Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại lễ kỷ niệm 20 năm Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 20 năm trước đây là thời của phần mềm, ứng dụng CNTT làm công cụ hỗ trợ. Nay, công nghệ số là công cụ sản xuất chính. Các doanh nghiệp, các tổ chức và các cá nhân trở thành doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân công nghệ số. Công nghệ số được tích hợp vào mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề trở thành ngành công nghiệp nền tảng. Các doanh nghiệp của VINASA sẽ có một ngọn cờ dẫn dắt.
10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng: Từ CNTT sang công nghệ số; từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công phần mềm sang Make in Vietnam; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính.
Bộ trưởng cho rằng, VINASA cần bắt kịp những chuyển dịch này để có những khởi tạo mới, định hướng cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam. Ba yếu tố lĩnh vực CNTT cần là công nghệ số, nhân tài số và chuyển đổi số.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Hiệp hội VINASA hãy nhận lấy một sứ mệnh quốc gia. Một sứ mệnh lớn hơn sẽ quy tụ nhiều hội viên hơn, đoàn kết hơn, sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp của hiệp hội đi xa hơn, cao hơn. Sứ mệnh ấy như ngôi sao dẫn lối, dù trong bối cảnh nào cũng sẽ không bị lạc lối.
"Chúng ta chỉ có thể trường tồn khi gắn mình với quốc gia. Sứ mệnh hưng thịnh quốc gia, sánh vai cường quốc năm châu đã được những người sáng lập hiệp hội đề xướng. Sứ mệnh ấy vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng bây giờ, có một mục tiêu cụ thể hơn, đó là các doanh nghiệp của hiệp hội phải có đóng góp cơ bản để thực hiện thành công chuyển đổi số Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, Tổng Giám đốc FPT, sau 20 năm thành lập, VINASA đã hoàn thiện hệ sinh thái hỗ trợ sự phát triển các doanh nghiệp và ngành CNTT Việt Nam từ tư vấn chính sách, phát triển thị trường đến hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ 50 hội viên, VINASA đã có hơn 500 hội viên là các doanh nghiệp phần mềm và CNTT, chiếm đến 60% trong gần 300.000 nhân lực và 70% của doanh thu 14 tỷ USD của ngành CNTT.
Trong bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam vào năm 2045 theo chiến lược 10 năm và tầm nhìn 2045 của Chính phủ, kinh tế số và công nghệ thông tin nắm vai trò quyết định; Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Để hoàn thiện bức tranh đó, VINASA sẽ góp phần xây dựng Hệ sinh thái số lớn - nơi các cơ quan, các địa phương, các doanh nghiệp ở mỗi loại hình, mỗi lĩnh vực đều có một hệ sinh thái số riêng. Hệ sinh thái bao gồm các nền tảng, các bộ giải pháp chung và chuyên dụng. Nhờ đó, bất cứ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào có nhu cầu chuyển đổi số đều được hỗ trợ nhanh chóng.
"Dữ liệu số sẽ là nguồn tài nguyên mới. Mỗi doanh nghiệp công nghệ số đều có các dữ liệu số khổng lồ của các lĩnh vực. Từ kho vàng này, công nghệ sẽ hỗ trợ phân tích, xử lý, khai thác dữ liệu cho từng doanh nghiệp. Sẽ tuyệt vời hơn nếu các doanh nghiệp công nghệ liên kết dữ liệu số, cùng nhau giải bài toán khai thác. Chắc chắn sẽ tạo đột phá, dữ liệu số có giá trị gấp trăm, gấp ngàn lần", ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.
Từ những phân tích trên, Chủ tịch VINASA khẳng định, Việt Nam có cơ hội chuyển mình nhanh chóng, có những doanh nghiệp công nghệ tỷ USD như Facebook, Google, AWS… Khi các doanh nghiệp công nghệ số đoàn kết ở tầm cao nhất, VINASA cần đóng vai trò kết nối.
Bên cạnh bài toán dữ liệu, Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa đề cao sự cần thiết của công nghệ mới như: AI, Blockchain, Metaverse, Digital Twin và cao nhất là No Code (công cụ để tạo, ứng dụng di động mà không cần viết code). VINASA sẽ xây dựng những vườn ươm về đổi mới sáng tạo, xây dựng cộng đồng khởi nghiệp (Startup) để ứng dụng công nghệ cao. Những doanh nghiệp lớn sẽ kết nối thị trường, dữ liệu, cung cấp nguồn vốn cho Startup để tạo nên những kỳ lân công nghệ Việt Nam.
HM