Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo phản ánh của Công ty CP Dệt Đông Quang, các công ty trong ngành kéo sợi đang đối mặt với thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản do sự cạnh tranh không lành mạnh từ việc nhập khẩu sợi dệt vải từ Trung Quốc.
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty đề nghị cơ quan chức năng xem xét, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh không lành mạnh trên thị trường.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời như sau:
Sau khi nhận được công văn kiến nghị của Công ty, Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính đã nghiên cứu, rà soát và có Công văn số 15/TXNK-TGHQ ngày 2/6/2017 chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện kiểm tra để bác bỏ trị giá khai báo, xác định trị giá tính thuế; rà soát, kiểm tra việc khai báo mã số hàng hóa, kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ C/O form E thu đủ thuế nộp ngân sách Nhà nước theo đúng quy định.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó, Bộ Công Thương nhận được văn bản của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp cụ thể, thiết thực hỗ trợ trong vấn đề cạnh trang không lành mạnh của một số doanh nghiệp thương mại nhập khẩu sợi.
Để tìm hiểu và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp sợi, ngày 19/4/2017, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Hiệp hội Bông sợi Việt Nam và các đơn vị chức năng có liên quan.
Theo phản ánh của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam và các doanh nghiệp, hiện có tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu sợi polyester (HS 5509.21 và 5509.22) từ Trung Quốc bán giá thấp hơn các nhà sản xuất trong nước. Cụ thể, giá bán sợi nhập khẩu là 37.000đ/kg sợi, khi xuất hóa đơn bán hàng chỉ với giá 7.000đ/kg sợi trong khi giá xơ polyester nhập khẩu là 1,1 USD/kg, sau khi cộng thuế và các chi phí sản xuất thì giá thành sợi sản xuất trong nước hơn 43.000đ/kg sợi. Điều này dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất sợi trong nước trong việc bán hàng, gây đình đốn sản xuất và thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất.
Trên cơ sở thông tin của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam và doanh nghiệp ngành sợi, để giải quyết kiến nghị, vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát kim ngạch nhập khẩu và trị giá khai báo tính thuế các mã HS nêu trên để xem xét khả năng doanh nghiệp nhập khẩu sợi gian lận trong khai báo hải quan (khai giá thấp hoặc khai sang mã HS khác), trường hợp phát hiện sai phạm của doanh nghiệp đề nghị có hình thức xử lý, phân luồng kiểm tra cho phù hợp (luồng vàng, luồng đỏ).
Đồng thời, kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp nhập khẩu có nghi vấn trong việc xuất hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị nhập khẩu, đồng thời đưa nhóm hàng này vào danh mục mặt hàng có khả năng phát sinh gian lận về thuế để theo dõi và có biện pháp xử lý.
Chinhphu.vn