• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/7/2025

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/7/2025.

24/07/2025 17:51
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/7/2025- Ảnh 1.

Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án về Phát triển kinh tế nhà nước.

Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án về Phát triển kinh tế nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 24/7/2025 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án về Phát triển kinh tế nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước (Ban Chỉ đạo).

Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Các Phó Trưởng ban gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng (Phó Trưởng ban Thường trực, trực tiếp chỉ đạo xây dựng Đề án); Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Các Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm: Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú; Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng; Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Tấn Dũng; Lê Đức Luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận; Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Vinh Tơr; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng Trần Văn Quân; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ Vương Quốc Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Huế Phan Quý Phương; Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Nguyễn Hồng Sơn; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Võ Thành Hưng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội Khóa XV Phạm Thúy Chinh; nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng; Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước Hoàng Văn Cường.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng Đề án về Phát triển kinh tế nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước để trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về kinh tế nhà nước. Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất.

Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì các cuộc họp theo kế hoạch và triệu tập các cuộc họp đột xuất khi cần thiết, có thể ủy quyền cho Phó Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì các cuộc họp để thảo luận, quyết định một số vấn đề cụ thể thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Bộ Tài chính là cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quyết định thành lập Tổ Biên tập xây dựng Đề án.

Kiện toàn Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 24/7/2025 kiện toàn Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao (Ủy ban Quốc gia).

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia gồm: Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế (Phó Chủ tịch thường trực); ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các Ủy viên Ủy ban Quốc gia gồm: Ông Đỗ Ngọc Huỳnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; bà Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Đặng Hồng Đức, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Ngô Lê Văn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Bùi Văn Khắng, Thứ trưởng Bộ Tài chính; bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Đỗ Đức Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; ông Đinh Văn Lượng, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương; ông Vũ Công Thảo, Chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Thư ký.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 24/7/2025, thay thế Điều 1 Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 17/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Xử lý thông tin báo nêu về chuyển dịch kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may Việt Nam

Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6909/VPCP-CN ngày 24/7/2025 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xử lý thông tin báo nêu về chuyển dịch kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may Việt Nam.

Trước đó, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có báo cáo về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có thông tin báo VietnamPlus nêu ngày 20/7/2025 về chuyển dịch kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may Việt Nam.

Theo bài báo, ngành dệt may Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ theo mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và duy trì lợi thế cạnh tranh quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030 là phát triển theo chiều sâu, tăng ứng dụng công nghệ, giảm phụ thuộc lao động phổ thông, sử dụng nguyên liệu tái chế như polyester, cotton, viscose, áp dụng công nghệ nhuộm xanh, ít hóa chất, thiết kế sản phẩm từ sợi đơn chất để dễ tái chế.

Chuyên gia cho rằng để nâng cao chất lượng tái chế, cần loại bỏ nguyên liệu thô và vi sợi nhựa ngay từ đầu vào, phát triển vật liệu an toàn, không độc hại, đồng thời ứng dụng công nghệ tái chế tiên tiến và hệ thống phân loại hiệu quả. Các doanh nghiệp như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty 28 (Agtex 28) và một số doanh nghiệp như TCM - Dệt may Thành Công, đang đầu tư công nghệ hiện đại, quy trình khép kín và sản phẩm thân thiện môi trường, hướng tới chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo.

Việc áp dụng mô hình tuần hoàn còn giúp ngành đáp ứng tiêu chuẩn xanh từ các thị trường lớn như EU, Mỹ. Theo khuyến cáo của các chuyên gia Hà Lan, để vào thị trường EU, doanh nghiệp Việt phải tuân thủ hàng loạt quy định như thu gom riêng rác dệt may, hạn chế hóa chất độc hại và thúc đẩy tái chế. Trong bối cảnh yêu cầu xuất xứ và môi trường ngày càng khắt khe, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu và là nền tảng cho ngành dệt may Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu 47-48 tỷ USD vào năm 2025 và tiến tới Net Zero toàn cầu.

Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ được giao đối với ngành dệt may.

Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định 1589/QĐ-TTg ngày 24/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025/QH15.

Mục đích của Kế hoạch này nhằm xác định rõ nội dung công việc, tiến độ, thời hạn hoàn thành và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhằm bảo đảm việc tổ chức thực hiện Luật được triển khai kịp thời, toàn diện, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và đúng pháp luật; thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức thi hành Luật, qua đó tăng cường sự lãnh đạo, điều hành tập trung, thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời phát huy tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao.

Kế hoạch cũng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất và khả thi để chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 03 cấp sang 02 cấp, theo đúng tinh thần của Luật, phù hợp với yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, bảo đảm hoạt động liên thông, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và sát thực tiễn.

Kế hoạch bao gồm các nội dung sau:

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

2. Tổ chức hội nghị quán triệt, tập huấn chuyên sâu về Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

3. Tổ chức bộ phận thường trực để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh khi tổ chức thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương và chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 03 cấp sang 02 cấp;

4. Xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

5. Ban hành văn bản trong trường hợp cần giải quyết các vấn đề phát sinh khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp theo quy định tại khoản 9 Điều 54 Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

6. Tổ chức đánh giá, tổng kết các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực; đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực giúp Chính phủ giải quyết vướng mắc khi tổ chức chính quyền 2 cấp

Theo Kế hoạch, bộ phận thường trực xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp của các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương được thành lập theo Kết luận số 155-KL/TW ngày 17 tháng 5 năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đảm nhận thêm việc tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp các khó khăn, vướng mắc phát sinh khi tổ chức thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Cơ quan thực hiện là các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian thực hiện từ nay đến hết ngày 31/10/2025.

Xây dựng văn bản quy định chi tiết Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Về xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo kế hoạch, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng:

1. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, hoàn thành trong tháng 9/2025.

2. Nghị định của Chính phủ quy định khung số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; số lượng và cơ cấu Ủy viên Ủy ban nhân dân; trình tự, thủ tục đề nghị phê chuẩn kết quả Hội đồng nhân dân bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; trình tự, thủ tục điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân, hoàn thành trong tháng 8/2025.

3. Nghị định của Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính, hoàn thành trong tháng 9/2025.

4. Các Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc mẫu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp xã, hoàn thành trong tháng 9/2025.

5. Nghị định của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân đặc khu quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hoàn thành trong tháng 9/2025.

6. Nghị định của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân đặc khu quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hoàn thành trong tháng 9/2025.

7. Nghị định của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, hoàn thành trong tháng 10/2025.

8. Nghị định của Chính phủ về tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, hoàn thành trong tháng 11/2025.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 150/2025/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2025 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ban hành Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 vừa ký Quyết định số 105/QĐ-BCĐCTMTQG ban hành Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo này (Chương trình).

Mục tiêu của Chương trình là tập trung công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, tổ chức thực hiện và quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu được giao của các Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2030; xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế và thực hiện có hiệu quả các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề "việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030".

Tập trung chỉ đạo, điều hành công tác hoàn thiện thể chế, kịp thời ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 - 2035 và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030 theo các Nghị quyết có liên quan của Quốc hội, Chính phủ.

Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Quốc hội; đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 của 03 chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định; kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh.

Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1061/QĐ-TTg ngày 02/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ và theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương, trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.

Rà soát, bổ sung chính sách kịp thời; quyết liệt thực hiện kế hoạch đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia

Cụ thể, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chú trọng công tác hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, chủ động rà soát, kịp thời ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp trung ương và địa phương sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương và quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền; kịp thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện các Nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương và các văn bản có liên quan bảo đảm việc tổ chức, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia không bị gián đoạn, hoàn thành cao nhất các mục tiêu được giao.

Triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và xã hội, huy động đa dạng các nguồn lực và khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh của các địa phương trong tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu giải ngân 100% dự toán, kế hoạch được giao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025, số 60/CĐ-TTg ngày 09/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương và với các địa phương, giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương và các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chương trình thông qua hoạt động chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo các cấp để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý, đặc biệt là trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, tình hình sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vốn đối ứng ngân sách địa phương. Tăng cường phân cấp, ủy quyền, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của từng cấp, tổ chức và cá nhân trong việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó lưu ý làm rõ các tồn tại, hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm và đề xuất định hướng cơ chế chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Phân công địa bàn theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia

Quyết định cũng phân công địa bàn theo dõi và chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 sau sáp nhập.

Cụ thể, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Ủy viên Thường trực; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Mạnh Cường, Ủy viên theo dõi địa bàn các tỉnh: Sơn La, Điện Biên.

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn.

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Cao Bằng, Tuyên Quang.

Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hoá.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Huế.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Ngãi.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Tấn Dũng, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh, thành phố: Vĩnh Long, Cần Thơ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Khánh Hoà, Lâm Đồng.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Huy, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Hồ Chí Minh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Tháp.

Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thuỷ, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: An Giang, Cà Mau.

Thành lập Hội đồng thẩm định chủ trương xây dựng Tổ hợp khu cảng Cái Mép Hạ hạ lưu, trung tâm logistics

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1593/QĐ-TTg ngày 24/7/2025 về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp khu cảng Cái Mép Hạ hạ lưu, trung tâm logistics và khu chức năng công nghiệp, đô thị, dịch vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh (Hội đồng).

Theo quyết định, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: Xây dựng; Quốc phòng; Công an; Công Thương; Nông nghiệp và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tư pháp và lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Tài chính là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước.

Quyết định nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các ủy viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng được thực hiện tương ứng theo quy định tại các Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Các Thành viên có tránh nhiệm tham gia ý kiến đúng thời hạn theo đề nghị của Cơ quan thường trực Hội đồng, trường hợp quá hạn chưa trả lời thì coi là thống nhất với nội dung lấy ý kiến của Cơ quan thường trực Hội đồng và hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc không trả lời đúng hạn. Hội đồng có trách nhiệm hoàn thiện báo cáo thẩm định theo quy định, trong đó khẳng định rõ hồ sơ Dự án đủ điều kiện để Chính phủ thông qua, trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án.

Quyết định yêu cầu các cơ quan có thành viên thuộc Hội đồng thẩm định nhà nước có văn bản cử người gửi về cơ quan thường trực Hội đồng (Bộ Tài chính) trước ngày 26 tháng 7 năm 2025.

Hội đồng tự giải thể sau khi kết thúc nhiệm vụ.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại Phiên họp lần thứ nhất của Tổ công tác liên ngành điều phối xây dựng, triển khai đồng bộ đô thị thông minh

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 382/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại Phiên họp lần thứ nhất của Tổ công tác liên ngành điều phối xây dựng, triển khai đồng bộ đô thị thông minh.

Thông báo nêu: Phát triển đô thị thông minh hiện nay đã trở thành xu thế tất yếu phát triển của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam không nằm ngoài xu thế phát triển đó. Phát triển đô thị thông minh là phương thức để phát triển kinh tế số, kinh tế đô thị, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện vừa qua đã cho thấy còn có sự lúng túng, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, thiếu cơ chế chính sách, thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn và thiếu cơ chế điều phối trong triển khai xây dựng phát triển đô thị thông minh.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Tổ công tác tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ giải pháp về phát triển đô thị thông minh để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Thông báo Kết luận số 30-KL/TGV ngày 13 tháng 6 năm 2025 của Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ ngày 01 tháng 4 năm 2025 sửa đổi, bổ sung Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị. Cụ thể:

Trình Chính phủ Nghị định về phát triển đô thị thông minh trước ngày 15/8/2025

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định về phát triển đô thị thông minh trình Chính phủ trước ngày 15 tháng 8 năm 2025. Các Thành viên Tổ Công tác theo nhiệm vụ, nghiên cứu có ý kiến về Dự thảo Nghị định về phát triển đô thị thông minh gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 25 tháng 7 năm 2025.

Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đồng chí Thành viên Tổ công tác, bổ sung làm rõ căn cứ, cơ sở ban hành Nghị định; các tiêu chuẩn, tiêu chí phát triển đô thị thông minh; nghiên cứu phát triển đô thị gắn liền với chuyển đổi số; nghiên cứu việc quy định lựa chọn thí điểm xã phường xây dựng đô thị thông minh làm cơ sở nhân rộng; nghiên cứu cơ chế thuê dịch vụ phát triển đô thị thông minh, xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư trong phát triển đô thị thông minh (doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà nước thuê lại), xây dựng lộ trình triển khai, khuyến khích phát triển công nghiệp phục vụ phát triển đô thị thông minh,...

Bộ Xây dựng phối hợp với Văn phòng Chính phủ: (i) Tổ chức hội thảo với các tổ chức, cá nhân liên quan, đối tượng tác động về dự thảo Nghị định, (ii) tổ chức nghiên cứu thực tế kinh nghiệm một số nước trên thế giới về phát triển đô thị thông minh để có giải pháp phù hợp, hiệu quả, vừa bảo đảm mục tiêu quản lý, vừa thực hiện mục tiêu tạo không gian, động lực phát triển.

Tổng kết Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ ngành liên quan, các địa phương xây dựng, tổ chức tổng kết Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025. Hoàn thành trong tháng 7 năm 2025.

Ủy ban nhân dân các thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các Đề án về phát triển đô thị thông minh, về chuyển đổi số, các hoạt động phát triển đô thị thông minh đã và đang triển khai thực hiện tại địa phương mình, khẩn trương chuẩn bị, thực hiện tốt công tác phát triển đô thị phù hợp với tình hình mới theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.

Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động của Bộ, ngành, địa phương mình gửi Bộ Xây dựng trong tháng 7 năm 2025./.