Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, một số nhà sản xuất ôtô, điện tử, xây dựng… của Hàn Quốc đã đầu tư phát triển tại Việt Nam.
Còn ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, cho rằng: ngành điện tử Việt Nam đang có cơ hội phát triển rất lớn nếu nắm bắt và tận dụng hiệu quả hai làn sóng đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó có thể kể đến những thuận lợi về hợp tác sản xuất gia công, kinh doanh sản phẩm, đầu tư sản xuất để xuất khẩu, nhận chuyển giao công nghệ… Riêng Hàn Quốc, hiện đang là quốc gia có ngành điện tử phát triển vượt bậc với những dự án tập trung phát triển về kỹ thuật, công nghệ, mẫu mã.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, trong năm 2012, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử cũng không tránh khỏi những khó khăn giống như các doanh nghiệp ở các ngành khác, do chịu áp lực từ những tác động xấu của nền kinh tế trong và ngoài nước; trong đó, nguồn kinh phí của Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp không còn tập trung vào các hoạt động xúc tiến mà chủ yếu doanh nghiệp phải "tự thân vận động" và tìm kiếm cơ hội thông qua các hội thảo, buổi gặp gỡ do các hiệp hội, tổ chức nước ngoài tài trợ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nhanh chóng thúc đẩy hoạt động chuyển dịch cơ cấu sản xuất, từ hướng chỉ sản xuất, lắp ráp, kinh doanh các sản phẩm dân dụng, gia dụng sang chuyên dụng, tập trung vào các thiết bị phụ vụ cho ngành công nghiệp, y tế…; đồng thời, ngành điện tử Việt Nam phải nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh./.