Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Theo thông báo của Roscosmos, trạm vũ trụ trên Mặt trăng sẽ được thiết kế theo mô hình tổ hợp các cơ sở nghiên cứu thử nghiệm được tạo ra trên bề mặt hoặc trên quỹ đạo của Mặt trăng.
Roscosmos cho biết các đối tác quốc tế và các quốc gia quan tâm đều có thể sử dụng trạm vũ trụ này. Mặc dù vậy, Roscosmos không đưa ra mốc thời gian cụ thể về kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ này.
Dù là quốc gia đầu tiên đưa người lên trên vũ trụ (nhà du hành Yuri Gagarin của Liên Xô cũ) nhưng ngành hàng không vũ trụ của Nga lại đang tụt hậu hơn so với những cường quốc khác như Mỹ hay Trung Quốc.
Moscow và Washington vẫn duy trì việc hợp tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, đặc biệt là trong các nhiệm vụ tại Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) khi các phi hành gia Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác đều phải sử dụng tàu vũ trụ của Nga. Tuy nhiên, tập đoàn công nghệ SpaceX của Mỹ mới đây đã thực hiện được sứ mệnh đưa người lên trạm ISS, qua đó lấy đi ưu thế độc tôn của Nga trong lĩnh vực này.
Trước đó, Nga đã bắt đầu soạn thảo tài liệu kỹ thuật dành cho một căn cứ chung trên Mặt trăng với Trung Quốc và Tổng Giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin đã xác nhận khả năng 2 nước sẽ hợp tác cùng thám hiểm và xây dựng cơ sở khoa học trên hành tinh này.
Tháng 12 năm ngoái, tàu vũ trụ Thường Nga 5 của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống Mặt trăng, tiến hành nghiên cứu bề mặt Mặt trăng và thu thập mẫu đất đá.
Trung Quốc trong nhiều thập niên qua đã chi hàng tỷ USD vào nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực này. Trung Quốc hiện đang xem xét xây dựng một trạm nghiên cứu và tiến hành đưa con người lên Mặt trăng trong thời gian tới.
Hồi tháng 1/2019, một thiết bị thăm dò vũ trụ của Trung Quốc đã thực hiện cuộc "hạ cánh mềm" đầu tiên xuống bề mặt tối của Mặt trăng và gửi về Trái đất thành công những bức ảnh đầu tiên ở đó.
BT