|
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an).
|
Hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma tuý”, “Ngày quốc tế phòng, chống ma tuý” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý” (ngày 26/6), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý từ ngày 1- 30/6/2016 với chủ đề "Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy". Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng mạng internet, mạng xã hội để giới thiệu, mua bán, khuyến khích sử dụng ma túy.
Trong thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo…) mà đối tượng tham gia chủ yếu là thanh thiếu niên. Trước sự truy quét của các lực lượng chức năng, các “đại lý” này đã rút vào hoạt động ngầm. Tuy nhiên, vẫn không khó để tìm được một địa chỉ giao dịch “sống” trên mạng xã hội.
Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an) về vấn đề này.
Xin Thiếu tướng có thể cho biết về thực trạng tội phạm ma túy lợi dụng mạng xã hội để hoạt động?
Thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trong những năm qua đã cho thấy, tội phạm ma túy đã và đang triệt để lợi dụng các ứng dụng của công nghệ thông tin (điện thoại, internet…) cho mục đích bất hợp pháp. Hầu hết các vụ việc bắt giữ các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy gần đây cho thấy các đối tượng đều có sử dụng các ứng dụng của internet (Zalo, Viber, Facebook, email…) trong trao đổi mua bán trái phép ma túy.
Ma túy thường được đối tượng buôn bán đặt hàng từ các địa phương thông qua mạng xã hội, sau đó được vận chuyển đến các nơi bằng xe khách và bán lại cho con nghiện thông qua các tài khoản như Facebook hoặc Zalo. Theo lời khai của các đối tượng, việc thông qua các trang mạng xã hội sẽ có nhiều thuận lợi như "bảo mật được thông tin" và dễ dàng tìm được khách hàng.
Đặc biệt, nổi lên là tình trạng các đối tượng sử dụng các tài khoản Facebook, Zalo, Viber… để trao đổi, buôn bán các chất gây nghiện và dụng cụ sử dụng kèm theo (chủ yếu là ma túy đá, cần sa...). Việc các đối tượng hoạt động trên mạng có phần công khai, ngang nhiên gây bức xúc trong dư luận và đời sống xã hội. Thực chất, cũng như các loại hàng hóa bình thường khác, các loại chất gây nghiện cũng cần tìm đến đối tượng mua, do vậy xu hướng tất yếu sẽ có việc quảng cáo, rao bán trên mạng. Tuy nhiên, việc rao bán, quảng cáo cũng rất tinh vi để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, theo dõi. Việc quảng cáo, giao dịch mua bán ma túy thông qua mạng xã hội không chỉ xảy ra ở các tỉnh, thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…) mà còn xuất hiện ở địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng cảnh sát gặp những khó khăn nào, thưa Thiếu tướng?
Đấu tranh với tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng đều gặp rất nhiều khó khăn bởi thủ đoạn tinh vi, manh động của chúng. Các đối tượng hoạt động rao bán ma túy trên mạng thường là các đối tượng mua bán ma túy với số lượng nhỏ lẻ; chúng thường có hiểu biết về công nghệ để có các thủ thuật bảo mật thông tin cá nhân, phương thức liên lạc, trao đổi nên rất khó khăn cho việc xác minh, đấu tranh triệt phá của lực lượng chức năng.
Hơn nữa, loại chất mà các đối tượng rao bán công khai trên mạng hiện nay đa số là những chất gây nghiện mới (một số chất đã được đưa vào danh mục quản lý; một số chất có thể chưa được đưa vào danh mục quản lý). Do đó, việc bắt giữ xử lý hiện nay còn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, hiện nay, nhận thức của một bộ phận không nhỏ giới trẻ về hậu quả, tác hại của việc sử dụng các chất gây nghiện mới còn rất mơ hồ; nhiều khi ngộ nhận về việc không gây nghiện khi sử dụng, không bị xử lý khi mua bán, sử dụng. Do vậy, nhiều người đã tìm cách mua bán hoặc tiếp tay cho việc mua bán, sử dụng các chất này thông qua mạng xã hội.
Bên cạnh đó, do số lượng giao dịch là nhỏ, lẻ; việc giao dịch, giao nhận tiền, “hàng” hầu như tách biệt được các đối tượng có vai trò khác nhau thực hiện nên việc đấu tranh triệt phá và điều tra xử lý triệt để cũng còn gặp rất nhiều khó khăn.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ triển khai những biện pháp gì trong thời gian tới để ngăn chặn tình trạng này, thưa Thiếu tướng?
Đứng trước tình hình phức tạp về ma túy tổng hợp nói chung và việc quảng cáo, mua bán ma túy trên mạng xã hội nói riêng trong thời gian qua, chúng tôi đã và đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với loại tội phạm này.
Đặc biệt là tổng hợp nắm chắc diễn biến, tình hình liên quan đến tệ nạn và tội phạm ma túy trong nước, khu vực và thế giới từ đó tham mưu cho Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, Bộ Công an có những chỉ đạo sâu sát trong phòng ngừa, đấu tranh. Đồng thời phối hợp với các bộ ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng; từ đó nâng cao ý thức trong phòng ngừa, đấu tranh chống lại tệ nạn và tội phạm liên quan đến lĩnh vực này.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã và đang chỉ đạo lực lượng tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, xác lập các chuyên án đấu tranh triệt phá các tụ điểm chứa chấp, tổ chức sử dụng; các đường dây, ổ nhóm mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp; tổ chức đấu tranh với các đối tượng nổi, hoạt động phức tạp và xử lý nghiêm minh để tăng tính răn đe.
Ngoài ra, lực lượng chức năng nắm chắc tình hình có liên quan về phương thức thủ đoạn; về các loại chất mà đối tượng lợi dụng mua bán… Từ đó, kịp thời đề xuất đưa vào quản lý các chất mới; thống nhất với các ngành tư pháp, không để xảy ra tình trạng khó khăn trong điều tra xử lý các đối tượng, vụ việc liên quan đến mua bán các chất ma túy mới trên mạng internet.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Hoàng Anh (thực hiện)