Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành thuế
Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Thuế chiều ngày 10/7, lãnh đạo ngành Thuế cho biết: Triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, ngành Thuế đã chủ động sắp xếp lại toàn bộ cơ cấu theo hướng giảm đầu mối, cấp trung gian, tăng phân cấp và ủy quyền cho cơ quan địa phương.
Ngành Thuế xác định, chuyển đổi số là một trụ cột cải cách của ngành. Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn ngành đã tích cực triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg và Nghị quyết 66/NQ-CP nhằm phát triển cơ sở dữ liệu định danh công dân, bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết và cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Cơ chế một cửa liên thông, hệ thống thuế thông minh và hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động đã được đưa vào vận hành, giúp người dân chỉ cần vài thao tác trực tuyến để hoàn tất thủ tục thuế, không phải đến trụ sở cơ quan thuế như trước.
Đặc biệt, hệ thống trợ lý ảo thuế hoạt động 24/7, tờ khai quyết toán thuế gợi ý hạn chế sai sót, hệ thống cưỡng chế nợ thuế tự động và kết nối với Bộ Công an, ngân hàng để tạm hoãn xuất cảnh, phong tỏa tài khoản điện tử.
Ứng dụng eTax Mobile tích hợp với VNeID cũng đang được triển khai rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nộp thuế mọi lúc, mọi nơi. Cùng lúc đó, ngành Thuế tiên phong đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý nợ, phân tích rủi ro, dự báo thu, lập kế hoạch.
Trong mảng hóa đơn điện tử, Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát hành hóa đơn. Đến hết tháng 6/2025, đã có 238.942 cơ sở đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền; riêng 6 tháng đầu năm có 145.929 cơ sở đăng ký mới, trong đó 45.247 hộ kinh doanh theo phương pháp khoán có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên.
Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 1.180.967 tỷ đồng, bằng 68,7% dự toán pháp lệnh và tăng 34% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, 16/19 khoản thu và toàn bộ 20 Chi cục Thuế khu vực đều tăng so với cùng kỳ. Tại 34 tỉnh/thành theo cơ cấu mới, có 31 địa phương thu đạt trên 55% dự toán và 33 địa phương có mức tăng trưởng cao như Hà Nội, TPHCM, Hưng Yên, Nghệ An, Bắc Ninh, Lạng Sơn…
Một điểm sáng quan trọng là thu từ thương mại điện tử và kinh tế số đạt 98.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ, nhờ siết chặt kê khai, quản lý rủi ro và cải tiến quy trình hoàn thuế.
Đáng chú ý, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp hiện đại nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý, nâng cao tính minh bạch. Từ đầu năm, Quyết định 108/QĐ-TCT về quy trình hoàn thuế tự động chính thức có hiệu lực.
Hoàn thuế giá trị gia tăng đạt 74.084 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ); hoàn thuế thu nhập cá nhân qua hình thức tự động đạt 1.253 tỷ đồng, trong đó Kho bạc Nhà nước đã giải ngân 1.147 tỷ đồng, tương đương 92% số lệnh được gửi.
Ngành Thuế đã tiến hành 26.290 cuộc thanh, kiểm tra, bằng 39,1% kế hoạch năm và 109,2% so với cùng kỳ. Số tiền kiến nghị xử lý là 28.430 tỷ đồng (tăng 32%), bao gồm: 8.314 tỷ đồng tăng thu; 1.190 tỷ đồng giảm khấu trừ; 18.925 tỷ đồng giảm lỗ.
Hệ thống cưỡng chế nợ thuế điện tử triển khai toàn quốc đã giúp thu hồi hiệu quả hơn. Trong 6 tháng đầu năm, ngành Thuế thu hồi được 43.109 tỷ đồng nợ thuế, trong đó 40.292 tỷ đồng qua biện pháp quản lý nợ và 1.989 tỷ đồng qua cưỡng chế.
Ngành cũng phối hợp với Bộ Công an và ngân hàng để truy xuất tài khoản, xử lý kịp thời các trường hợp cố tình chây ỳ, bỏ trốn, đảm bảo tính nghiêm minh và bảo vệ nguồn thu quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HT
Quyết tâm thu vượt dự toán, đóng vai trò trụ cột tăng thu ngân sách
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng kinh tế đạt 5,52%, riêng quý II tăng 7,96% - là mức tăng trưởng ngoạn mục trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Trong đó, với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp công tác thuế, tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ.
Lãnh đạo Bộ Tài chính phân tích, dù không trực tiếp làm chính sách, nhưng vẫn được giao chủ trì thực hiện nhiều đề án quan trọng. Trong 15 đề án được giao, đã có 10 đề án hoàn thành, gồm 7 nghị định và 3 thông tư. Đặc biệt, Cục Thuế đã trình đề xuất sửa đổi Luật Quản lý thuế và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, dự kiến trình Quốc hội thông qua cuối năm.
Về hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, ngành Thuế đã phối hợp đề xuất các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế với tổng giá trị trên 120.000 tỷ đồng.
Trong chuyển đổi số, ngành đã tích hợp các dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thiện nền tảng dữ liệu ngành, triển khai cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh với 136.000 hộ được bổ sung. Đồng thời, đã chuyển 87.000 hộ sang hình thức kê khai thuế, xử lý 700.000 hộ với số thu và phạt khoảng 1.300 tỷ đồng - tạo nền tảng cho việc xóa bỏ hình thức khoán từ 1/1/2026 theo Nghị quyết 68.
Công tác thanh tra, kiểm tra cũng đạt kết quả tốt. Dù từ ngày 1/6, chức năng thanh tra bị dừng, ngành vẫn thực hiện 26.000 cuộc kiểm tra, đạt 39,1% kế hoạch, góp phần tăng thu 8.300 tỷ đồng, giảm lỗ 19.000 tỷ đồng. Riêng kiểm tra giao dịch liên kết đã truy thu thêm 600 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 5.000 tỷ đồng.
Một trong những dấu ấn rõ rệt là ngành Thuế đã hoàn tất sắp xếp bộ máy theo mô hình ba cấp tại 34 địa phương, cắt giảm hơn 4.000 đầu mối. Từ ngày 1/7, mô hình tổ chức mới chính thức triển khai. Việc phối hợp giữa cơ quan thuế và chính quyền địa phương, đặc biệt ở cấp xã/phường được đánh giá là thuận lợi và hiệu quả.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là giữ mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên. Theo Nghị quyết 124 và Công điện 104 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính phải bảo đảm tăng thu ngân sách trên 20% trong năm 2025.
"Trong đó, ngành Thuế phải phát huy vai trò trụ cột thu ngân sách, góp phần "gánh vác" thực hiện mục tiêu được giao", Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nói
Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HT
Nhấn mạnh yêu cầu cải cách quản lý thuế toàn diện, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho rằng, một trọng tâm hàng đầu là sửa đổi toàn diện Luật Quản lý thuế. Ngoài ra, ngành Thuế cũng sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân, Nghị định về thuế thu nhập doanh nghiệp, chính sách thu đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, đặc biệt là phù hợp với định hướng tại Nghị quyết 68. Hướng đến kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Tài chính và ngành Thuế (10/9/1945 - 10/9/2025), lãnh đạo Bộ Tài chính đặt kỳ vọng lớn vào sự bứt phá của ngành Thuế.
"Toàn ngành phát động thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025, với mục tiêu thu ngân sách tăng cao, đồng thời kêu gọi tinh thần đổi mới, giữ gìn kỷ luật, tận tâm phục vụ người dân, doanh nghiệp - đúng với vai trò trụ cột ngân sách quốc gia", Thứ trưởng Cao Anh Tuấn kêu gọi.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, ngành Thuế xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là toàn ngành cần nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, hướng tới mức vượt 25%; cần triển khai tốt mô hình thuế ba cấp theo đúng quy định, bảo đảm vận hành thông suốt; xây dựng và thúc đẩy hoàn thiện dự án Luật Quản lý thuế mới, đồng thời tham gia các luật khác như thuế TNCN, đất đai, giao dịch liên kết; tập trung xây dựng và triển khai hệ thống CNTT mới, bảo đảm vận hành từ tháng 10/2026; toàn ngành cần nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 68, trọng tâm là xóa bỏ thuế khoán, chuyển sang kê khai với 100% hộ có hóa đơn điện tử từ 2026; cần áp dụng cơ chế người nộp thuế đánh giá công chức qua giao dịch; rà soát, cắt giảm ít nhất 45% thủ tục hành chính; ngành Thuế cần đổi mới toàn diện cách thức dự báo và xây dựng dự toán ngân sách; cơ quan thuế cần xây dựng 4 nền tảng (Lãnh đạo chỉ đạo; cam kết hỗ trợ người nộp thuế; phối hợp liên ngành; nâng cao năng lực nội bộ).
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho Thuế tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: VGP/HT
"Chúng ta cần xác định từ cơ quan quản lý phải trở thành người phục vụ người dân. Cán bộ công chức sẽ được đào tạo lại nếu bị người nộp thuế đánh giá điểm thấp, nhiều lớp đào tạo sẽ được tổ chức để chuẩn hóa năng lực, kỹ năng cho đội ngũ tuyến đầu", Cục trưởng Mai Xuân Thành quán triệt cán bộ thuế.
Người đứng đầu ngành thuế cũng cho hay, cơ quan thuế sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan công an, xuất nhập cảnh, Bộ Tài chính, các sở ngành để triển khai Đề án 06, phát triển AI, chatbot, trợ lý ảo phục vụ người nộp thuế.
Cũng trong chiều ngày 10/7, Cục Thuế đã tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2021-2025, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống ngành Thuế Việt Nam (10/9/1945 - 10/9/2025). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối 385 điểm cầu trên toàn quốc.
Trong 5 năm qua, ngành Thuế đã vinh dự đón nhận hàng trăm phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, trong đó có 3 Huân chương Lao động hạng Nhất, 80 Cờ thi đua của Bộ Tài chính và hàng trăm bằng khen, giấy khen các cấp.
Cục trưởng Mai Xuân Thành trao tặng Cờ thi đua của Bộ Tài chính cho các tập thể xuất sắc của ngành Thuế - Ảnh: VGP/HT
Đây không chỉ là minh chứng cho sự cống hiến thầm lặng và bền bỉ, mà còn là động lực để ngành Thuế tiếp tục vươn lên, vượt qua mọi thử thách, khẳng định vị thế trong sự nghiệp xây dựng nền tài chính quốc gia hiện đại, minh bạch và phát triển bền vững.
Huy Thắng