Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngành Dược phải tận dụng lợi thế của mình để đưa công nghiệp Dược tăng tốc phát triển- Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
Với chủ đề "Phát triển công nghiệp Dược; các giải pháp quân bình cung cầu và bình ổn thị trường Dược phẩm Việt Nam", Hội nghị ngành Dược năm 2008 đã bàn thảo nhiều giải pháp về quản lý giá thuốc; tăng nguồn cung ứng thuốc phòng và chữa bệnh cho người, tăng cường quản lý thuốc trong các cơ sở y tế công lập; xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng thuốc; đẩy mạnh công nghiệp dược liệu... nhằm định hướng chiến lược phát triển cho ngành Dược trong thời gian tới.
Vẫn còn bất hợp lý giữa giá trị thực của thuốc và giá bán thuốc
Năm 2007, giá trị thuốc sản xuất trong nước đạt trên 600 triệu USD, chiếm gần 53% giá trị tiền thuốc sử dụng, tăng 16,5% so với năm 2006; tiền thuốc bình quân đầu người đạt mức 13,4 USD/năm, tăng gấp 2,9 lần so với năm 2001 và 1,2 lần so với năm 2006.
Trong năm 2007 và những tháng đầu năm 2008, giá thuốc đã được kiểm tra, kiểm soát và tương đối ổn định. Năm 2007, chỉ số giá nhóm hàng y tế, dược phẩm là 7,05% đứng thứ 5/10 nhóm hàng chủ yếu; quý I/2008 là 1,87%, đứng thứ 9/10 nhóm hàng chủ yếu. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, không có hiện tượng tăng giá thuốc đồng loạt hay đột biến. Nhìn chung, thị trường Dược phẩm Việt Nam tương đối ổn định, "cung-cầu" tương đối cân bằng.
Tuy nhiên, ngành Dược cũng gặp phải một số khó khăn khi công nghiệp Dược Việt Nam chủ yếu là bào chế, sản xuất thuốc đa phần có dạng bào chế đơn giản, hàm lượng kỹ thuật thấp; công nghiệp hóa dược đi kèm với công nghiệp hóa chất, công nghiệp hóa dầu chậm phát triển; công nghệ chiết xuất hoạt chất thiên nhiên còn rất khiêm tốn so với tiềm năng dược liệu; sự kết hợp giữa quy hoạch vùng nuôi trồng, khai thác dược liệu với sản xuất thuốc từ dược liệu còn lỏng lẻo; sản xuất tá dược cao cấp, bao bì dược còn hạn chế... Vì vậy, có đến trên 90% nguyên liệu phục vụ công nghiệp dược, 50% giá trị thuốc thành phẩm phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, nếu không có những giải pháp quản lý căn cơ, bền vững mang tính chất lâu dài thì nhìn chung thị trường Dược phẩm có nguy cơ biến động. Vì trên thị trường vẫn tồn tại sự bất hợp lý giữa giá trị thực của thuốc so với giá bán thuốc làm tăng chi phí khám chữa bệnh của người dân và ngân sách nhà nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Nên xây dựng website công khai giá thuốc và xử phạt về giá - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
Năm 2008: Quân bình cung cầu thị trường dược phẩm Việt Nam
Đây cũng là kế hoạch lâu dài của ngành Dược, trong đó trước mắt tập trung phát triển công nghiệp nguyên liệu để từng bước sản xuất được một số nguyên liệu kháng sinh, hóa dược hữu cơ quan trọng; đảm bảo cung cấp phần lớn hóa-dược vô cơ, tá dược thông thường và bao bì dược cho công nghiệp bào chế thuốc thành phẩm; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để có thể sản xuất được khoảng 10-12 loại vắcxin, đủ cho nhu cầu tiêm chủng mở rộng và xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết, để quân bình cung cầu thị trường dược phẩm Việt Nam thì cần tăng nguồn cung ứng thuốc phòng và chữa bệnh cho người bằng việc tăng số lượng doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam và tăng chất lượng, số lượng thuốc sản xuất trong nước.
Trước yêu cầu của việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp Dược trong tương lai, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngành Dược phải tận dụng lợi thế của mình; có quy hoạch cụ thể, có giải pháp đồng bộ để phát triển ngành. Ngành cần phải tính đến chỉ tiêu hiệu quả trong kinh doanh của các doanh nghiệp, phân tích rõ sự phân bổ giá trị gia tăng từ khi nhập sản phẩm đến tay người tiêu dùng để trên cơ sở đó giúp doanh nghiệp định hướng mục tiêu phát triển. Nhà nước sẽ hỗ trợ, giúp đỡ trong việc tập hợp thông tin để định hướng về tiềm năng thị trường cho doanh nghiệp phát triển.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, để hoàn thành tốt và đạt hiệu quả cao những kế hoạch của ngành đã đặt ra thì cần phải có ngân sách khung cho toàn bộ ngành Y tế.
Riêng về cơ chế kiểm soát giá, Phó Thủ tướng gợi ý, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công Thương và ngành Dược nên xây dựng website công khai giá thuốc góp phần ổn định thị trường bán lẻ thuốc và tăng sức cạnh tranh; đồng thời công khai xử phạt về giá. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ áp dụng khoa học tiên tiến trong quy trình sản xuất dược liệu, xây dựng sản phẩm quốc gia cho ngành.
Kiều Liên