Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Dao nói riêng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng.
Việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành đến đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Dao. Đây còn là dịp để đồng bào cả nước nói chung, đồng bào dân tộc Dao nói riêng bày tỏ tình cảm, niềm tin yêu đối với Đảng, với Bác Hồ, ý thức trách nhiệm với văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, các cấp, ngành, nhất là ngành văn hóa, cần tham mưu cho Đảng, Trung ương tiếp tục đẩy mạnh việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc; tạo mọi điều kiện nâng cao mức thụ hưởng và tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa của Nhân dân; kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững...
Cùng với đó, đồng bào các dân tộc trong cả nước cùng nhau thực hiện tốt phương châm người đi trước truyền lại cho người đi sau, ông bà cha mẹ truyền dạy cho con cháu, cộng đồng truyền dạy lẫn nhau với nhiều cách làm sáng tạo, bền bỉ để giữ gìn và phát huy được nét đẹp của dân tộc mình.
Điểm nhấn trong đêm khai mạc là chương trình nghệ thuật mang chủ đề "Giấc mơ mặt trời" với sự tham gia của trên 1.000 diễn viên chuyên và không chuyên, trong đó có 300 nghệ sĩ, nghệ nhân là người dân tộc Dao đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng tham gia trình diễn.
Chương trình gồm 3 chương với các tên gọi: "Gọi non ngàn thức giấc", "Những cung bậc núi rừng" và "Khúc tự tình trên núi", diễn tả đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa của người Dao, hội tụ những nét văn hóa cơ bản nhất sắp xếp theo trình tự như một ngày điển hình của người Dao.
Bên cạnh đó, chương trình còn có nhiều trích đoạn mô phỏng phong tục tập quán độc đáo của đồng bào dân tộc Dao như lễ cấp sắc, lễ cưới, lễ cầu mùa…
Sau đêm khai mạc, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao còn có nhiều hoạt động như: Các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; Triển lãm "Đặc trưng văn hóa dân tộc Dao trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam"; trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương và ẩm thực truyền thống; thi đấu thể thao dân tộc và trò chơi dân gian bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co và chạy cà kheo; quảng bá du lịch địa phương; liên hoan nghệ thuật quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống… của đồng bào dân tộc Dao./.
BT