thì vô tình làm tăng gánh nặng cho cơ quan thực thi pháp luật. Vì xử lý hình sự cần phải lập án, lập hồ sơ, điều tra….”, ông Bùi Danh Liên nói.

Bên cạnh đó, ông Liên cũng đưa ra ý kiến nên áp dụng hình thức xử phạt nặng, xử phạt lũy tiến theo lượng hàng quá tải và theo số kilomet mà xe đó đã chạy. Ví dụ, một xe chở hàng quá tải trọng chạy từ TPHCM ra Đồng Nai bị xử phạt 1 triệu đồng. Nếu xe này đã chở hàng ra đến Hà Nội thì mức phạt sẽ tăng lên gấp 5 hay 10 lần.

Ông Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Bắc Nam cũng không đồng tình việc chuyển từ xử lý vi phạm hành chính sang xử lý hình sự.

“Chuyển sang xử lý hình sự thì quá nặng với lái xe. Trong khi đó, hành vi chở hàng quá tải trọng không chỉ phụ thuộc vào lái xe mà còn phụ thuộc vào người xếp hàng, chủ hàng…”, ông Nguyễn Việt Anh nói.

Còn ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng lại đồng tình với kiến nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ông Tiến cho rằng hiện tại các giải pháp mà Bộ GTVT cũng như các bộ, ngành liên quan đưa ra để xử lý xe quá tải đã khá mạnh, nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ doanh nghiệp và lực lượng thực thi cố tình vi phạm.

Tuy đồng tình với kiến nghị hình sự hóa hành vi tái phạm chở hàng quá tải trọng từ 150% trở lên, nhưng ông Lê Văn Tiến cũng cho rằng, việc xử lý nên nghiêm minh, đúng người đúng tội, đừng để tình trạng “quýt làm cam chịu”. Không chỉ xử phạt mỗi lái xe mà xem xét cả trách nhiệm của DN vận tải, chủ hàng, người sử dụng dịch vụ vận tải, người xếp hàng…

Phan Trang