Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trả lời phỏng vấn Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia về yêu cầu cắt giảm thời gian, thủ tục cấp phép xây dựng do Thủ tướng Chính phủ đặt ra với các bộ, ngành, Ủy viên Ban Chấp hành Hội KTS TP Hồ Chí Minh, KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng, giới KTS đang “ngập lụt” với quy hoạch không rõ ràng và xây dựng theo thủ tục trình duyệt. Để ra đời “những đứa con tinh thần”, họ phải “cạy nhờ, xin- cho không biết bao nhiêu cửa!”, ông Dũng nói.
KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng “quản lý đô thị theo dạng hậu kiểm” sẽ giúp đất nước có thêm nhiều công trình đẹp. |
Để những người “ngoại đạo” dễ hình dung, vị KTS này phác thảo các bước thủ tục thực hiện một dự án xây dựng như sau:
Trước hết là xin chủ trương được đầu tư ở địa điểm đó, công trình gì. Sau đó, lập luận chứng thiết kế kĩ thuật hay dự án đầu tư, vẽ quy hoạch dự án 1/500 và các phương án kiến trúc trình Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định hoặc lên cấp cao hơn.
Sau đó, xin duyệt quy hoạch 1/500 hay thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng ở Sở Quy hoạch - Kiến trúc, thỏa thuận về mật độ xây dựng, chiều cao, lộ giới, hợp khối hay từng công trình rời…
Đây là khâu cực kì phức tạp vì thiết kế dễ bị phản hồi về việc thừa hay thiếu một điều kiện nào đó, ví dụ như đường xe cứu hỏa bao quanh rộng hay hẹp, hồ nước ngầm to hay nhỏ… Nếu đất đai có sổ đỏ hợp pháp nhưng vướng vào quy hoạch phân khu vừa mới phê duyệt, lại phải đi đo đạc lại theo bản đồ mới và phải vẽ lại từ đầu…
Nếu Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông qua phần việc này, nộp thiết kế kỹ thuật đã được điều chỉnh vào các sở ngành xin thỏa thuận về môi trường, nước, rác thải; xin giấy phép phòng cháy chữa cháy; xin đấu nối giao thông, điện nước… Để có được tất cả các loại giấy trên, thường phải chạy rất lòng vòng.
Sau đó, tiếp tục nộp vào Sở Xây dựng xin giấy phép xây dựng. Khâu này rất mất thời gian vì phải “thiết kế” đủ hết các bộ môn: kiến trúc, kết cấu, điện nước, thông tin liên lạc và thuyết minh đủ loại, nhưng chỉ cần cán bộ Sở không đồng ý về một chi tiết nào đó của kiến trúc, kết cấu là hầu như phải bỏ hết, làm lại từ đầu.
Còn nếu dự án liên quan đến các ngành khác như Công Thương, Y tế, Văn hóa, Giáo dục… đều phải xin ý kiến chấp thuận, vì nếu không sau này không thể hoàn công đưa vào sử dụng.
Thiết kế một dự án dù nhỏ hay lớn đều phải qua các bước đó. Đơn vị thiết kế thường xuyên phải điều chỉnh thiết kế cho hợp ý các cơ quan đó và phải trình lại chủ đầu tư phê duyệt, nếu được đồng ý thì hoàn thành trách nhiệm, còn nếu không sẽ phá sản toàn bộ.
Vậy ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các trình tự, thủ tục cấp phép phức tạp và khó khăn đó?
Cấp phép là công cụ để giữ trật tự, ngăn nắp, nhưng thực tế lại không phải vậy! Ngược lại, người cấp giấy phép, thẩm định thiết kế còn góp phần làm tăng thêm tình trạng ngập úng, giao thông ùn tắc, ô nhiễm môi trường, làm hỏng cảnh quan bảo tồn, làm mất tầm nhìn…
Khi xong thủ tục, công trình không còn thấy gì vẻ lãng mạn, sự sáng tạo, thăng hoa ban đầu nữa mà trở thành một khối bê tông vô cảm. Tìm cho ra những tác phẩm, những tuyệt tác để đăng vào sách thật là khó! Nếu có thì cũng bị bao vây, lọt thỏm trong mớ bê tông sắt thép hỗn độn.
Có những quy định oái oăm, mỗi cơ quan hiểu một kiểu, gây khó khăn khiến KTS hành nghề phải giải trình từng nét vẽ một. Vẽ một dự án 3 tháng nhưng thẩm định “trình cho đến khi duyệt” 3 năm. Điệp khúc điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh quy hoạch là những cụm từ đơn giản và trở nên phổ biến kèm theo cái giá của nó là tiền tỉ trôi sông!
Hiện nay, thiết kế kiến trúc vẫn mãi lận đận bao cấp bởi các rào cản “xin – cho”. Người bác sỹ khi ra toa thuốc họ có cầm toa thuốc đó đến sở, ban ngành xin ký duyệt, thẩm định hay không? Hay nghề công chứng, luật sư khi nhận công chứng hay bào chữa cho ai đó, họ có phải ra phường xin xác nhận và sở, ban ngành xin phê duyệt hay không? Kiến trúc sư hay kiến trúc xin?
Còn về phía người dân, quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ, lẽ ra họ có quyền thuê tư vấn xây dựng nhà cho họ, dựa trên luật đô thị, luật quy hoạch mà không cần phải xin phép hay thỏa thuận với chính quyền (họ chỉ xin phép chính quyền khi họ thiết kế sai quy hoạch).
Một vấn đề khác, công tác quy hoạch là cực kỳ quan trọng. Từ chỗ quy hoạch không rõ ràng dẫn đến xây dựng công trình nào cũng phải xin chứng chỉ quy hoạch, thỏa thuận ý kiến kiến trúc, mật độ, tầng cao, xin thỏa thuận môi trường, phòng cháy chữa cháy, đấu nối điện nước…
Vậy theo ông, giải pháp cho vấn đề là gì?
Thế giới họ làm việc này như thế nào? Chỉ có hai bản đồ để quản lý là bản đồ quy hoạch sử dụng đất và bản đồ phân khu chức năng.
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất chủ yếu quy định đâu là đất công, đất công trình công cộng, hạ tầng và đất dự trữ. Còn bản đồ phân khu chức năng quy định đâu là khu trung tâm, công cộng, thương mại, khu ở, khu cao tầng và thấp tầng…, kèm theo bảng quy định các điều cơ bản như lộ giới, mật độ, vỉa hè, hành lang, bậc cấp, vị trí đấu nối điện, nước, cốt nền, bảng số nhà, đèn đường, vị trí cây xanh…
Bảng điều kiện hay kim chỉ nam của mỗi vùng miền, mỗi thành phố được in thành sách với những quy định cụ thể trao tận tay các văn phòng kiến trúc, được gọi là “điều kiện sách”.
Ví dụ như ở đảo Bali (Indonesia) có quy định mọi công trình nhà ở không được xây cao quá ngọn dừa. Hoặc ở Nhật, họ chỉ sử dụng màu của chất liệu gạch, cát đá, cấm sơn phết lòe loẹt… Một vài thành phố như Hồng Kông, Singapore, Kuala Lumpur quy định khu phố mặt tiền phải lùi vào 2m tạo thành hành lang đi lại cho bộ hành dọc lề đường, cao độ nền phải bằng với lề đường và có độ dốc để người đi xe lăn, người khiếm thị đi lại dễ dàng…
Công việc còn lại của từng dự án, công trình cụ thể chỉ là quan hệ độc lập giữa các đối tác. Kiểu dáng, phong cách khối kiến trúc cho đến kết cấu công trình, trang trí nội thất, vật liệu, đó là công việc sáng tạo của thiết kế, thi công, chủ đầu tư - một quan hệ dân sự bình thường, Nhà nước không cần can thiệp.
Mỗi bản vẽ xuất xưởng chính là giấy phép cao nhất của công trình. Trách nhiệm và quyền hạn được trao về người hành nghề, tức giới KTS. Họ phải có trách nhiệm với từng nét vẽ của mình, Nhà nước chỉ hậu kiểm có đúng quy chuẩn, “điều kiện sách” của vùng, của thành phố không mà thôi.
Họ sẽ bị chế tài, bị trách nhiệm hình sự nếu hành nghề sai trái, hoặc bị hội hành nghề (Hội KTS, Đoàn KTS) rút giấy phép, phạt “thẻ đỏ”, “thẻ vàng”. Cùng với đó là vấn đề chữ tín, đạo đức, quy luật thị trường và đào thải sẽ ngăn KTS làm sai.
Đây là cách làm “quản lý đô thị theo dạng hậu kiểm” với trách nhiệm và quyền hạn rõ ràng thay cho “quản lý đô thị tiền kiểm” với một rừng thủ tục xin- cho phức tạp hiện nay…
Nếu các cơ quan chức năng xem xét và thử nghiệm cách làm này, tôi tin là không chỉ giảm bớt được những thủ tục rườm rà, không cần thiết. Mà đất nước mình sẽ có nhiều tác phẩm kiến trúc đẹp, giá thành hạ và hạn chế được nhiều vấn nạn trong xây dựng hiện nay như thất thoát, kéo dài thời gian thi công, đội giá…
Xin trân trọng cám ơn KTS!
Hà Chính (thực hiện)