Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Lần đầu tiên trong gần 20 năm, số lượng ngân hàng ở Nga tụt xuống dưới một nghìn - Ảnh: Internet |
Theo tờ Gazeta, “công trạng” đó chủ yếu thuộc về Ngân hàng Trung ương vì cơ quan này khởi xướng việc nâng vốn tối thiểu của các tổ chức tín dụng lên 90 triệu rúp (3 triệu USD).
Vũ môn tiếp theo đối với sự sống còn của các ngân hàng sẽ được dựng lên vào đầu năm 2012 - vốn tối thiểu sẽ là 180 triệu rúp (6 triệu USD). Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc đóng cửa các ngân hàng con con sẽ dẫn đến sự thiếu hụt dịch vụ tài chính và làm chậm sự phát triển kinh tế tại các địa phương.
Số lượng các ngân hàng Nga sụt giảm đều đặn từ giữa những năm 90 của Thế kỷ 20. Năm 1997 nước này có 2.007 ngân hàng. Đến cuối năm đó teo mất 332, năm sau rụng thêm 228, đến năm 1999 lại bớt đi 132 tổ chức. Từ năm 1999 đến năm 2009 số ngân hàng ở Nga bị xoá sổ là 318. Còn trong năm 2009 có 51 ngân hàng phải đóng cửa.
Trong hai tháng đầu năm 2010 có thêm 10 tổ chức tín dụng ngừng hoạt động, đến cuối năm sẽ có thêm 60 tổ chức nữa bị rút giấy phép hoạt động. Tính đến đầu năm 2010 trong số các ngân hàng bị đóng cửa có 22 ngân hàng không đáp ứng được tiêu chuẩn vốn tối thiểu là 90 triệu rúp.
Số vốn tối thiểu 180 triệu rúp kể từ ngày 1/1/2012 chưa phải là rào cản cuối cùng đối với các ngân hàng Nga. Chính phủ có kế hoạch nâng số vốn tối thiểu lên mức 1 tỷ rúp (hơn 30 triệu USD). Nếu điều này trở thành hiện thực thì tổng số ngân hàng ở Nga sẽ không vượt quá 500.
Bà Elena Phedotkova, chuyên gia phân tích của ngân hàng Nomosbank, khẳng định, tính đến ngày 1/1/2010 có 5% số ngân hàng không đáp ứng được đòi hỏi về vốn pháp định từ 90 triệu rúp trở lên, 25% sẽ không đáp ứng được mức 180 triệu rúp từ ngày 1/1/2012 và 73% sẽ không với tới giới hạn 1 tỷ rúp. Số lượng ngân hàng giảm không chỉ do bị tước giấy phép hay tự giải thể mà còn do việc sáp nhập, liên kết giữa các ngân hàng với nhau.
Các chuyên gia kinh tế Nga cho rằng năm nay là giai đoạn khó khăn đối với các ngân hàng trong nước. Năm ngoái đã diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa các ngân hàng trong lĩnh vực cầm cố thì năm nay sự giành giật chuyển sang lĩnh vực tín dụng. Các ngân hàng tích cực lôi kéo những khách hàng có chất lượng bởi số lượng người vay chẳng những không tăng mà còn giảm. Sự canh tranh trở nên gay gắt hơn xung quanh số lượng khách hàng ít ỏi là thử thách nghiêm trọng đối với một số ngân hàng và cuối cùng sẽ dẫn đến làn sóng rơi rụng mới.
Một số chuyên gia cho rằng giới hạn vốn pháp định 1 tỷ rúp là hợp lý vì ở Nga hiện nay có quá nhiều ngân hàng và sau 5 năm nữa không ít tổ chức tín dụng sẽ kịp đối phó. Nhưng cũng có người khẳng định các biện pháp cứng rắn mà Ngân hàng Trung ương Nga áp dụng sẽ làm tổn hại các ngân hàng nhỏ đang hoạt động ở quy mô toàn liên bang - những “tay chơi” quan trọng ở các địa phương. Những ngân hàng nhỏ này thu hút những loại khách hàng bị các ngân hàng lớn bỏ qua vì hiệu quả kinh tế không cao. Việc các ngân hàng “thấp cổ bé họng” phải giải thể sẽ khiến cho dịch vụ tài chính ở các địa phương bị teo lại và kìm hãm sự phát triển kinh tế tại các tỉnh.
Bình luận về tiêu chí “500 ngân hàng cho nước Nga”, ông Oleg Mikheyev, Ủy viên Ủy ban Duma Quốc gia về thị trường tài chính, cho biết: “Ở nước Nga điều đáng tiếc là thay cho sự cạnh tranh bình đẳng với nhau thì các ngân hàng “cá lớn” thường dùng các biện pháp lobby để loại bỏ các tổ chức tín dụng khác.
Đối với Moscow, có thể chẳng quan trọng là có một hay một chục ngân hàng. Mặc dù là đối với khách hàng ở thủ đô càng có nhiều ngân hàng thì càng tốt cho sự lựa chọn. Hãy ngó kỹ hơn những gì xảy ra ở vùng sâu, vùng xa. Tại những nơi đó các ngân hàng lớn chọn điều kiện tối ưu cho mình và bỏ qua những điểm dân cư nhỏ lẻ. Kết cục là chỉ các ngân hàng be bé ở địa phương đảm nhận việc phục vụ người dân ở đó. Nếu chôn sống các ngân hàng này thì ai sẽ làm thay họ? Người ta hay so sánh với Mỹ và châu Âu, vậy hãy xem ở Mỹ có bao nhiêu ngân hàng?
Linh Đức