Chúng tôi đang cùng với phía Trung Quốc nghiên cứu để làm sao kiểm soát gắt gao hơn nữa việc đánh bắt cá tầm trên sông Amur, ông Shestakov cho hãng tin RIA biết.
“Về phía Nga, các biện pháp hạn chế đã được áp đặt. Chúng tôi đang thực hiện việc nuôi trồng thêm cá tầm và thực thi các biện pháp cấm đánh bắt. Và chúng tôi cũng muốn áp lệnh cấm đánh bắt đại trà vì mục đích thương mại trên toàn bộ lưu vực của con sông”.
Theo ông Shestakov, Trung Quốc cũng lập các khu vực cấm đánh bắt, tuy nhiên “tất cả những biện pháp này chưa được phối hợp đầy đủ và chưa thực sự minh bạch”. Họ vẫn khai thác một sản lượng nhất định nào đó, dù nói rằng “chẳng làm gì cả”.
“Chúng tôi muốn có một thỏa thuận bằng văn bản với các biện pháp cấm đánh bắt mạnh tay hơn và được quy định ở cấp Chính phủ 2 nước. Chúng tôi đã đề xuất sáng kiến này. Các đồng nghiệp Trung Quốc trả lời rằng họ đang nghiên cứu và xem xét các biện pháp tương tự một cách hợp lý”.
Với quần thể cá tầm và cá tầm cỡ lớn tại sông Amur như thế, không thể cho phép việc đánh bắt một cách đại trà và với quy mô lớn. Theo các chuyên gia, việc này không chỉ làm giảm số lượng các loài mà còn làm giảm kích cỡ trung bình của cá, tăng số lượng cá thể chưa trưởng thành.
Báo chí nhiều lần lên án việc đánh bắt không hợp pháp một phần cá thể cá tầm bố mẹ của sông Amur. Số lượng những kẻ đánh bắt trộm không giảm và ngay cả số cá đánh bắt được thậm chí cũng ít hơn nhiều so với những năm trước đó. Điều này cho thấy sự sụt giảm số lượng cá tầm tại lưu vực sông Amur, điều phối viên chương trình của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên (WWF) Nga Peter Osipov cho biết.
Thu Lam