Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Lễ khai mạc Những ngày Việt Nam tại Ấn Độ có sự hiện diện của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. |
Nhân dịp kỷ niệm 2 năm thành lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ (9/2016-9/2018), Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã trả lời phỏng vấn báo chí.
Thưa Đại sứ, nhân dịp kỷ niệm 2 năm thành lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ (9/2016-9/2018), những điểm nổi bật gì trong quan hệ hai nước khiến ông hài lòng nhất?
Đại sứ Tôn Sinh Thành: Có 4 điểm nổi bật trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong 2 năm qua.
Thứ nhất, quan hệ chính trị và sự tin cậy giữa hai nước được thắt chặt hơn nữa bởi các chuyến thăm cấp cao liên tục giữa hai bên. Trong 2 năm qua, có 4 chuyến thăm cấp cao, trước hết phải kể đến chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi (9/2016); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Ấn Độ (tháng 12/2016); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Ấn Độ (tháng 1 và tháng 3/2018).
Chuyến thăm Ấn Độ tháng 7/2017 của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với việc ký kết Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giai đoạn 2017-2020 giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng là một sự kiện quan trọng. Trong các chuyến thăm nói trên, hai bên đã ký kết thêm 17 thỏa thuận hợp tác bao trùm trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, quốc phòng-an ninh, y tế, nông nghiệp, công nghệ thông tin…
Thứ hai, hợp tác quốc phòng-an ninh đã được nâng lên tầm cao nhất từ trước tới nay, tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai nước. Nội dung hợp tác không chỉ ở mức độ chia sẻ thông tin, giúp đỡ đào tạo nâng cao năng lực, mua bán vũ khí mà còn tiến tới hợp tác sản xuất thiết bị quân sự. Hai bên cũng đã lần đầu tiên tập trận hải quân chung. Ấn Độ trở thành đối tác quốc phòng quan trọng nhất của Việt Nam.
Thứ ba, quan hệ kinh tế giữa hai nước khởi sắc với kim ngạch thương mại tăng trưởng ấn tượng ở mức trên 40%, từ 5,6 tỷ USD năm 2016 lên đến 7,6 tỷ năm 2017. Theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ, kim ngạch thương mại song phương tăng từ 10 tỷ năm 2016 lên 13 tỷ năm 2017. Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 5,44 tỷ USD, tăng 48,02% so với cùng kỳ năm trước (đạt 3,67 tỷ USD), dự báo cả năm sẽ vượt mốc 10 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt 3,36 tỷ USD, tăng 97,95% so với mức 1,69 tỷ USD cùng kỳ năm trước; nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 2,07 tỷ USD, tăng 5,2%. Thặng dư thương mại 1,28 tỷ USD.
Thứ tư, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2017) và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2007-2017) giữa Việt Nam và Ấn Độ, các hoạt động ngoại giao văn hóa diễn ra sôi động chưa từng có. Bên cạnh sự kiện Những ngày Văn hóa Việt Nam và các triển lãm tranh, ảnh, liên hoan phim, biểu diễn ca múa nhạc diễn ra liên tục, thì lần đầu tiên một Phòng sách Việt Nam được thiết lập và Trung tâm nghiên cứu Việt Nam đã được ra đời tại New Delhi.
Ông có thể cho biết nguyên nhân nào dẫn đến sự phát triển ấn tượng về hợp tác kinh tế giữa hai nước như nói trên?
Đại sứ Tôn Sinh Thành: Trước hết, phải nói đó là kết quả của sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của cả hai nước trong thời gian qua. Hiện Ấn Độ vẫn đang giữ vị trí là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đây là tiền đề quan trọng, tạo nhu cầu lớn hơn cho trao đổi kinh tế thương mại giữa hai nước. Không chỉ khối lượng thương mại tăng lên mà các chủng loại mặt hàng trao đổi giữa hai nước cũng được mở rộng, từ những mặt hàng nông sản và nguyên vật liệu truyền thống sang những mặt hàng chế tạo, phản ánh xu hướng liên kết ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế trong một chuỗi sản xuất chung. Đồng thời, việc Hiệp định Tự do hóa thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN có hiệu lực từ 2015 cũng đem lại những tác dụng nhất định cho thương mại giữa hai nước.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến những nỗ lực ngoại giao kinh tế không mệt mỏi của Đại sứ quán trong thời gian qua. Đại sứ quán đã không chỉ liên tục tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, hàng không, mà còn trực tiếp tham gia tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh gây cản trở các hoạt động giao thương kinh tế giữa hai nước.
Về đầu tư, Đại sứ quan còn trực tiếp tiếp xúc, vận động các tập đoàn lớn của Ấn Độ vào Việt Nam, đồng hành cùng với họ giải quyết các khó khăn trong quá trình đầu tư. Kết quả là đầu tư của Ấn Độ trong 2-3 năm trở lại đây tăng nhanh hơn những năm trước đây. Đến tháng 4/2018, Ấn Độ có 182 dự án còn hiệu lực đang đầu tư ở Việt Nam với số vốn đăng ký là 816 triệu USD, xếp thứ 28/127 quốc gia và lãnh thổ có FDI lớn vào Việt Nam tính theo vốn đăng ký. Riêng 2 năm 2016-17, FDI Ấn Độ vào Việt Nam đạt 276,5 triệu USD, bằng 50% tổng số tất cả những năm trước cộng lại.
Ông có thể cho biết vấn đề kết nối đóng vai trò như thế nào trong quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ? Đại sứ quán đã làm gì để cải thiện vấn đề này?
Đại sứ Tôn Sinh Thành: Kết nối đóng vai trò then chốt trong giao lưu kinh tế giữa hai nước. Trước hết, kết nối sẽ mang lại lợi ích trực tiếp đối với du lịch. Khách du lịch Ấn Độ ra nước ngoài tăng rất nhanh, hiện nay mỗi năm có khoảng 22 triệu người, tương lại sẽ tăng lên 50 triệu người. Năm 2017, có hơn 3,5 triệu khách Ấn Độ tới tới Đông Nam Á, riêng tới Thái Lan 1,6 triệu, tới Indonesia cũng lên tới 500.000 người. Khách Ấn Độ tới Việt Nam cũng tăng từ 85.000 năm 2016 lên 110.000 năm 2017, dự kiến năm này có thể đạt 150.000. Nếu có đường bay trực tiếp giữa hai nước, chắc chắn con số có thể đạt 300.000 người/năm.
Hay trong vấn đề kết nối đường biển, nếu tạo được tuyến đường biển trực tiếp giữa Việt Nam và Ấn Độ, không qua trung gian, thì thương mại giữa hai nước có thể tăng thêm hàng tỷ đô la chứ không phải dừng lại ở con số 15 tỷ như mong muốn hiện nay giữa hai bên.
Trong những năm gần đây, Đại sứ quán đã hết sức nỗ lực để cải thiện kết nối giữa hai nước, trước hết là kết nối hàng không. Không chỉ gặp gỡ vận động các hàng hàng không Ấn Độ, Đại sứ quán đã vận động các hãng hàng không của Việt Nam và hỗ trợ họ hết mình để mở đường bay trực tiếp tới Ấn Độ. Kết quả là, Hãng hàng không Vietjet đã chính thức công bố sẽ mở đường bay trực tiếp từ Thành Phố Hồ Chí Minh đi New Delhi từ tháng 10 năm nay. Hãng hàng không Indigo của Ấn Độ cũng đã có kế hoạch mở đường bay trực tiếp sang Việt Nam vào năm tới.
Đại sứ Tôn Sinh Thành trong ngày thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ |
Ông có nhắc tới việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ. Ông có thể cho biết thêm về quá trình hình thành và ý nghĩa của Trung tâm này đối với công tác tuyên truyền đối ngoại?
Đại sứ Tôn Sinh Thành: Sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ vào đầu năm nay là kết quả vận động kiên trì của Đại sứ quán cùng với sự ủng hộ tích cực của lãnh đạo Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ấn Độ cùng sự nhiệt tâm của các học giả hàng đầu của Ấn Độ. Đại sứ quán đã nỗ lực tìm địa điểm, nhân sự, tài chính, hỗ trợ lên kế hoạch hoạt động cho Trung tâm. Hiện Trung tâm đã đi vào hoạt động với việc tổ chức hàng loạt các sự kiện như Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức Đối thoại thanh niên, giảng dạy tiếng Việt, chiếu phim Việt Nam, tọa đàm học giả trẻ về Việt Nam, tổ chức Hội thảo kinh tế Việt - Ấn. Trung tâm có đội ngũ nhà bảo trợ, Giám đốc danh dự, Hội đồng cố vấn là các học giả, cựu quan chức và các doanh nhân có tiếng của Ấn Độ.
Ý tưởng thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ bắt nguồn từ mong muốn làm cho người Ấn Độ hiểu biết hơn về Việt Nam. Người dân Ấn Độ rất có cảm tình với Việt Nam nhưng những hiểu biết về Việt Nam chủ yếu về giai đoạn chiến tranh. Ấn Độ có một đội ngũ học giả mạnh, sự tham gia của các học giả vào việc tìm hiểu Việt Nam, không chỉ giúp đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với công chúng Ấn Độ, mà còn sẽ giúp có thêm luận cứ khoa học cho các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ đối với Việt Nam. Việc tăng cường hiểu biết về Việt Nam sẽ là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy các hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, bởi muốn xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thật tốt thì hai bên phải hiểu được tiềm năng, cơ hội cũng như thách thức, đặc biệt trong kinh tế.
Đây hiện là trung tâm nghiên cứu về Việt Nam duy nhất tại Ấn Đô, đưa Ấn Độ trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có một trung tâm nghiên cứu riêng về Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam không chỉ tạo nền tảng trao đổi học thuật, kết nối tri thức quan trọng giữa hai nước, mà còn trở thành một kênh quan trọng cho Đại sứ quán triển khai các hoạt động thông tin truyên truyền đối ngoại.
Đại sứ hình dung thế nào về triển vọng mối quan hệ Việt - Ấn thời gian tới?
Đại sứ Tôn Sinh Thành: Quan hệ Việt - Ấn có một nền tảng rất vững chắc, đó là sự tin cậy thực sự giữa hai nước trên cơ sở sự hội tụ về lợi ích chiến lược và những tiềm năng hợp tác rất to lớn. Con đường phía trước của mối quan hệ này rộng thênh thang, không có gì ngăn cản được hai nước làm sâu sắc ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ này và đưa quan hệ phát triển thực sự toàn diện hơn nữa. Tôi có thể hình dung cụ thể hơn là trong 2-3 năm tới, thương mại hai nước sẽ vượt mốc 15 tỷ USD, đầu tư của Ấn Độ của Việt Nam sẽ vượt 2 tỷ USD, du lịch Ấn Độ vào Việt Nam sẽ vượt 300.000 người.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Nguồn: Bộ Ngoại giao