• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Ngày hòa bình nhớ chuyện năm xưa

(Chinhphu.vn) - Gần 50 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, ông Nguyễn Dương Kế (Trưởng Ban liên lạc Truyền thống Tù binh trại giam Phú Quốc - Việt Nam vượt ngục, Thường trực Ban liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày) vẫn không thể nào quên khoảnh khắc nghe Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng vô điều kiện trên sóng phát thanh. “Khi ấy, tâm trạng tôi lâng lâng khó tả. Chiến tranh, tôi cùng đồng đội tham gia chiến đấu, vào tù ra khám, chỉ đợi đến ngày này. Ngày đất nước thống nhất”, ông Kế bồi hồi nhớ lại.

28/04/2024 08:42
Ngày hòa bình nhớ chuyện năm xưa- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Dương Kế, người cựu tù ở Trại giam tù bình Phú Quốc năm xưa nhớ lại những kỷ niệm - Ảnh: VGP/Nguyễn Trần

Ám ảnh những đòn tra tấn

Năm 1966, vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Dương Kế rời quê nhà Nam Định lên đường nhập ngũ. Sau gần nửa năm luyện tập tại Thanh Hóa, ông vào miền Nam tham gia chiến đấu, được phân về Trung đoàn Đồng Nai 1, Phân khu 5, Phân khu Sài Gòn - Gia Định. Trong một lần đang làm nhiệm vụ, bị giặc bắt, ông chống trả quyết liệt, cơ thể chịu nhiều vết thương. Bọn chúng đưa ông vào viện điều trị một thời gian, khi tình hình sức khỏe khả quan hơn thì chuyển về trại giam Biên Hòa, chuẩn bị lưu đày ra Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc.

Năm 1969, ông Kế bắt đầu hành trình khổ sai cùng các chiến sĩ cách mạng tại trại giam khét tiếng độc ác này. Ở phân khu Đ5, nơi những tù binh là thương binh như ông Kế bị giam giữ, hàng loạt hình thức tra tấn đã được triển khai. "Các đòn tra tấn dã man nhiều đến mức ám ảnh. Đổ nước sôi, đóng đinh vào cơ thể, đục răng, đánh cho đến chết… có tận 45 kiểu tra tấn mà giờ nhắc lại anh em tù binh chúng tôi vẫn rùng mình. Từ năm 1967 đến năm 1973, Trại giam từ binh Phú Quốc giam giữ gần 43.000 tù binh, trong đó hơn 4.000 người đã bị sát hại. Bị đàn áp đủ kiểu nhưng điều đáng quý là không anh em nào nhụt ý chí. Chúng tôi nương nhau, tìm cách đấu tranh khôn khéo để chờ thời cơ", ông Kế nhớ chuyện xưa.

Hai năm sau, chi bộ khu Đ5 tổ chức đào hầm vượt ngục để đưa các chiến sĩ về đất liền tiếp tục chiến đấu. Theo kế hoạch sẽ đào tổng cộng ba đường hầm. Tháng 7/1971, khi hầm ngắn nhất đào gần xong, mọi người vô cùng phấn khởi thì phát hiện việc hệ trọng có nguy cơ bị lộ do trong tổ chức có nội gián. Chi bộ khu Đ5 họp khẩn cấp và đi đến quyết định phải giữ an toàn cho các đồng đội tham gia vượt ngục. Mọi việc đâu vào đấy, ông Kế xung phong nhận tội thay cho đồng đội. Ngay lập tức, những đòn tra tấn trong khu biệt giam hành hạ ông suốt thời gian dài. 

Ông Kế kể lại: "Bọn chúng vừa đánh đập dã man, đến mức tôi không đi đứng được, phải nhờ người khiêng vào. Cơ thể nhiều lúc tưởng chừng không chịu đựng thêm được nữa, đau đớn vô cùng nhưng tôi nhất quyết không hé môi. Sau đó, chúng đưa tôi về Cần Thơ và mang ra xử tại tòa án binh. Ngày 20/12/1971, tôi bị tuyên án tử hình. Tôi chống đối, không chịu ký xác nhận bản án. Bọn chúng bỏ đói, bịt mắt, xích tay đưa tôi cùng ba đồng đội khác về chuồng cọp, nhốt trong đó".

Ngày hòa bình nhớ chuyện năm xưa- Ảnh 2.

Người cựu tử tù Nguyễn Dương Kế cùng đồng đội cũ và người thân trong dịp kỷ niệm 50 năm "chiến thắng trở về" tại Trại giam Phú Quốc năm 2023 - Ảnh nhân vật cung cấp

Vượt ngục

Ngay đêm đầu tiên bị giam đợi giờ ra pháp trường, bốn tử tù đã bấm tay nhau, quyết tâm vượt ngục, tìm đường về với đồng đội để tiếp tục chiến đấu. Ông Kế nói, điều thuận lợi là nơi giam giữ nằm ngay trên mặt đất gần hồ, đất mềm dễ cho việc đào bới. Bốn tù binh tìm đủ cách xoay xở, tạo ra lối thoát ngay trong đêm. Lợi dụng trời tối, họ chia nhau dùng sắt khoét nền nhà giam, sau đó moi đất chui dưới hàng rào bùng nhùng.

Thoát được khỏi hàng rào, bốn tử tù dùng đất trát kín người để ngụy trang rồi bò trốn ra ngoài, mỗi người một hướng. Khi ra tới bờ sông Bình Thủy, ông Kế gặp được hai tử tù là ông Long và ông Pha. Một tử tù không may bị bắt, mất liên lạc. Ba tử tù nhờ được gia đình người dân chở qua sông Hậu, hôm sau, đến được huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Từ đây, họ men theo đường mòn, đi tìm đồng đội. Trên người chẳng mang theo gì ngoài chiếc quần có in chữ "TB", họ ăn rau củ tìm thấy dọc đường, uống nước cho qua cơn đói.

Đến nơi nghe được tiếng súng, thấy du kích, chưa kịp mừng, ba tử tù bị đưa về Tỉnh đội Vĩnh Long, bắt đầu quá trình tạm giam vì bị nghi là gián điệp. Lúc bấy giờ, ông Kế buồn lắm nhưng chẳng còn cách nào khác ngoài việc nghiêm túc chấp hành quy định, đợi việc xác minh hoàn tất. Hơn một tháng sau, ông Kế được trả tự do, tổ chức phân công làm du kích ấp trong vài tháng trước khi nhận nhiệm vụ mới tại Ban tuyên huấn huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Tình hình chiến trường lúc đó rất ác liệt, là lính chiến, ông Kế muốn được trực tiếp tham gia chiến đấu, dù hy sinh cũng cam lòng.

Chưa thể quay về Sài Gòn tham gia chiến đấu như mong muốn, ông Kế tiếp tục các nhiệm vụ do tổ chức giao. Chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, có lệnh lấp sông Măng Thít, đề phòng địch cố thủ tại Cần Thơ. Lúc đó ông Kế được giao nhiệm vụ vận động nhân dân ủng hộ vật tư, thiết bị lấp sông Măng Thít, không cho tàu thuyền lưu thông. Mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch.

Những ngày cuối tháng 4/1975, liên tục cập nhật thông tin từ chiến trường miền Nam, ông Kế mong đợi ngày toàn thắng. Sau sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975, ông Kế được cấp trên phân công làm nhiệm vụ tiếp quản ở Vĩnh Long. Trên đường về Phòng Chính trị Tỉnh đội Vĩnh Long, ông không giấu được niềm xúc động khi thấy quân dân xuống đường mừng chiến thắng. Đất nước tự do rồi! Chiến tranh kết thúc rồi!

"Khi ấy, tâm trạng tôi lâng lâng khó tả. Tôi cùng đồng đội tham gia chiến đấu, vào tù ra khám, chỉ đợi đến ngày đất nước thống nhất", ông Kế bồi hồi nhớ lại.

Ngày hòa bình nhớ chuyện năm xưa- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Dương Kế (người ngoài cùng bên trái) trong một cuộc sinh hoạt của Ban Liên lạc cựu tù cính trị - tù binh quận 5 - Ảnh nhân vật cung cấp

Ngày trở về…

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Kế được phân công đi vận động binh sĩ ra trình diện. Khi ấy, ông vừa làm công tác tuyên truyền, vừa làm công tác quản huấn, giáo dục bồi dưỡng sĩ quan ngụy tại địa phương. Năm 1977, ông quay về TPHCM sinh sống, làm việc đến năm 2008 thì chính thức nghỉ hưu. Giai đoạn này, cựu tử tù Phú Quốc Nguyễn Dương Kế dành nhiều thời gian cho việc kết nối, thăm nom những đồng đội từng vào tù ra khám với mình năm xưa.

Các hoạt động của Ban liên lạc Truyền thống Tù binh trại giam Phú Quốc Việt Nam vượt ngục và Ban liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày giúp ông Kế có cơ hội gặp lại nhiều đồng đội trên khắp mọi miền đất nước. Mỗi khi có dịp, họ cùng nhau ghé thăm lại Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc, nói lời tri ân với người đã ngã xuống, ôn lại kỷ niệm xưa với đồng đội còn ngồi đây. Những chất liệu quý dưới góc nhìn của nhân chứng lịch sử còn theo ông Kế đến nhiều trường học trên cả nước. Ông kể cho các thế hệ học sinh nghe về cái giá của hòa bình và sự hy sinh, tinh thần bất khuất của chiến sĩ cách mạng năm xưa.

Từ khi về hưu đến nay, ông Kế dành phần lớn thời gian cho các hoạt động hỗ trợ chăm lo đời sống người dân tại địa phương với vai trò Bí thư chi bộ khu phố. Nhận thấy địa bàn khu phố 4, phường 11, quận 5, nơi gia đình mình đang sinh sống còn rất nhiều hộ khó khăn, ông tìm cách kết nối giúp người dân tìm việc làm phù hợp, kiếm thêm thu nhập. Nghe ai thất nghiệp, ông đến nhà hỏi thăm rồi giới thiệu chỗ làm, kịp thời hỗ trợ trong trường hợp cấp bách. Mười mấy năm bám sát khu phố, lắng nghe tâm tư của người dân, ông đã chủ động đưa ra nhiều đề xuất với cấp trên nhằm có thêm chính sách đồng hành cùng người nghèo, nhất là lao động phổ thông, người bán hàng rong…

Mỗi lần ai đó hỏi thăm về khu phố nơi mình đang sinh sống, cựu chiến binh Nguyễn Dương Kế đều tự hào khoe: Mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều. "Khu phố của tôi được phường lấy làm điểm khu phố văn hóa. Nhiều năm nay không còn tình trạng mất ăn ninh trật tự, không có trộm cắp, cướp giật hay ma túy. Cái quan trọng nhất là anh lo được cho dân, làm thế nào để đời sống bà con nâng lên thì mọi người mới nhiệt tình tham gia các hoạt động. Mình nói sao cho dân nghe, ai cũng tự nguyện, tự giác chứ không áp đặt", ông Kế vui vẻ cho hay.

Nguyễn Trần