|
Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) tham gia lễ động thổ xây dựng phần đầu dự án "Năng lượng Siberia". |
Phát biểu trong biểu lễ được tổ chức tại ngoại ô thành phố Yakutsk, thủ phủ của nước Cộng hòa Yakutia thuộc Nga, tổng thống V. Putin nhấn mạnh “Đường ống dẫn khí đốt mới thể hiện mối quan hệ hợp tác kinh tế tăng cường giữa các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên hết là đối tác chiến lược của chúng tôi, Trung Quốc”.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết đường ống dẫn khí đầu tiên giữa Moscow và Bắc Kinh “không chỉ cho phép nước Nga xuất khẩu khí đốt ra bên ngoài mà còn nhằm mục đích phát triển cơ sở hạ tầng, giúp kinh tế tăng trưởng cả ở vùng Đông Siberia và toàn bộ đất nước”.
Dài tổng cộng 3.968 km, đường ống này nối các mỏ khai thác khí đốt tại khu vực Đông Siberia tới Trung Quốc sẽ là mạng lưới cung cấp nhiên liệu lớn nhất trên thế giới với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD của hai nước. Giai đoạn đầu của dự án "Năng lượng Siberia" sẽ vận chuyển khí đốt từ mỏ khai thác Chayanda thuộc Cộng hòa Yakutia tới thị trấn Blagoveshchensk thuộc biên giới Trung Quốc.
Dự kiến, đoạn đường ống dẫn dài 968 km này sẽ hoàn thành vào năm 2018. Bước đầu, khoảng 5 tỷ mét khối khí đốt sẽ được Moscow cung cấp cho Bắc Kinh vào năm 2019. Tổng lượng khí đốt cung cấp cho Trung Quốc mỗi năm theo hợp đồng ký kết giữa 2 nước hồi tháng 5 là 38 tỷ mét khối, liên tục trong vòng 30 năm. Hệ thống đường ống mới này sẽ cung cấp khí đốt cho cả Trung Quốc và các vùng xa xôi thuộc Viễn Đông của Nga, với tổng công suất 61 tỷ mét khối/năm.
Nga cho biết sẽ đầu tư 55 tỷ USD và chịu trách nhiệm thăm dò cũng như xây dựng đường ống đến biên giới Trung Quốc. Còn tập đoàn dầu khí quốc doanh CNPC của Trung Quốc sẽ đảm nhận nốt phần đường ống còn lại bên trong lãnh thổ nước này.
“Sức mạnh của Siberia” có tầm quan trọng đặc biệt và là một ưu tiên quan trọng trong chính sách ngoại giao năng lượng của cả Nga và Trung Quốc, đồng thời nó còn là là biểu tượng của sự đảo chiều toàn diện của Nga về phía Đông.
Theo chuyên gia an ninh năng lượng Alexei Turbin dự án này bao hàm cả yếu tố năng lượng và chính trị. Việc mở rộng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc và các nước châu Á khác như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ khiến Nga không phụ thuộc vào một hướng duy nhất với phương Tây, nên không thể bị ràng buộc hoặc phụ thuộc vào lợi ích của bất kỳ nhóm quốc gia nào.
Konstantin Simonov – Tổng Giám đốc Quỹ an ninh năng lượng quốc gia cho biết, đối với Nga, đường ống dẫn khí đốt sang Trung Quốc là dự án thiết thực liên quan đến mối quan hệ phức tạp với châu Âu vì các sự kiện ở Ukraine. Đây thực sự là một dự án địa chính trị rất quan trọng.
Hồi năm ngoái, lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã đạt 170 tỷ m3. Tính tới năm 2020, Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 429 tỷ m3 khí đốt/năm. Trong khi đó, châu Âu hiện vẫn là thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất của Nga. Năm 2013, châu Âu đã mua hơn 160 tỷ m3 khí đốt tự nhiên của Nga.
Nguyễn Chiến