Ông Lê Đình Lợi, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đô Lương cho biết: Công ty đang quản lý hơn 600 ha thông và 700 ha thông xen keo nhưng đã bị sâu róm phá hại trên vài chục ha. Do rừng thông bị sâu róm gây hại nên nhiều tuần nay, Công ty đã huy động lực lượng cùng nhân dân mua thuốc và sử dụng 4 máy cao áp tổ chức phun đồng loạt nhằm ngăn chặn, diệt trừ sâu róm phá hại, không để lây lan ra diện rộng. Tại huyện Nghi Lộc, sâu róm cũng đã gây hại trên 2.000 ha tập trung tại các xã Nghi Văn, Nghi Lâm, Nghi Đồng, Nghi Yên, với mật độ từ 100 – 150 con/cây, có những khu vực lên tới 500 con/cây. Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc đã cung ứng trên 2 tấn thuốc trừ sâu và huy động các đội, trạm và các hộ dân nhận khoán tổ chức phòng trừ, không chế kịp thời. Tại huyện Yên Thành, từ tháng 3 đến nay có gần 200 ha thông ở các xã Công Thành, Sơn Thành, Viên Thành, Vĩnh Thành…bị sâu róm gây hại, với mật độ từ 80 – 120 con/cây.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, đến nay đã có gần 13.000 ha thông bị sâu róm gây hại, trong đó có gần 3.800 ha bị hại nặng. Mặc dù Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện, các Công ty và chính quyền các địa phương đã tổ chức phun thuốc phòng trừ, nhưng sâu thế hệ 1 phát triển mạnh với mật độ trên 100 con/cây, có nơi 200 con/cây. Hiện tại, sâu chủ yếu đang vào nhộng để hình thành sâu thế hệ 2. Nếu điều kiện thời tiết tiếp tục nắng nóng thì sâu róm sẽ phát triển thành dịch vào cuối tháng 6 trở đi. Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An đã thông báo đến Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện, các chủ rừng và nhân dân sử dụng các loại thuốc sinh học như: Angun 5 WDG, Reagant 3.6 EC và Dylan 2 EC để phòng trừ không cho lây lan ra diện rộng. Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp thủ công để bắt sâu như rung cây, dùng vồ đập vào gốc cây, dùng bẫy bắt bướm, thu gom nhộng..., khống chế sâu róm thông có hiệu quả.
Viết Hùng